(Xây dựng) - Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người sáng lập Đảng, nhà cách mạng vĩ đại, là lãnh tụ thiên tài của đất nước, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hoá thế giới, là biểu tượng ngời sáng về đạo đức cách mạng, tấm gương hy sinh, hiến dâng trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân. Người không chỉ đấu tranh, mưu cầu hạnh phúc cho đồng bào, độc lập cho nước nhà, tự do, bình đẳng cho người dân mà còn để lại cho các thế hệ mai sau một di sản tinh thần vô giá, đó là tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh…
Bác Hồ về thăm Nhà máy Xi măng Hải Phòng (năm 1957). |
Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống các quan điểm toàn diện, sâu sắc, gồm tư tưởng về giải phóng dân tộc, giai cấp, giành độc lập, tự do và giải phóng con người; Tư tưởng kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh của quần chúng, quyền làm chủ của Nhân dân; Tư tưởng xây dựng Nhà nước pháp quyền thật sự của dân, do dân, vì dân; Tư tưởng về chiến tranh Nhân dân, quốc phòng toàn dân; Tư tưởng đoàn kết, hợp tác quốc tế, xây dựng phát triển kinh tế và văn hoá, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân; Tư tưởng về đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; Tư tưởng về xây dựng Đảng, bộ máy Nhà nước trong sạch, vững mạnh, cán bộ, đảng viên vừa là người lãnh đạo vừa là đầy tớ của Nhân dân; Tư tưởng về chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau,…
Đạo đức Hồ Chí Minh là một hệ thống lý thuyết phong phú, tinh tế, nổi bật là các đức tính, chuẩn mực về lối sống, là bản lĩnh biết quên mình, biết vượt qua toan tính cá nhân để vì mọi người chứ không vì mình, vị tha và độ lượng chứ không ích kỷ, hẹp hòi. Đạo đức của Người là đạo đức cao cả của một trí thức vĩ đại, người cộng sản mẫu mực, kiên định trên lập trường, quan điểm cách mạng nhất quán, kết hợp chủ nghĩa yêu nước với chủ nghĩa quốc tế chân chính. Bác là một nhà đạo đức học minh triết cao siêu, tối thượng, không chỉ là đạo đức cách mạng mà còn là đạo đức hành động.
Phong cách Hồ Chí Minh là phong cách ứng xử tài tình, luôn khiêm nhường, lịch thiệp, nhã nhặn, chân tình, nồng hậu, linh hoạt, chủ động và biến hoá. Trước đồng chí, trước Nhân dân và trước kẻ thù, đối tác Người luôn thông thái, uyển chuyển, khôn khéo, được việc, được người. Đó là phong cách hài hoà, nhuần nhuyễn giữa văn hoá Đông - Tây. Phong cách làm việc của Bác khoa học, nói đi đôi với làm, làm việc gì cũng điều tra, nghiên cứu, thu thập thông tin. Theo Bác “Đảng có hiểu rõ tình hình thì đặt chính sách mới đúng”. Bác làm việc có chương trình, kế hoạch, luôn đổi mới sáng tạo, không bảo thủ, cố chấp. Người cho rằng “Tư tưởng bảo thủ như là sợi dây cột chân, cột tay người ta”, “Muốn tiến bộ phải có tinh thần mạnh dạn, dám nghĩ dám làm”,…
Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là tài sản vô giá của dân tộc. Di sản đó đã làm nên một Danh nhân văn hoá hàng đầu của nhân loại. Đó là năm 1990, kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Người, UNESCO vinh danh Chủ tịch Hồ Chí Minh là Danh nhân văn hoá thế giới. Lời Bác từ năm 1948 khẳng định như một chân lý thời đại “Văn hoá soi đường cho quốc dân đi”. Đó là giá trị bền vững của tư tưởng lỗi lạc Hồ Chí Minh, mãi mãi chỉ lối cho cuộc đấu tranh cách mạng vì độc lập, tự do, hoà bình, công bằng, tiến bộ xã hội của Nhân dân ta.
Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là tấm gương vô cùng trong sáng, cao thượng, kết tinh của tinh hoa văn hoá Việt Nam. Người là nhà tư tưởng lỗi lạc về văn hoá, sáng tạo ra nền văn hoá mới, văn hoá cách mạng, kiến tạo ra thời đại mới trong lịch sử phát triển của văn hoá dân tộc mà chính bản thân Người, cuộc sống của Người, những việc làm bình thường, nếp sống giản dị, khiêm tốn của Người là hiện thân của văn hoá dân tộc. Từ đó, làm nên một Hồ Chí Minh “người là niềm tin và tất thắng”.
