Thứ ba 14/01/2025 08:55 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Pháp luật /

Trở lại dự án đường Tân sơn nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài: Con đường không “ngay thẳng”

10:41 | 01/07/2010

Kỳ VI: Bất thường hợp đồng “hai trong một”

Phần 1: Nhập nhằng hợp đồng BT ký tắt

Hợp đồng BT được ông Nguyễn Hữu Tín - Phó chủ tịch UBND TP.HCM ký với nhà đầu tư nước ngoài ngày 5/12/2007 trước khi cấp giấy chứng nhận đầu tư, hầu hết không thay đổi so với bản ký tắt được đưa ra để lấy ý kiến các Bộ liên quan trước đó dù rằng có nhiều điều khoản bất thường.


Dự án Q.10 đang được sử dụng làm bãi giữ xe ô tô

Tuy bản hợp đồng trên chỉ được coi là hợp đồng tạm (ký tắt) nhưng nó lại có giá trị thật. Vì theo thỏa thuận tại điểm ii, khoản b, điều 3.1 của hợp đồng, hợp đồng BT chính thức do doanh nghiệp (DN) BT ký với UBND TP.HCM sau ngày cấp giấy chứng nhận đầu tư được xem như là một bên của hợp đồng tạm này.

Trong hợp đồng BT này thay vì phải yêu cầu nhà đầu tư ngoài việc lập và ký hợp đồng dự án xây dựng chuyển giao con đường, thì phải lập và ký hợp đồng khác cho các dự án thu hồi vốn theo quy định tại Nghị định 78/2007. Nhưng UBND TP.HCM lại cho phép nhập hai hợp đồng lại với nhau tạo thành một “mớ hỗn độn” khó phân biệt cả về mặt quản lý triển khai thực hiện và nghĩa vụ tài chính của dự án con đường và các dự án khác.

Theo phân tích của một chuyên gia, dạng hợp đồng “hai trong một” này không phải là hợp đồng BT, mà nó đã biến thể sang phương thức của hợp đồng đổi đất lấy hạ tầng đã bị Thủ tướng Chính phủ không cho thực hiện. Vì hợp đồng BT phải được hiểu: Nhà đầu tư phải tự bỏ vốn của mình ra để đầu tư xây dựng công trình hạ tầng trước và bàn giao cho TP.HCM sau khi hoàn thành. Nhà đầu tư sẽ được TP.HCM tạo điều kiện thực hiện các dự án kinh doanh BĐS trên 5 khu đất được thuê 50 năm để tạo nguồn vốn hoàn trả kinh phí đầu tư và lãi mà nhà đầu tư đã bỏ ra đầu tư xây dựng công trình hạ tầng. Hai dự án BT và dự án tạo vốn hoàn trả có thể cùng tiến hành đàm phán nhưng phải được ký kết bằng hai hợp đồng tuân thủ theo các văn bản pháp luật phù hợp và thực hiện độc lập. Nếu hai dự án trên thực hiện đúng quy định của pháp luật thì chưa chắc việc đầu tư xây dựng tuyến đường bị chậm như hiện nay và với 5 khu đất trên có thể tạo vốn đủ xây dựng nhiều tuyến đường như vậy như tuyến Tân Sơn - Bình Lợi - Vành đai ngoài. Còn với hợp đồng BT mà TP.HCM đã ký ta thấy TP đã “nhiệt tình và hy sinh tất cả” cho nhà đầu tư và ôm trọn mọi thiệt thòi về mình.

Vì là hợp đồng “hai trong một”, nên UBND TP.HCM đã cho phép DN BT, tức là Cty TNHH MTV Phát triển GS Sài Gòn trực thuộc Cty GS E&C, cũng thực hiện vai trò “hai trong một”, tức là, vừa làm chủ đầu tư dự án con đường, vừa làm chủ đầu tư các dự án khác thực hiện song song. Quan ngại về vấn đề này, Bộ Tài chính đã đề nghị Bộ KH&ĐT yêu cầu chủ đầu tư thành lập DN khác hoặc có sự phân định cụ thể đối với các dự án khác về vốn, trách nhiệm đối với dự án con đường… Cụ thể, trong văn bản số 12455/BTC-TCĐN ngày 17/9/2007, Bộ Tài chính khẳng định: Việc giao cho DN BT quản lý và kinh doanh đồng thời các dự án khác là không phù hợp với quy định tại Nghị định 78/2007/NĐ-CP, có thể làm ảnh hưởng tới việc tổ chức quản lý và triển khai dự án con đường, dễ gây hiểu lầm về các nghĩa vụ tài chính của các dự án khác.

Thực tế tại hợp đồng, con số 340 triệu USD tổng vốn đầu tư của DN BT, DN 100% vốn nước ngoài được thành lập để thực hiện dự án con đường và các dự án khác, là một con số được đưa ra để “tung hỏa mù”. Vì rằng, con số này có thể thay đổi, và không thể phân định được đâu là vốn đầu tư cho con đường, đâu là vốn đầu tư cho các dự án khác. Không những thế, không ai biết được chính xác lượng tiền mặt trong 340 triệu USD là bao nhiêu bởi hình thức vốn được thể hiện bằng hai giá trị là tiền mặt và hiện vật, và được góp theo tiến độ dự án.

