Thứ hai 29/04/2024 16:02 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Tứ Kỳ (Hải Dương): Nhiều xã khó về đích nông thôn mới nâng cao

10:34 | 26/10/2023

(Xây dựng) – Hiện nay, cả 6 xã xây dựng nông thôn mới nâng cao của huyện Tứ Kỳ (Hải Dương) đều đang gặp khó khăn trong thực hiện một số chỉ tiêu, tiêu chí khó trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao.

Tứ Kỳ (Hải Dương): Nhiều xã khó về đích Nông thôn mới nâng cao
Thiếu kinh phí nên nhiều tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới nâng cao ở Tứ Kỳ chưa đạt.

Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Đảng bộ xã Quang Trung, huyện Tứ Kỳ đã đặt mục tiêu tiếp hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao vào năm 2022 – 2023, tiến tới nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2027. Sau khi rà soát, địa phương còn thiếu tiêu chí giao thông, trường học, tổ chức sản xuất. Riêng với tiêu chí tổ chức sản xuất, xã đang xây dựng vùng nếp cái hoa vàng rộng 60ha ở thôn An Vĩnh để xây dựng thành sản phẩm OCOP của địa phương.

Khó khăn lớn nhất với xã Quang Trung là hoàn thiện cơ sở vật chất. Xã phải cùng lúc đầu tư xây dựng nhiều hạng mục công trình như nhà hiệu bộ trường mầm non; san lấp, xây dựng nhà đa năng ở trường tiểu học; nhà lớp học 2 tầng 6 phòng học của trường trung học cơ sở; xây mới nhà làm việc 2 tầng trạm y tế xã; cải tạo và nâng cấp đường trục chính xã với tổng chiều dài 2,4km… Theo tính toán, tổng số vốn đầu tư các công trình lên tới trên 37 tỷ đồng nhưng địa phương mới chỉ thanh toán được số tiền gần 10 tỷ đồng, số còn lại vẫn còn nợ các đơn vị thi công.

Ông Nguyễn Viết Dự - Chủ tịch UBND xã Quang Trung chia sẻ: “Khi đầu tư các công trình xây dựng, địa phương dự kiến trông cả vào nguồn đấu giá quyền sử dụng 55 lô đất nhưng đến nay khu dân cư này vẫn chưa đấu giá thành công. Không có nguồn vốn đầu tư nên các công trình của địa phương đều phải tạm dừng xây dựng trong tình trạng dang dở. Nguồn lực cạn kiệt, địa phương chỉ còn trông chờ vào nguồn hỗ trợ của cấp trên để hoàn thiện các công trình này trong thời gian tới”.

Thiếu kinh phí cũng là nguyên nhân khiến Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới nâng cao ở xã Đại Hợp, huyện Tứ Kỳ gặp nhiều khó khăn. Nguồn lực chính của xã cũng chỉ trông vào nguồn đấu giá đất. Có lẽ đây là nguồn lực duy nhất để Đại Hợp xây dựng nông thôn mới nâng cao trong giai đoạn này. Cũng như xã Quang Trung, số tiền thu được từ nguồn này không đủ để trả nợ xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới. Hiện địa phương vẫn còn nợ trên 20 tỷ tiền đầu tư xây dựng các công trình như trường học, đường giao thông, nhà văn hóa, nghĩa trang…

Hiện nay, xã Đại Hợp đã hoàn thành 17 trong tổng số 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao. Các tiêu chí còn lại gồm cơ sở vật chất văn hóa và y tế. Nợ cũ chưa trả nên địa phương chưa thể đầu tư xây dựng các công trình mới. Xã Đại Hợp đã quy hoạch và có kế hoạch thu hồi trên 12.000m2 để làm sân nhà văn hóa trung tâm xã. Để làm được điều này, xã cần nguồn kinh phí khoảng 10 tỷ đồng nhưng hiện vẫn chưa biết tìm đâu trong bối cảnh ngân sách huyện hạn hẹp, sự hỗ trợ của tỉnh cũng chỉ giải quyết được một phần rất nhỏ nhu cầu của xã.

Năm 2022, huyện Tứ Kỳ có 6 xã là Quang Phục, Quang Trung, Ngọc Kỳ, Đại Hợp, Dân Chủ, Quang Khải phấn đấu về đích nông thôn mới nâng cao. Nhưng sau hơn 2 năm vẫn chưa có xã nào được tỉnh công nhận hoàn thành tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025 trong khi huyện đặt mục tiêu đến hết năm 2023 phải có thêm 6 xã về đích nông thôn mới nâng cao.

Khó khăn lớn nhất là các tiêu chí chưa đạt chủ yếu là giao thông, giáo dục, chất lượng môi trường sống, tổ chức sản suất (có sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực của xã được bán qua kênh thương mại điện tử)… cần nhiều kinh phí cũng như những đột phá thực sự về chất trong tổ chức sản xuất. Với những khó khăn như hiện nay, huyện Tứ Kỳ khó hoàn thành mục tiêu đã đề ra.

