(Xây dựng) - Mặc dù chưa được cấp có thẩm quyền cho phép, chưa chuyển đổi đất rừng, chưa được thuê đất… nhưng hộ bà Lê Thị Hòa vẫn ngang nhiên dựng cơ sở sản xuất trên đất rừng tại thị trấn Nưa, huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa) gây ảnh hưởng môi trường và bất bình trong dư luận.
Toàn bộ khu nhà xưởng của cơ sở sản xuất “chui”. |
Nhận được phản ánh, phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã tới địa phương và ghi nhận phản ánh của người dân là đúng sự thật. Ngay tại sân khu vực xưởng, có hai lao động đang cào, san đống vỏ cây vừa được vận chuyển về. Phía bên trong khu nhà xưởng chứa đầy nguyên liệu sản xuất đã được nghiền nhỏ, sẵn sàng đưa vào máy để ép thành sản phẩm viên nén than củi. Cùng với đó là các máy móc, thiết bị dùng cho việc nghiền gỗ. Tại đây, bụi gỗ bay mù mịt, dù đã đeo khẩu trang, phóng viên vẫn cảm nhận được sự khó chịu do tác động của bụi và tiếng ồn.
Qua trao đổi, anh Hoàng Văn Linh, người phụ trách xưởng cho biết: Đây vốn là xưởng sản xuất của Công ty Kỷ Nguyên Xanh, chuyên làm viên nén xuất cho các doanh nghiệp làm giày da đã nhượng lại cho hộ bà Lê Thị Hòa. Cũng theo anh Linh, nếu sản xuất đủ công suất, mỗi ngày xưởng có thể làm ra khoảng 7 tấn thành phẩm viên nén (than sạch), tương đương 8 tấn nguyên liệu khô.
Theo tìm hiểu của phóng viên, toàn bộ diện tích nhà xưởng được xây dựng trên đất đấu thầu với UBND xã Tân Ninh (nay là thị trấn Nưa) của gia đình ông Lê Đình Quý, ngụ tại thị trấn, mục đích thầu để trồng rừng sản xuất.
Trao đổi với lãnh đạo thị trấn Nưa được biết, ngày 14/4/2022, thị trấn đã có buổi làm việc với chủ cơ sở và lập biên bản vụ việc này. Theo đó, nội dung biên bản nêu: “Nhà xưởng đã được xây dựng từ lâu trên diện tích đất của ông Lê Đình Quý (tổ 8, thị trấn Nưa), bà Hòa mượn để đặt máy móc. Diện tích nhà xưởng khoảng 400m2, trong xưởng có một số máy móc, thiết bị để nghiền gỗ, số lượng vỏ cây và mùn cưa khoảng 3 tấn. Hiện tại, cơ sở này không có giấy tờ pháp lý về sử dụng đất, không có giấp phép sản xuất viên nén củi…
Đoàn kiểm tra yêu cầu cơ sở tạm dừng mọi hoạt động từ ngày 14/4, máy móc, vật liệu tại xưởng phải chuyển đi, trả lại hiện trạng ban đầu trong 10 ngày. Giao công an thường xuyên giám sát cơ sở, không để mọi hoạt động vi phạm tiếp tục diễn ra”.
Cũng trong buổi làm việc, khi phóng viên cho biết, vừa ghi nhận mọi hoạt động tại đây vẫn đang diễn ra, nguyên liệu và máy móc thiết bị đang còn nguyên và công nhân vẫn đang làm việc. Chủ tịch UBND thị trấn Lê Đình Tâm đã tỏ ra bất ngờ, lập tức gọi điện cho chủ cơ sở để hỏi về việc “tại sao đã cam kết nhưng vẫn không chấp hành?”. Đồng thời, chỉ đạo cho một vị Phó Chủ tịch UBND và Công an thị trấn lập tức vào cơ sở để kiểm tra, lập biên bản mặc dù lúc này đã gần 13h.
Đại diện Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Triệu Sơn thừa nhận: “Xưởng sản xuất này xây dựng trái phép trên đất rừng, chưa được cơ quan chức năng cấp phép, chưa được thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chưa có đánh giá tác động môi trường, nhưng lại được ngành Điện lực của huyện cho xây dựng trạm cung cấp điện cho cơ sở hoạt động. Chúng tôi đã đề nghị bên điện lực ngừng cung cấp điện cho xưởng sản xuất này, nhưng không hiểu sao họ chưa thực hiện? Qua kỳ nghỉ lễ, chúng tôi sẽ có kế hoạch kiểm tra và yêu cầu thị trấn xử lý dứt điểm.”
Dư luận đang đòi hỏi “xử lý dứt điểm” vụ việc này từ các cấp chính quyền địa phương. Cùng với đó, những người có trách nhiệm cũng cần kiểm điểm, xử lý nghiêm túc vì thiếu trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ được giao.
Đào Nguyên
Theo