Không chỉ nhập nhằng về tổng vốn đầu tư, mà sự quy đổi giữa giá trị con đường và số tiền thuê 5 khu đất cũng chưa được các cơ quan quản lý chuyên ngành thông qua. Trong hợp đồng, nhà đầu tư đưa ra dự toán giá trị con đường vào khoảng 291 triệu USD, đã bao gồm cả 120 triệu USD tối đa được chi cho bồi thường, GPMB. Con số này có thể thay đổi tùy vào việc thực hiện dự án và chưa được Bộ GTVT “thông qua”. Trong khi đó, số tiền thuê đất được tính là 228 triệu USD cũng là một con số “áng chừng” vì không được xác định trên cơ sở quy hoạch chi tiết 1/500 của từng dự án theo đề nghị của Bộ Xây dựng. Trong văn bản 8512/BKH-ĐT&GSĐT trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ KH&ĐT đã giao UBND TP.HCM phải lấy ý kiến Bộ GTVT, Bộ Xây dựng về quá trình phê duyệt thiết kế, dự toán và xác định giá trị con đường và các dự án khác. Tuy nhiên, hợp đồng BT đã được ký, hầu hết không có gì thay đổi so với bản ký tắt trước đó và ý kiến của các Bộ đã bị “vứt sọt rác”.

Không dừng lại ở đó, phương thức thanh toán số tiền thuê đất 228 triệu USD này cũng “có vấn đề”. Tại điều 31.3 của hợp đồng, số tiền trên “sẽ được xem là đã được thanh toán đầy đủ một lần khi Giấy chứng nhận đầu tư được cấp”. Nếu như “các dự án khác” được tách thành một dự án riêng, triển khai độc lập, thì theo quy định bắt buộc, chủ đầu tư phải hoàn tất nghĩa vụ về mặt tài chính trước khi được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, mà không có chuyện “xem như”. Thêm vào đó, chủ đầu tư sẽ phải có trách nhiệm trong việc bồi thường, GPMB các dự án khác mà không được phép “khoán thẳng” cho TP, buộc TP phải chi tiền ngân sách ra để thực hiện. Theo quy định tại Nghị định 78, nếu TP hỗ trợ nhà đầu tư trong việc bồi thường GPMB, thì phải được thực hiện bằng một dự án khác và phần vốn hỗ trợ này không được tính vào các nguồn vốn thực hiện dự án. 

Cũng vì hợp đồng “hai trong một”, nên nhà đầu tư đã viện cớ chi số tiền 120 triệu USD cho việc bồi thường GPMB dự án con đường gấp nhiều lần so với số tiền 1% dùng để bảo lãnh hợp đồng để xin miễn nộp khoản tiền này. Việc miễn nộp tiền bảo lãnh hợp đồng cho nhà đầu tư là trái với quy định tại Điều 19 Nghị định 78/2007. Đây cũng là ý kiến của Bộ Tư pháp khi góp ý về bản ký tắt hợp đồng BT. Trong đó, Bộ Tư pháp đề nghị “cần quy định rõ số tiền bảo đảm nghĩa vụ thực hiện hợp đồng BT phù hợp với điều 19 của Nghị định 78/2007”. Cần nói rõ thêm, tiền bảo lãnh hợp đồng là một khoản tiền nằm ngoài tổng vốn đầu tư dự án, tức là nằm ngoài tiền thực hiện hợp đồng, để trong trường hợp nhà đầu tư thực hiện sai hợp đồng hoặc không thực hiện hợp đồng thì TP có quyền xử phạt bằng cách cấn trừ vào số tiền này, còn nếu nhà đầu tư thực hiện đúng hợp đồng thì tiền bảo lãnh sẽ được trả lại sau khi hoàn thành dự án. Số tiền 120 triệu USD trong trường hợp trên là số tiền thực hiện hợp đồng, vì thế, không thể được xem là số tiền bảo lãnh hợp đồng.

Hợp đồng B.T (Xây dựng - chuyển giao) dự án đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài ở TP.HCM đã được ký dưới dạng  “hai trong một”. Theo đó, 5 khu đất tại những vị trí có khả năng sinh lợi cao đã được giao cho nhà đầu tư để xây dựng căn hộ bán thu lợi, trong khi con đường chưa thấy đâu. Thậm chí nhà đầu tư nước ngoài còn mạnh dạn xin Thủ tướng Chính phủ cho sang nhượng dự án BĐS ở Q.10 để lấy tiền làm đường. Nhiều điều khoản nhập nhằng trong bản hợp đồng “hai trong một” này đã làm thiệt hại về mặt kinh tế cho Nhà nước.  

Hợp đồng B.T (Xây dựng - chuyển giao) dự án đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài ở TP.HCM đã được ký dưới dạng  “hai trong một”. Theo đó, 5 khu đất tại những vị trí có khả năng sinh lợi cao đã được giao cho nhà đầu tư để xây dựng căn hộ bán thu lợi, trong khi con đường chưa thấy đâu. Thậm chí nhà đầu tư nước ngoài còn mạnh dạn xin Thủ tướng Chính phủ cho sang nhượng dự án BĐS ở Q.10 để lấy tiền làm đường. Nhiều điều khoản nhập nhằng trong bản hợp đồng “hai trong một” này đã làm thiệt hại về mặt kinh tế cho Nhà nước.  

Mimoza Trần

Theo baoxaydung.com.vn

Từ khóa:
Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load