Thứ bảy 27/07/2024 07:30 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Trà Vinh: Hướng đến mục tiêu tỉnh nông thôn mới năm 2025

19:24 | 29/01/2024

(Xây dựng) – Năm 2025, Trà Vinh với kế hoạch hoàn thành nhiệm vụ nông thôn mới (NTM). Đây có lẽ là thông tin bất ngờ đối với ngưới dân địa phương và khu vực lân cận bởi tỉnh này từng là tỉnh khó khăn. Từ thuở ban đầu xây dựng NTM còn khó khăn, nay toàn tỉnh đạt được nhiều thành quả tích cực, đáng ghi nhận.

Trà Vinh: Hướng đến mục tiêu tỉnh nông thôn mới năm 2025
Ông Lê Văn Hẳn, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh trong một Hội nghị.

Nhân dịp đầu Xuân 2024, phóng viên Báo điện tử Xây dựng có buổi trao đổi với ông Lê Văn Hẳn, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia và phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2021 - 2025 xung quanh mục tiêu xây dựng NTM của địa phương này.

PV: Thưa ông, hơn 12 năm thực hiện Chương trình xây dựng NTM, với đặc thù địa phương có nhiều đồng bào dân tộc, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, tỉnh có những trở ngại gì về những ngày đầu thực hiện?

Ông Lê Văn Hẳn: Năm 2010, Trà Vinh với xuất phát điểm thấp, hạ tầng kinh tế - xã hội còn nhiều yếu kém chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đời sống và thu nhập của bà con nông dân còn gặp nhiều khó khăn. Lúc bấy giờ, tất cả các xã chưa có quy hoạch NTM. Giao thông, bình quân các cấp đường giao thông nông thôn được cứng hóa chỉ đạt tỷ lệ 40% so với qui định, thấp nhất là đường trục chính nội đồng chỉ đạt tỷ lệ 25%, chưa có xã nào đạt tiêu chí này; thủy lợi cơ bản chỉ đáp ứng khoảng 50% nhu cầu phục vụ sản xuất; 70% trường học các cấp chưa đảm bảo về cơ sở vật chất và thiết bị dạy học; cơ sở vật chất văn hóa còn thô sơ, các xã, ấp chưa có nhà văn hóa, khu thể thao; về nhà ở dân cư còn nhiều nhà tạm, dột nát; tỷ lệ hộ nghèo còn khá cao (chiếm 20,13%); thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 19,5 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ sử dụng điện sinh hoạt, chiếm 91,5%; nước hợp vệ sinh chiếm 94,8% (trong đó nước sạch chiếm 30%); hố xí hợp vệ sinh chiếm 29,6%...

PV: Giai đoạn đầu khó khăn là vậy, kết quả đạt được như thế nào, thưa ông?

Ông Lê Văn Hẳn: Thời gian đầu thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM phải nói rằng tỉnh gần như bắt đầu bằng con số 0 như tôi vừa nêu.

Ngoài những khó khăn trên, Trà Vinh có tỷ lệ người dân tộc Khmer chiếm khá cao (trên 31%) và lúc này tỉnh có đến 24 xã, 52 ấp đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135, từ đó, việc thực hiện các tiêu chí NTM như: Giao thông, cơ sở vật chất văn hóa, môi trường… ở những địa phương đã khó càng thêm khó.

Tuy nhiên, cán bộ phụ trách từ tỉnh đến cơ sở hết sức đồng lòng. Kết quả bước đầu đánh giá các tiêu chí NTM khiêm tốn, chỉ có 02/85 xã đạt 08 tiêu chí NTM, các xã còn lại chỉ đạt từ 07 tiêu chí trở xuống, bình quân chung của tỉnh chỉ đạt 4,9 tiêu chí/xã, chưa đánh giá được tỷ lệ ấp, hộ nông thôn mới. Ngoài ra, nguồn lực Trung ương phân bổ cho tỉnh thấp, nguồn lực của tỉnh còn hạn chế để đầu tư cho Chương trình.