Anh Nguyễn Văn Mạnh, người dân xã Ngọc Kỳ cho rằng mặc dù huyện đã đạt chuẩn nông thôn mới, nhiều xã hướng tới xây dựng nông thôn mới nâng cao nhưng huyện còn rất nhiều việc phải làm để hoàn thành mục tiêu này. Nhiều tuyến đường xuống cấp chưa đươc cải tạo, nhiều xã thiếu trường học nhưng chưa được bổ sung, tình trạng ô nhiễm môi trường nhất là môi trường nước, không khí còn phổ biến. “Từ khi phát động phong trào xây dựng nông thôn mới, người dân chúng tôi không tiếc sức người, sức của đóng góp cho địa phương. Tuy nhiên, khả năng của người dân có hạn, nếu cứ tiếp tục kêu gọi đóng góp dẫn đến sự “quá tải”. Vì thế, chính quyền địa phương phải có những biện pháp sáng tạo để tạo kinh phí xây dựng hoàn thiện các tiêu chí còn thiếu. Đồng thời có những giải pháp quyết liệt giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường. Chúng tôi sẵn sàng đóng góp ngày công lao động cũng như ủng hộ kinh phí trong khả năng của mình” – anh Mạnh chia sẻ.

Mặc dù khó khăn nhưng huyện Tứ Kỳ cũng như các xã đăng ký hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2022 – 2023 nỗ lực khắc phục, phấn đấu về đích như kế hoạch đã đề ra. Nợ đầu tư công tương đối lớn, trong khi nguồn ngân sách để trả nợ gặp nhiều khó khăn. Hiện nguồn lực tập trung chủ yếu xây dựng hạ tầng giao thông, trường học, chưa tập trung nâng cao hiệu quả sản xuất, thu nhập, giảm nghèo, phát triển văn hóa, cải thiện môi trường nông thôn để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Đây đều là những khó khăn chung của nhiều xã. Dù khó khăn chồng chất, nhưng các địa phương vẫn đang nỗ lực để xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Tứ Kỳ (Hải Dương): Nhiều xã khó về đích Nông thôn mới nâng cao
Với sự hỗ trợ của cấp trên, nhiều địa phương của huyện Tứ Kỳ tập trung tổ chức lại sản xuất, nâng cao giá trị trong sản xuất nông nghiệp.

Ông Nguyễn Đình Minh - Chủ tịch UBND xã Đại Hợp cho biết: Hầu hết các tiêu chí nông thôn mới nâng cao, xã Đại Hợp đều đã đạt nhưng chỉ ở mức tối thiểu. Diện mạo nông thôn chưa thực sự khác biệt và nhận được sự đánh giá cao của nhân dân. Do vậy, địa phương vẫn tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí, nhất là tiêu chí giao thông. Địa phương tích cực vận động nhân dân tháo dỡ tường bao để mở rộng đường giao thông và được nhân dân hưởng ứng. Hiện xã cũng đang chờ phê duyệt khu dân cư mới với diện tích 3,8ha. Đây sẽ là nguồn kinh phí để nâng cao chất lượng các tiêu chí trong giai đoạn này.

Trong giai đoạn 2018-2020, huyện Tứ Kỳ có 2 xã hoàn thiện tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao là Tân Kỳ và Quảng Nghiệp. Các xã còn lại đạt bình quân 11,5 tiêu chí/xã theo bộ tiêu chí nâng cao giai đoạn 2021 - 2025. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng các địa phương cũng chủ động nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao. Từ năm 2021 đến nay, các địa phương đã tập trung nguồn lực đầu tư 179 hạng mục, công trình với tổng trị giá 751 tỷ đồng, hoàn thiện thêm 62 lượt tiêu chí. Hiện bình quân mỗi xã đạt 14,3 tiêu chí/xã, gần đạt mục tiêu của huyện đề ra trong Đề án “Xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025”.

Một lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tứ Kỳ (Hải Dương) cho biết: Để hỗ trợ các xã, huyện sẽ xem xét hỗ trợ các xã có khả năng cao về đích nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu năm 2023 với mức hỗ trợ không thấp hơn mức hỗ trợ của tỉnh (mức hỗ trợ của tỉnh: Xã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới nâng cao 2 tỷ đồng, xã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu 3 tỷ đồng). Hỗ trợ các xã đẩy nhanh tiến độ đấu giá quyền sử dụng đất tạo nguồn lực hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới. Hướng dẫn thủ tục, hỗ trợ một phần kinh phí chứng nhận sản phẩm OCOP, cấp mã vùng trồng sản phẩm chủ lực, xây dựng mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, hợp đồng liên kết theo chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, huy động, đa dạng hóa các nguồn lực để đầu tư hạ tầng, quan tâm phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng môi trường của người dân.

Khó khăn là có nhưng với quyết tâm, nỗ lực của các xã cộng với sự hỗ trợ của cấp trên, chắc chắn mục tiêu xây dựng Nông thôn mới nâng cao của huyện Tứ Kỳ sẽ hoàn thành, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

Tùng Dương - Ảnh Phương Nghi

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load