Năm 2021, UNESCO tước bỏ danh hiệu di sản đối với "Thung lũng Dresden Elbe" của Đức, chỉ vì một cây cầu bắc ngang sông Elbe có quy mô và kết cấu không phù hợp với cảnh quan, ảnh hưởng đến toàn bộ không gian của di sản.
Họ khuyến nghị rằng những cây cầu chỉ nhìn ngang để bảo đảm lợi ích cho hai đầu cầu, mà không nhìn dọc để thấy giá trị của dòng sông đi qua rất nhiều cảnh quan cũng như các di sản kiến trúc hai bờ và đó mới chính là giá trị để UNESCO công nhận.
Sông Sài Gòn tuy không có danh vị di sản của UNESCO nhưng lại ăn sâu trong tâm thức người dân TPHCM như một di sản quý giá của "thành phố Cảng Sài Gòn".
Tôi được biết hiện nay thành phố đang chuẩn bị triển khai dự án cầu Thủ Thiêm 4 bao gồm 5 phương án thiết kế, trong đó 3 phương án hướng tới chiều cao tĩnh không 10 m, tức là sẽ ngăn trở tàu bè ngược xuôi trên con sông này. Đây mới chỉ là phương án dự kiến, chưa phải quyết định chính thức, nhưng đặt ra nhiều vấn đề cần bàn luận.
Cầu Thủ Thiêm 3 và cầu Thủ Thiêm 4 nằm trong kế hoạch 5 cây cầu lớn kết nối khu đô thị Thủ Thiêm với các quận lân cận (Ảnh: Hải Long). |
Nhà thiết kế cho rằng xây cầu thấp như thế đỡ tốn tiền, tĩnh không 10m đến 15m thì mức đầu tư 3.600 đến 4.800 tỷ đồng, tiết kiệm đáng kể so với cầu mở chiều cao tĩnh không có thể lên tới 45m. Nhưng theo tôi, chính đó lại là sự lãng phí rất lớn do tầm nhìn suy giảm so với các nhà quản lý tiền nhiệm đã chấp nhận sự tốn kém để xây đường hầm qua sông và bắc cầu Phú Mỹ cao tới 40m tĩnh không.
Trong số 5 thành phố được coi là "thành phố cảng" ở Việt Nam, "thành phố Cảng Sài Gòn" được xem là hình thành sớm nhất theo khái niệm "thành phố" hiện đại với những tiêu chí phổ quát của thế giới. Khi ta nhắc đến khái niệm "Hòn Ngọc Viễn Đông" thì vai trò của Cảng Sài Gòn chính là tạo nên sự "long lanh" của hòn ngọc.
Kể từ sau Đổi mới (1986), Cảng Sài Gòn cũng như các cảng cũ và mới xây trong cả nước đều phát triển theo chiều hướng tăng cường công nghệ, đầu tư trang thiết bị hiện đại và mở rộng quy mô kho logistic, gần biển hơn, xa trung tâm thành phố hơn… Tuy nhiên, du lịch và văn hóa phát triển lại đòi hỏi phải khai thác tối đa những di sản vật thể và phi vật thể từ giá trị một "thành phố Cảng", mà trung tâm mang tính tiêu biểu của "thành phố Cảng Sài Gòn" chính là không gian từ Quận 4 qua Quận 1 gắn với các di tích Nhà Rồng, Cột cờ Thủ Ngữ đến Bến Bạch Đằng...
Cho dù ngày nay không gian của Cảng Sài Gòn - thành phố Hồ Chí Minh đã khác trước, nhưng nếu thiếu vắng cảnh thuyền bè ra vào tấp nập, trên bến dưới thuyền, đặc biệt là những phương tiện gắn với du lịch… thì hình ảnh hay thương hiệu "thành phố Cảng Sài Gòn" với bề dày hơn một thế kỷ rưỡi tồn tại cho đến nay sẽ phai nhạt và có khi không còn nữa.
Nhìn lại không gian lõi giá trị lịch sử của "thành phố Cảng Sài Gòn" thì ngoài trụ sở của doanh nghiệp quản lý Cảng, tất cả đã có những điều chuyển theo chiều hướng giảm dần hình ảnh của một "thành phố Cảng".
