(Xây dựng) - Hàng loạt nhà xưởng xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp. Thay vì quyết liệt xử lý sai phạm trên thì chính quyền địa phương dường như lại tỏ ra “bất lực” và đang tạo điều kiện cho sai phạm. Đó là thực trạng tại xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa đang “chờ” các cơ quan chức năng xử lý.
Một nhà xưởng trái phép mới được xây dựng xong và đang chờ lắp đặt thiết bị.
Từ UBND xã Tân Ninh vào khu di tích Am Tiêm núi Nưa, dễ dàng quan sát thấy hai bên đường là hàng loạt các nhà xưởng sơ chế bentonite mọc lên với diện tích khoảng 1.000-3.000m2. Tất cả đều được trang bị máy móc, dây chuyền sản xuất và trang thiết bị bài bản. Nếu tính trên địa bàn toàn xã Tân Ninh thì có khoảng sáu nhà xưởng sản xuất bentonit đang hoạt động tại đây như: Công ty Tân Thành Hưng, DNTN Hùng Ngọc, Công ty Tân Đức… Các nhà xưởng đơn vị trên đều xây dựng trái phép.
Theo một số người dân cho biết: Các vị trí nhà máy, xưởng sản xuất bentonit được dựng lên đều là đất sản xuất kém hiệu quả do UBND xã Tân Ninh quản lý. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì khoảng 5 năm trở lại đây, nhiều diện tích đất trên đã mọc lên gần chục nhà xưởng để thu mua bentonit.
Qua quan sát của PV, tại khu vực trên vẫn có hiện tượng xây dựng trái phép một số nhà xưởng mới với diện tích lớn.
Một nhà xưởng xây dựng trái phép từ lâu nhưng cho đến nay vẫn chưa bị xử lý.
Trao đổi với PV, ông Lê Đình Tâm, Chủ tịch UBND xã Tân Ninh cho hay: Hiện nay trên địa bàn xã có khoảng 5-6 công ty xây dựng nhà xưởng để thu mua bentonit như: Công ty CP khai thác khoáng sản Tân Thành Hưng, DNTN Hùng Ngọc, Công ty TNHH Tân Đức, Công ty TNHH Hưng Cường, Công ty Trường Trung, Công ty Sơn Thanh Phong và Công ty Xuân Nga. Các đơn vị này đều xây dựng trên đất hoang hóa, đất giao thầu của UBND xã với mục đích trồng cây lâm nghiệp và chăn nuôi có thời hạn 5 năm, khi nào hết 5 năm thì xã lại ký hợp đồng giao thầu tiếp.
Ông Lê Đình Tâm, Chủ tịch UBND xã Tân Ninh trao đổi với PV.
Khi được hỏi về việc các doanh nghiệp xây dựng trái phép nhà xưởng trên đất giao thầu trồng cây lâm nghiệp và chăn nuôi, tại sao chính quyền địa phương không ngăn chặn và xử lý, ông Tâm cho biết: Vấn đề này đã diễn ra từ lâu, từ thời Chủ tịch trước không xử lý thì đến thời của tôi cũng khó xử lý, nhà kho người ta đầu tư làm rất là tốn kém, nhà nước mà bắt người ta tháo dỡ thì thiệt hại cho các gia đình đó nên cứ phải để nhà kho cho người ta làm thôi. Trả lời câu hỏi hiện tại có một số xưởng được xây dựng mới và đang chờ lắp đặt thiết bị xã đã có biện pháp ngăn chặn xử lý nào chưa, ông Tâm cho biết: Họ xây dần dần từ năm 2014 đến nay, chắc giờ họ mới lợp xong, việc này xã cũng chưa kiểm tra, xử lý, xử phạt lần nào.
Việc xây dựng trái phép của nhiều doanh nghiệp trên đã rõ và sai phạm đã kéo dài nhiều năm, có chiều hướng gia tăng. Thế nhưng, không hiểu vì sao chính quyền địa phương lại không xử lý nghiêm mà lại tạo điều kiện cho sai phạm này tiếp diễn. Điều này khiến dư luận đặt câu hỏi: phải chăng chính quyền địa phương đang “tiếp tay” cho sai phạm?
Báo Xây dựng sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này.
Trần Cường
Theo