Trà Vinh: Hướng đến mục tiêu tỉnh nông thôn mới năm 2025
Tuyến giao thông xã Long Hiệp, huyện Trà Cú được hoàn thành trong Chương trình xây dựng NTM.

PV: Đến nay, Trà Vinh đã hoàn thành 5/8 chỉ tiêu và phấn đấu trước năm 2025 sẽ đạt tỉnh NTM. Để đạt được kết quả trên, tỉnh đã xây dựng kế hoạch gì?

Ông Lê Văn Hẳn: Để đạt được mục tiêu này, từ đầu nhiệm kỳ, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 20/7/2021 về xây dựng tỉnh Trà Vinh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM trước năm 2025 và trên cơ sở đó, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 54/NQ-HĐND ngày 09/12/2022 thông qua Đề án xây dựng tỉnh Trà Vinh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM trước năm 2025.

Đồng thời, Ban Chỉ đạo tỉnh (BCĐ) đã có quyết định phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên BCĐ, là các Sở, ban, ngành tỉnh phụ trách hướng dẫn, hỗ trợ địa phương thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu thuộc các Bộ tiêu chí (xã NTM, xã NTM nâng cao, xã NTM kiểu mẫu; huyện NTM; huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025); trong các chủ trương trên, có xác định mục tiêu rất rõ ràng, cụ thể cho từng năm.

Bên cạnh đó, ngoài văn bản pháp lý cụ thể, mục tiêu rõ ràng, thì địa phương tập trung ưu tiên nguồn lực để thực hiện gồm: Nguồn ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh và nguồn lồng ghép từ các chương trình mục tiêu còn lại tổng vốn đầu tư cho giai đoạn hơn 1.200 tỷ đồng; đồng thời chỉ đạo đầu tư có trọng tâm, trọng điểm đúng mục tiêu hàng năm đã đưa ra.

Kế hoạch đến hết năm 2023, huyện Trà Cú đạt chuẩn NTM và 02 huyện NTM nâng cao (Cầu Kè và Tiểu Cần). Qua kiểm tra, cơ bản các địa phương trên đã đạt các tiêu chí theo quy định huyện NTM và huyện NTM nâng cao và đang trình Trung ương công nhận.

Về nội dung tỉnh NTM, đến nay đạt 5/8 nội dung, còn 3 nội dung chưa đạt, cụ thể: Nội dung 1, 3 cơ bản sẽ đạt vào cuối năm (huyện NTM và NTM nâng cao đang trình Trung ương công nhận), riêng nội dung 8 về chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước thuộc tỉnh đạt từ 90% trở lên, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nội vụ khẩn trương rà soát, đánh giá các quy định để trình Bộ Nội vụ công nhận kết quả vào đầu năm 2024.

PV: Để đạt được kết quả tốt, ngoài việc đồng lòng của cán bộ còn có đồng lòng của người dân, tỉnh Trà Vinh đã làm thế nào để “quân và dân” cùng bắt tay xây dựng NTM?

Ông Lê Văn Hẳn: Để thực hiện đạt kế hoạch nêu trên, UBND tỉnh triển khai thực hiện một số giải pháp cụ thể: Về tuyên truyền, vận động phải tiếp tục đổi mới, đa dạng hình thức, phương pháp tuyên truyền, vận động để phù hợp với từng đối tượng, từng khu vực. Thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua “Trà Vinh chung sức xây dựng NTM” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”. Thường xuyên sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm và kịp thời tôn vinh, khen thưởng những cá nhân, tập thể có nhiều đóng góp cho xây dựng NTM.

Về cơ chế, chính sách, triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách của Trung ương, tỉnh đã ban hành. Rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới nếu cần thiết; tiếp tục hoàn thiện các bộ tiêu chí NTM. Ban hành đồng bộ các chính sách về huy động nguồn lực để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án.

Đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng nông thôn: Tranh thủ nguồn vốn từ Trung ương, địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống giao thông, thủy lợi, nước sạch ở nông thôn. Đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng nông thôn.

Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội: Tiếp tục thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, như: Chính sách giảm nghèo, chính sách bảo hiểm xã hội, chính sách bảo hiểm y tế, chính sách giáo dục, đào tạo… Tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường học, trạm y tế ở nông thôn.

Về huy động và sử dụng nguồn lực: Đa dạng hóa các hình thức huy động kết hợp giữa huy động trực tiếp đầu tư, đóng góp cho xây dựng NTM từ các tổ chức, cá nhân, đồng thời thực hiện hiệu quả huy động lồng ghép nguồn vốn từ 03 Chương trình MTQG triển khai tại địa phương. Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải để sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nguồn vốn hỗ trợ thực hiện Đề án của Trung ương, và các nguồn vốn huy động khác.

Trà Vinh: Hướng đến mục tiêu tỉnh nông thôn mới năm 2025
Đường giao thông NTM tại huyện Duyên Hải.

Địa phương ưu tiên phát triển kinh tế tập thể, HTX, OCOP: Củng cố tổ chức bộ máy quản lý Nhà nước về kinh tế tập thể, HTX và tiếp tục hỗ trợ các hoạt động quản lý, sản xuất của HTX nhất là đối với các HTX nông nghiệp và tiếp tục thực hiện các cơ chế chính sách khuyến khích, hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tập thể, HTX phát triển vững mạnh.

Tập trung nâng chất các sản phẩm OCOP hiện tại và hỗ trợ phát triển sản phẩm ngày càng hiệu quả, một số giải pháp cụ thể: Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức; hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ; phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị; nâng cao chất lượng sản phẩm; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm.

PV: Hiện Trà Vinh đang gặp khó khăn gì? Và tỉnh đã có các giải pháp như thế nào để đạt được các chỉ tiêu về NTM và hoàn thành mục tiêu NTM trước năm 2025, thưa ông?

Ông Lê Văn Hẳn: Hiện nay, qua rà soát, đánh giá các tiêu chí NTM theo quy định của Bộ tiêu chí giai đoạn 2021-2025, còn lại 16 xã NTM chưa đạt và 05 xã NTM nâng cao chưa đạt theo quy định Bộ tiêu chí mới, trong đó có các tiêu chí về nước sạch, đường giao thông, bảo hiểm y tế…

Giai đoạn này, tỉnh đang tập trung chỉ đạo các xã nâng chất tiêu chí, phấn đấu cuối năm 2024, có 100% xã đều nâng chất đạt các tiêu chí theo qui định Bộ tiêu chí giai đoạn 2021-2025. Tuy nhiên, một số tiêu chí cần nhiều nguồn lực để nâng chất như: Giao thông, văn hóa, môi trường…. do đó việc huy động nguồn lực của tỉnh còn khó khăn.

Một số tiêu chí của các xã nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2010-2020, tuy đạt theo quy định nhưng ở mức tiệm cận, nên rất cần nguồn lực để nâng chất các tiêu chí đảm bảo đạt ở mức cao hơn theo quy định Bộ tiêu chí mới. Tỉnh có giái pháp, đối với tiêu chí không cần kinh phí, tỉnh sẽ tập trung bằng các giải pháp vận động, tuyên truyền nhiều hơn như: Bảo hiểm y tế, môi trường… Đối với các tiêu chí cơ sở hạ tầng, tỉnh sẽ ưu tiên phân bổ nguồn lực, nhất là ngân sách tỉnh để nâng chất các tiêu chí, đảm bảo đạt theo quy định để tiến tới tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM theo kế hoạch.

Kết quả đạt được sau 12 năm thực hiện Chương trình NTM của tỉnh Trà Vinh:

Toàn tỉnh có 08/9 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ Quyết định công nhận đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; 85/85 xã đạt chuẩn NTM (trong đó có 38 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 03 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu).

Đào Văn (thực hiện)

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load