Và hệ trọng hơn hết là dòng sông Sài Gòn đi sâu vào trong lòng thành phố cũng có nguy cơ bị đứt đoạn, nếu không quan tâm đến độ tĩnh không của các cây cầu đã và sẽ xây. Khi chúng ta coi cầu chỉ là công trình giao thông đường bộ nội đô thì cũng có nghĩa là khai tử không gian lõi cũng như danh vị "thành phố Cảng".
Hình ảnh những con tàu, nhất là tàu du lịch, một phương tiện mà thế giới đang phát triển mạnh mẽ lừng lững đi sâu vào lòng thành phố, cấp bến ngay trung tâm, tiếp cận rất gần các thiết chế chính trị, văn hóa và kinh tế của thành phố như Tòa thị chính, Tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhà hát thành phố, các khu thương mại, du lịch ở trung tâm thì hình ảnh và thương hiệu của TPHCM sẽ thể hiện được đẳng cấp và giá trị của một "thành phố Cảng".
Không phải tự nhiên mà cây cầu thép đầu tiên người Pháp xây dù chỉ trên nhánh (kênh Tàu Hủ) có liên quan đến Cảng Sài Gòn của hãng Messageries Maritimes chỉ làm một nhịp và mang dáng Cầu Vồng (nên dân gọi là Cầu Mồng, Tây gọi là Pont Artificiel), để cho tàu thuyền của dân bản xứ hay tàu nhỏ của Tây có thể ra vào.
Còn cầu lớn qua sông Sài Gòn chủ yếu dành cho đường sắt là cầu Bình Lợi cũng phải dành một nhịp làm cầu quay để bảo đảm tàu biển vẫn qua được đoạn sông có cầu. Tại Cảng Hải Phòng cũng vậy, cây cầu thép sớm nhất cũng là một cầu quay quy mô rất lớn…
Muốn bảo vệ danh xưng hay thương hiệu "thành phố Cảng Sài Gòn" cho TPHCM thì trước tiên phải bảo vệ chính không gian lõi của Cảng sài Gòn trong lịch sử và con sông Sài Gòn dẫn tàu bè vào sát trung tâm thành phố, cũng có nghĩa là không được phép có bất cứ chướng ngại nào trên dòng sông ấy.
TPHCM của chúng ta ít quan tâm và ý thức mình là thành phố Cảng, trong khi năng lực cảng biển của chúng ta vẫn phát triển nhưng lại nằm quá xa trong đời sống văn hóa của khu trung tâm thành phố.
Người ta đến thành phố này chỉ nhận thấy sự thay đổi chóng mặt do thị trường bất động sản đem lại, quy mô hoành tráng nhưng cũng ngày một ngột ngạt. Dấu hiệu dễ nhận biết và nhắc Sài Gòn là một "thành phố biển" chỉ mỗi khi triều cường làm ngập đường phố, tắc nghẽn giao thông (!?).
Tôi đến Bangkok (Thái Lan), thật bất ngờ thấy có một Bảo tàng Ốc biển tầm cỡ quốc tế. Nhưng ở Việt Nam, một quốc gia có hơn 3 ngàn cây số bờ biển, có tỷ lệ bờ biển so với diện tích lãnh thổ thuộc loại lớn thế giới, có cái bè mảng bằng tre đã được thế giới công nhận rằng có khả năng vượt qua Thái Bình Dương sang tận châu Mỹ ở những thế kỷ xa xưa, song lại chưa thấy ở đâu, nhất là ở Sài Gòn này, một bảo tàng về các phương tiện đi biển và năng lực đi biển của người Việt Nam hay chính một bảo tàng về Cảng Sài Gòn.
Theo tôi, "tĩnh không 10m" là biểu hiện rõ nhất của tầm nhìn ngắn hạn mà chúng ta cần phải vượt qua để giữ gìn những giá trị của hôm qua cho muôn đời sau.
Theo Dương Trung Quốc/Dantri.com.vn