Nhiều năm nay TPHCM loay hoay với câu hỏi làm sao để phát triển kinh tế mạnh hơn. Hàng loạt công việc đã được triển khai, từ đề án xây dựng trung tâm tài chính quốc tế cho đến trình Quốc hội những cơ chế, chính sách đặc thù. Tất cả đều cần thiết và cùng với đó, tôi nghĩ rằng thành phố nên bắt tay ngay vào một việc cụ thể khác, đó là khởi động đề án thu hút thêm các tập đoàn, tổ chức quốc tế đến đặt trụ sở cấp khu vực tại thành phố.
Giữa lúc TPHCM đang gặp nhiều khó khăn, có thể nhiều người cho rằng ý tưởng trên là viển vông. Nhưng theo tôi đây là việc hoàn toàn khả thi nếu chúng ta quyết tâm và có các giải pháp phù hợp.
Trước đây khi còn làm Giám đốc điều hành Bosch Việt Nam, tôi đã có ý tưởng xây tòa nhà Bosch tại TPHCM và đề xuất ý kiến dời điều hành khu vực của Bosch tại Singapore về trụ sở ở Việt Nam để giảm chi phí. Đầu tháng 6 này, một trợ lý cũ ở Bosch gửi cho tôi bài báo phản ánh chi phí đắt đỏ ở Singapore như muốn nói rằng "nhiều người đang nghĩ giống anh hồi trước".
Trụ sở UBND TPHCM (Ảnh: Hải Long) |
Nhiều người bạn đang sống tại Singapore cho tôi hay, vì nhiều lý do trong đó có việc người nước ngoài mà phần đông là từ Hong Kong qua mua nhà, nên đã đẩy giá nhà và tiền thuê nhà ở Singapore tăng cao chưa từng thấy. Giá thuê nhà ở Singapore hiện nay vào khoảng 8.000 SGD (hơn 139 triệu đồng) mỗi tháng cho căn hộ 3 phòng là bình thường; nếu rộng rãi và ở vị trí tốt hơn một chút có thể lên tới 10.000 - 15.000 SGD. Tiền thuê văn phòng cũng tương tự. Ước tính giá nhà đã tăng khoảng 30-40% so với các năm trước. Bạn tôi nói "Đi ăn nhà hàng ở Sing giờ có thể đắt hơn ở Munich (Đức). Vật giá mọi thứ đắt thế, tiền lương sao mà tăng theo kịp!".
Mặt bằng giá cả ở Singapore quá cao, nên có người thân của tôi đang tính có thể về TPHCM sống, điều hành công việc qua Internet và điện thoại.
Tất nhiên một tập đoàn, tổ chức quốc tế khi quyết định đặt trụ sở cấp khu vực ở đâu thì họ căn cứ vào nhiều yếu tố chứ không chỉ giá thuê nhà hay chi phí sinh hoạt. Nếu chúng ta nghiên cứu, nắm bắt được các yếu tố đó để hành động chớp thời cơ, vượt qua thách thức thì cùng với lợi thế về chi phí, TPHCM hoàn toàn có thể trở thành nơi "đất lành chim đậu" và lợi ích chúng ta thu được là rất lớn.
Đó không chỉ là những lợi ích về kinh tế như thu hút dòng vốn đầu tư, chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực, mở ra các cơ hội kinh doanh mà còn là nâng cao danh tiếng, tính cạnh tranh của TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung. Ngoài ra còn có những lợi ích gia tăng về vị thế quốc gia, về địa chính trị… Khi thu hút được các tập đoàn, tổ chức quốc tế đến đặt trụ sở cấp khu vực thì TPHCM sẽ trở thành một "đô thị không ngủ", vì các tập đoàn, tổ chức đó làm việc không chỉ theo múi giờ hành chính của chúng ta. Và đây chính là cơ sở để thành phố hiện thực hóa tham vọng trở thành trung tâm tài chính khu vực.
Hiện nay chúng ta có một số hạn chế về nguồn nhân lực, về hạ tầng và cơ chế, chính sách, nhưng cũng có những lợi thế nhất định. TPHCM nằm ở trung tâm khu vực ASEAN; kết nối hàng không, hàng hải đến các trung tâm kinh tế năng động nhất ở châu Á cũng như trên thế giới đều thuận tiện; là thị trường lớn với hơn 9 triệu dân và đầu tàu kinh tế của thị trường 100 triệu dân… Chúng ta cũng đang nỗ lực cải thiện hạ tầng như cải tạo sân bay Tân Sơn Nhất, xây dựng sân bay Long Thành, xây dựng các tuyến metro, đường vành đai, đường cao tốc ở TPHCM và khu vực phía Nam…
Về cơ chế, chính sách, tôi nghĩ rằng thành phố phải hướng đến cơ chế vượt trội để đủ sức cạnh tranh quốc tế chứ không chỉ vượt trội so với các địa phương khác trong nước. Cùng với đó, TPHCM phải trở thành một đô thị đáng sống với tiêu chuẩn sống cao, hiện đại, thân thiện với môi trường, như vậy mới có thể thu hút và giữ chân được các doanh nhân, chuyên gia đến từ nước ngoài.
Trong những năm qua, hàng chục nghìn công ty quốc tế đã thành lập trụ sở khu vực của họ tại Singapore. Có rất nhiều nguyên nhân giải thích cho việc này, như: hệ thống pháp luật ổn định, hoạt động hiệu quả; tính chấp hành pháp luật của chính quyền và người dân sở tại rất tốt; pháp luật về đầu tư cởi mở và thông thoáng, tạo ra một sân chơi công bằng cho các nhà đầu tư nước ngoài; thuế doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân có tính cạnh tranh; trung tâm thương mại và tài chính liên kết quốc tế; chất lượng cuộc sống cao…
Tuy nhiên, như đã nói ở trên, Singapore đang trở nên quá tải với chi phí bất động sản, sinh hoạt đắt đỏ. Đây là cơ hội cho các đô thị khác ở Đông Nam Á cạnh tranh và vươn lên, trong đó có TPHCM.
Nếu lãnh đạo thành phố muốn, tôi nghĩ sẽ có nhiều người sẵn sàng tham gia hiến kế, góp ý phương án "làm gì để TPHCM có thể trở thành địa điểm chọn đặt trung tâm khu vực của những tập đoàn, tổ chức quốc tế?".
Đây là lúc chúng ta cần hành động nhanh, bởi nếu không thì cơ hội để TPHCM vươn lên sẽ bị bỏ qua đáng tiếc.
Theo Võ Quang Huệ/Dantri.com.vn
Link gốc: https://dantri.com.vn/tam-diem/tphcm-tro-thanh-diem-den-dong-nam-a-20230609224619282.htm