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong Đảng và toàn xã hội là một hoạt động tất yếu có ý nghĩa chính trị sâu rộng, cần thiết và sẽ diễn ra một quá trình lịch sử lâu dài. Với mỗi người dân Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là biểu tượng ngời sáng về đạo đức cách mạng, tấm gương hi sinh vì nước vì dân nên việc học tập và làm theo là bổn phận, trách nhiệm công dân để mỗi người soi vào mình, sửa mình, hoàn thiện mình. Năm 1969, trong lễ truy điệu Bác Hồ, đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn đọc điếu văn nhấn mạnh: “Suốt đời học tập đạo đức, tác phong của Người, bồi dưỡng phẩm chất cách mạng, không sợ gian khổ, không sợ hy sinh, rèn luyện mình thành những chiến sĩ trung thành với Đảng, với dân, xứng đáng là đồng chí, là học trò của Hồ Chủ tịch”. Theo Bác, đạo đức là nguồn nuôi dưỡng và phát triển con người, như gốc của cây, như ngọn nguồn của sông, suối. Người viết: “Cũng như sông phải có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được Nhân dân”. Bác khẳng định, có đạo đức cách mạng thì gặp khó khăn, gian khổ, thất bại cũng không sợ sệt, lùi bước, là chỗ dựa giúp con người giữ vững tinh thần, ý chí vươn lên, vượt qua mọi thách thức và biết “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”, luôn nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ.
Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là khái quát cơ bản tinh hoa con người Việt Nam, bao quát những mối quan hệ biện chứng. Một là, đối với đất nước, dân tộc phải “Trung với nước, hiếu với dân”; Hai là, với mọi người phải “yêu thương nhau, sống có nghĩa có tình”; Ba là, với bản thân phải “thực sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”; Bốn là, mở rộng quan hệ yêu thương con người đối với toàn nhân loại, phải có “tinh thần quốc tế trong sáng”. Bác dạy, lời nói phải đi đôi với hành động, phải nêu gương về đạo đức. Xây dựng đạo đức phải đi đôi với chống tham nhũng, tiêu cực, chống lười lao động, lười suy nghĩ. Phải tu dưỡng, rèn luyện suốt đời. Sinh thời, Bác chỉ rõ: “Bên cạnh những đồng chí tốt ấy, còn có một số ít cán bộ, đảng viên mà đạo đức, phẩm chất còn thấp kém. Họ mang nặng chủ nghĩa cá nhân, việc gì cũng nghĩ đến lợi ích riêng của mình trước hết. Họ không lo “mình vì mọi người” mà chỉ muốn “mọi người vì mình”. Do cá nhân chủ nghĩa mà ngại gian khổ, khó khăn, sa vào tham ô, hủ hoá, lãng phí, xa hoa. Họ tham danh trục lợi, thích địa vị quyền hành. Họ tự cao tự đại, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, độc đoán, chuyên quyền. Họ xa rời quần chúng, xa rời thực tế, mắc bệnh quan liêu, mệnh lệnh. Họ không có tinh thần cố gắng vươn lên, không chịu học tập để tiến bộ. Cũng do cá nhân chủ nghĩa mà mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, tính kỷ luật, kém tinh thần trách nhiệm, không chấp hành đúng đường lối, chính sách của Đảng và của Nhà nước, làm hại đến lợi ích của cách mạng, của Nhân dân”. Bác còn chỉ rõ: “Trong phê bình thì nể nang, né tránh, ngại va chạm, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh. Có đồng chí đáng phải trừng phạt, nhưng vì cảm tình nể nang chỉ phê bình, cảnh báo qua loa cho xong chuyện. Thậm chí còn che đậy cho nhau, tha thứ lẫn nhau, lừa dối cấp trên, giấu diếm đoàn thể. Thi hành kỷ luật như vậy làm cho đồng chí không những không biết sửa lỗi mình mà còn khinh thường kỷ luật. Tai hại hơn nữa nếu kỷ luật của đoàn thể lỏng lẻo, những phần tử phản động sẽ có cơ hội chui vào hàng ngũ ta để phá hoại đoàn thể ta”,…
Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị ngày 16/5/2016 về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” là phương châm xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, trong sạch, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ cấp cao, cán bộ cấp chiến lược, chính là đội ngũ trí thức tinh hoa của đất nước mà còn là nhiệm vụ xây dựng, phát triển nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng con người Việt Nam ngang tầm, xứng tầm nhiệm vụ cách mạng của thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá, thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0). Chân lý đó luôn luôn “soi đường cho quốc dân đi”.
Với lòng biết ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân cần biến những tình cảm thiêng liêng đối với Bác Hồ kính yêu thành ý chí, thành hành động thiết thực, sáng tạo, khởi nghiệp thành công. Mỗi người nguyện không ngừng phấn đấu, rèn luyện, ra sức học tập và kiên trì làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người trong từng suy nghĩ, từng việc làm cụ thể, một lòng một dạ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vì đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Từ đó, nhanh chóng đưa nước ta trở thành quốc gia công nghiệp, đất nước phát triển, bước tới đài vinh quang, sánh vai với các cường quốc năm châu như nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra.
Kim Quốc Hoa
Theo