Thứ sáu 26/04/2024 03:12 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Thực trạng và giải pháp thu gom, xử lý rác thải của F0 điều trị tại nhà

16:25 | 08/12/2021

(Xây dựng) – Đó là chủ đề của Tọa đàm do Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam tổ chức sáng 8/12 tại Hà Nội. Tọa đàm được diễn ra dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến.

thuc trang va giai phap thu gom xu ly rac thai cua f0 dieu tri tai nha
Quang cảnh Tọa đàm.

Trước tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương, một số nước xuất hiện biến chủng mới Omicron, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 1677/CĐ-TTg ngày 4/12/2021 gửi các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo công tác phòng, chống dịch.

Sau gần hai tháng thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19", tình hình dịch bệnh Covid-19 cơ bản được kiểm soát. Tuy nhiên, dịch vẫn diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương, một số nước đã xuất hiện biến chủng mới Omicron. Để tiếp tục vừa kiểm soát, phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm đời sống nhân dân, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cấp, thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”; chủ động đánh giá mức độ nguy cơ sát thực tế để kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp, không gây ách tắc, cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh và ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân.

Tổ chức Y tế thế giới, các nhà khoa học và các quốc gia nhận định dịch Covid-19 chưa thể kiểm soát được hoàn toàn trước năm 2023; có thể xuất hiện các chủng vi-rút mới nguy hiểm hơn làm cho dịch diễn biến phức tạp khó lường. Tuy nhiên, việc bao phủ vắc-xin, có thuốc điều trị giúp giảm số ca nặng, tử vong và giảm tỷ lệ mắc. Do vậy, đã có nhiều quốc gia thay đổi chiến lược ứng phó dịch bệnh từ cố gắng dập tắt dứt điểm sang sống chung an toàn với dịch bệnh.

Một trong những giải pháp đó là điều trị người nhiễm Covid-19 (người bệnh F0) tại gia đình. Người bệnh F0 được điều trị tại nhà là người nhiễm Covid-19 (được khẳng định dương tính bằng xét nghiệm RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên không có triệu chứng lâm sàng, hoặc có triệu chứng lâm sàng ở mức độ nhẹ: như sốt, ho khan, đau họng, nghẹt mũi, mệt mỏi, đau đầu, đau mỏi cơ, tê lưỡi. Tuy vậy nhiều vấn đề phát sinh cần được giải quyết, trong đó có việc thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải của người bệnh F0 điều trị tại nhà.

Phát biểu tại Tọa đàm, ông Nguyễn Hữu Tiến – Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Môi trường đô thị và khu công nghiệp Việt Nam cho biết: Trước thực trạng tình hình dịch Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp và thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, từ đó trở về sinh hoạt trong trạng thái bình thường mới, đời sống xã hội dần ổn định và phát triển. Tuy nhiên, đối với những người làm công tác vệ sinh môi trường trong Hiệp hội Môi trường đô thị và khu công nghiệp Việt Nam gặp phải một số vấn đề mới trong quá trình quản lý, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải lây nhiễm, rác thải y tế phát sinh từ điều trị bệnh nhân Covid. Một số địa phương lúng túng, khó khăn trong việc ban hành các cơ chế, chính sách, tổ chức đối với các công ty vệ sinh môi trường; khó khăn trong tổ chức hiệu quả việc quản lý, thu gom chất thải từ các bệnh nhân lây nhiễm trong cộng đồng. Đứng trước thực trạng đó, Hiệp hội Môi trường đô thị và khu công nghiệp Việt Nam đã giao Tạp chí Môi trường đô thị và chuyên trang môi trường tổ chức Tọa đàm ngày hôm nay. Thông qua Tọa đàm, Hiệp hội mong muốn sự đóng góp của các nhà khoa học, chuyên gia, những người trực tiếp tham gia vào công tác vệ sinh môi trường và các cơ quan thông tấn báo chí để tìm ra nhiều giải pháp hiệu quả trong việc quản lý, thu gom và xử lý chất thải cho các F0 điều trị tại nhà; tìm ra được cơ chế, chính sách phù hợp cho những người trực tiếp tham gia hoạt động thu gom, xử lý chất thải lây nhiễm từ các F0 điều trị tại nhà. Từ đó, đề xuất những giải pháp, chính sách giúp cho các địa phương cấp phường, chính quyền các quận, thành phố để quản lý hiệu quả từ việc điều trị F0 tại nhà đến việc thu gom, xử lý chất thải lây nhiễm một cách an toàn, hiệu quả.

Tại Tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Huy Nga - Viện trưởng Viện Sức khỏe Quang Trung, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế cho biết: Tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến hết sức phức tạp, số F0 tại cộng đồng ngày càng nhiều, việc điều trị tại các bệnh viện trở nên quá tải, do đó thực hiện điều trị F0 tại nhà là điều cần thiết. Vì vậy, cần có biện pháp đảm bảo an toàn cho người nhà người bệnh, tránh lây lan, đồng thời cũng cần đảm bảo an toàn cho những cán bộ, công nhân trực tiếp quản lý, thu gom, xử lý chất thải. Hiện nay, Bộ Y tế vẫn áp dụng Quyết định số 3455 ngày 5/8/2020 của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, về việc hướng dẫn quản lý chất thải và vệ sinh trong phòng chống dịch Covid-19.

Theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga, tại các cơ sở y tế cần ưu tiên xử lý chất thải lây nhiễm trong ngày theo các hình thức: Đốt, hấp hoặc chôn lấp. Từ bệnh viện đến nơi xử lý của công ty môi trường cần có xe chuyên dụng hoặc phương tiện khác được các cơ quan thẩm quyền chấp nhận, thùng đựng chất thải phải có vành cứng, tránh tác động bên ngoài, trong quá trình vận chuyển chất thải, thùng phải luôn được đậy nắp kín, đảm bảo không làm rơi vãi chất thải lây nhiễm, rò rỉ chất thải, đảm bảo vệ sinh môi trường.

Hiện nay, số lượng F0 điều trị tại nhà nằm rải rác trên từng địa bàn dẫn đến khó khăn trong công tác thu gom, vận chuyển; thời gian thu gom kéo dài, chi phí vận chuyển tăng cao; xe thu gom không thể di chuyển thu gom tại các hộ gia đình nằm trong ngõ nhỏ; khó khăn về lực lượng thu gom rác thải từ hộ gia đình đến điểm tập kết (gồm: năng lực thực hiện, số lượng người thực hiện, chế độ cho người thực hiện, kiểm soát việc thực hiện).

Tại thành phố Cần Thơ, đơn giá thu gom vận chuyển đã được cơ quan thẩm quyền ban hành từ năm 2017, đơn giá thu phí vệ sinh từ năm 2016, trong điều kiện đấu thầu có giảm giá không thể bù đắp đủ chi phí trong công tác thu gom và vận chuyển rác thải sinh hoạt, đặc biệt trong tình hình dịch bệnh Covid-19 phát sinh như hiện nay.

Từ thực tế thu gom rác thải của F0 tại nhà, đại diện lãnh đạo của các Công ty môi trường kiến nghị: Thành lập một tổ công tác chuyên thu gom rác thải y tế lây nhiễm (F0 tại nhà) với phương tiện chuyên dụng riêng cho công tác này, phối hợp với chính quyền địa phương nắm danh sách, địa chỉ của các F0, dấu hiệu cảnh báo của loại rác và bố trí nhân công thu gom theo quy trình, thời gian, tần suất quy định của từng địa bàn quận, huyện. Sở Y tế phối hợp chính quyền địa phương cần nâng cao vao trò của tổ Covid-19 tại từng địa phương. Hướng dẫn, tập huấn cho người (tổ Covid-19 địa phương) thực hiện thu gom, vận chuyển rác thải từ phòng điều trị, cách ly F0 đảm bảo không phát sinh trường hợp lây nhiễm chéo mầm bệnh từ nguồn rác thải. Đồng thời phải ban hành quy định về chế độ, chính sách cho những người tham gia thực hiện.

Tuệ Minh

Theo

Cùng chuyên mục
  • Quảng Ninh: Người dân 2 xã biển đảo Quan Lạn và Minh Châu mong mỏi được dùng nước sạch

    (Xây dựng) – Mặc dù dự án cấp nước sạch cho đảo Quan Lạn, Minh Châu (huyện Vân Đồn) triển khai đã nhiều năm, đến nay hàng trăm hộ dân ở 2 xã biển đảo này vẫn chưa có nước sạch sử dụng.

  • Hà Nội: Đảm bảo cung cấp nước sạch mùa hè cho người dân

    (Xây dựng) – UBND Thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch về việc bảo đảm cung cấp nước sạch mùa hè năm 2024 cho người dân trên địa bàn Thành phố.

  • Vùng đất “gian lao mà anh dũng”

    (Xây dựng) - Những ngày tháng 4 lịch sử, trở lại BR-VT, chúng tôi cảm nhận sự đổi thay và nhịp sống căng tràn của vùng đất ven biển trù phú này.

  • Đắk Lắk: Mục tiêu phát triển hạ tầng giao thông và kinh tế xanh

    (Xây dựng) - UBND tỉnh Đắk Lắk vừa công bố quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, với tầm nhìn đến năm 2050, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, đồng thời tăng cường hạ tầng giao thông. Điều này được thể hiện qua sự ưu tiên đặc biệt cho việc phát triển cao tốc kết nối vùng Tây Nguyên.

  • Hà Nội: Phát triển đô thị xanh, bền vững

    (Xây dựng) - Chương trình 03-CTr/TU về chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị giai đoạn 2021 - 2025 của Thành ủy Hà Nội thực hiện đến nay đã cơ bản hoàn thành 4/19 chỉ tiêu. 11/19 chỉ tiêu đang hoàn thiện và có khả năng hoàn thành vào năm 2025; đối với 4/19 chỉ tiêu còn vướng mắc cũng được các sở, ngành tập trung rà soát, tháo gỡ, đôn đốc thường xuyên vì mục tiêu phát triển đô thị Hà Nội theo hướng xanh, thông minh, bền vững.

  • Lợi ích cho đoàn viên, người lao động

    (Xây dựng) - Bên cạnh việc bảo đảm quyền lợi người lao động, chăm lo đời sống vật chất, để đoàn viên công đoàn yên tâm lao động, sản xuất, Công đoàn ngành Xây dựng Việt Nam đã có nhiều hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động. Đặc biệt thực hiện chủ trương của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐLĐVN) về nâng cao lợi ích cho đoàn viên, với mong muốn đem lại nhiều lợi ích hơn nữa cho đoàn viên và người lao động ngành Xây dựng, Công đoàn Xây dựng Việt Nam (CĐXDVN) đã thỏa thuận hợp tác về cung cấp dịch vụ, sản phẩm với một số đơn vị để cung cấp các sản phẩm, dịch vụ với giá ưu đãi cho đoàn viên và người lao động ngành Xây dựng.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load