(Xây dựng) – Tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Viện Hàn lâm khoa học Xã hội Việt Nam đồng chủ trì phiên Hội thảo Chuyên đề 2 “Thúc đẩy việc thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, tạo động lực phục hồi sản xuất, kinh doanh và phát triển bền vững”.
Toàn cảnh Hội thảo Chuyên đề 2. |
Nhận diện khó khăn
Tại Hội thảo, nhận định về tình hình doanh nghiệp hiện nay, Chủ tịch HĐTV Deloitte Việt Nam Hà Thu Thanh, đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp cho biết, đại dịch Covid-19 đã gây ra những tác động nghiêm trọng đến tình hình kinh tế - xã hội trên toàn thế giới trong năm 2020 và 2021. Những nền kinh tế lớn như Mỹ, Nhật Bản, Cộng đồng chung châu Âu (EU) đã rơi vào tình trạng suy thoái kinh tế sâu, tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua.
Việt Nam không nằm ngoài tác động chung của đại dịch Covid-19 như các quốc gia khác - đại dịch đã tác động tiêu cực, sâu rộng tới nền kinh tế Việt Nam gây đứt gãy chuỗi cung ứng, các doanh nghiệp lại gặp khó khăn trong hoạt động xuất khẩu sang các thị trường trường truyền thống.
Sau 2 năm ứng phó với đại dịch, các doanh nghiệp phải tạm đóng cửa hay giải thể phần lớn do khó khăn về tài chính, đặc biệt là về dòng tiền để duy trì các hoạt động thường xuyên. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp bước vào giai đoạn phục hồi sau đại dịch gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động, thiếu hụt cả số lượng và thiếu hụt kỹ năng của người lao động. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn và không ưu tiên cho các hoạt động đổi mới sáng tạo để nâng cao năng suất, cải thiện năng lực cạnh tranh.
Chia sẻ những khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp, PGS. TS. Nguyễn Trúc Lê - Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội cũng cho rằng, các doanh nghiệp đối mặt với rất nhiều khó khăn do hoạt động sản xuất, kinh doanh bị ngưng trệ, chuỗi cung ứng gián đoạn, sức mua từ khách hàng giảm sút.
Trong bối cảnh đó, các cơ chế, chính sách hỗ trợ nhóm doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh sau đại dịch được Đảng và Nhà nước triển khai liên tục và kịp thời trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, theo PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê cho biết: Việc triển khai Chương trình còn một số tồn tại khó khăn như doanh nghiệp khó thụ hưởng, chưa kịp thời điều chỉnh các bất cập, các văn bản hưởng dẫn chưa kịp thời…
Còn theo TS. Lâm Văn Đoan - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội của Quốc hội, tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ, tạm thời trong một số ngành, lĩnh vực; chất lượng lao động còn hạn chế, tỷ lệ lao động ở khu vực phi chính thức lớn.
Cùng với đó, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp còn thấp trong lực lượng lao động, đa số lao động khu vực phi chính thức chưa tham gia bảo hiểm xã hội; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đang bị chững lại và giảm đột ngột trong năm 2022.
Tìm giải pháp thúc đẩy việc thực hiện các chính sách hỗ trợ
Trong phiên thảo luận, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương khẳng định, ngay sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Công tác chỉ đạo của Chính phủ với các Bộ, ngành triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 khá kịp thời. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nhấn mạnh, qua 8 tháng đã giải ngân đạt 56.000 tỷ đồng trong tổng số hơn 300.000 tỷ đồng.
Còn theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà, theo chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã cố gắng điều hành chính sách tiền tệ đảm bảo mục tiêu quan trọng nhất là ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát; thực hiện triển khai có hiệu quả chương trình hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp và cho người vay vốn tại ngân hàng thương mại…
Về giải pháp tháo gỡ khó khăn, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ triển khai tổ công tác liên ngành khảo sát thực tế địa phương để giải đáp thắc mắc; tiếp tục tổ chức hội nghị kết nối doanh nghiệp - ngân hàng; đồng thời phối hợp với các bộ, ngành để chỉnh sửa chính sách, thủ tục cần tháo gỡ khó khăn để khách hàng vay được vốn và gói hỗ trợ này được triển khai nhanh hơn.
Phiên thảo luận Chuyên đề 2 (Ảnh: Lâm Hiển). |
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch VCCI Bùi Trung Nghĩa cũng đã nêu ra 8 nhóm giải pháp hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp phục hồi và phát triển như tập trung hoàn thiện khung khổ pháp lý về đầu tư và kinh doanh; tiếp tục giảm chi phí cho doanh nghiệp; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tiếp cận khoản vốn vay ưu đãi cho doanh nghiệp; xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý, tạo thuận lợi cho sự ra đời của mô hình kinh doanh mới…
Trong đó, giải pháp liên quan đến đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; cắt giảm thủ tục còn phiền hà là giải pháp thiết thực, quan trọng nhất để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp. Đây cũng là giải pháp căn bản lâu dài, hiệu quả nhất về chi phí, cũng là nhiệm vụ chính trị mà Chính phủ đã giao các Bộ, ngành thực hiện liên tục từ năm 2014 đến nay.
Còn theo Chuyên gia kinh tế cao cấp của UNDP tại Việt Nam Jonathan Pincus, để phục hồi và phát triển kinh tế trong giai đoạn hiện nay, cùng với những biện pháp về tài khóa, tiền tệ, cần quan tâm đến chi tiêu của người dân. Khi người dân được hưởng lợi sẽ kích thích chi tiêu; từ đó các doanh nghiệp hưởng lợi từ vòng quay mua sắm và tiếp tục tăng cường sản xuất kinh doanh.
Việt Nam cần có cơ chế phòng vệ cho khủng hoảng trong tương lai. Việt Nam có thể xem xét tăng cường các biện pháp hỗ trợ về bảo hiểm xã hội, an sinh xã hội cho trẻ em, hỗ trợ đối tượng yếu thế, đối tượng chính sách xã hội…
Cũng trong khuôn khổ phiên thảo luận, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh đã nêu ra 6 nhóm giải pháp về chính sách nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và TS Trần Du Lịch đã đề xuất thêm nhiều giải pháp dành cho doanh nghiệp…
Phát biểu kết luận Hội thảo, Phó Giám đốc Thường trực Học Viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Duy Bắc nêu rõ, tại Phiên hội thảo chuyên đề 2, các đại biểu đã nghe 3 tham luận chính và các ý kiến trao đổi, thảo luận của các đại biểu về quá trình triển khai cũng như tác động và hiệu quả của chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội.
Về những kết quả trong hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, tạo động lực phục hồi sản xuất kinh doanh, phát triển bền vững trong thời gian qua, Phó Giám đốc Thường trực Học Viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Duy Bắc cho biết, các chính sách được ban hành kịp thời, linh hoạt, cơ bản phù hợp với diễn biến và tác động của dịch bệnh cũng như tình hình kinh tế, xã hội của đất nước và bối cảnh quốc tế. Chính sách đưa ra đã được tính toán cẩn trọng, phối hợp chặt chẽ trong triển khai nên không ảnh hưởng lớn đến các cân đối chủ chốt của nền kinh tế, đảm bảo thị trường tài chính tiền tệ phát triển an toàn, lành mạnh…
Yến Mai
Theo