(Xây dựng) - Tiếp tục phiên Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn, sáng 8/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã báo cáo giải trình làm rõ thêm một số vấn đề được các vị đại biểu Quốc hội và đồng bào, cử tri quan tâm.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết: Chính phủ nỗ lực phấn đấu đạt mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch năm 2023. |
Tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục xu hướng tích cực
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, trong tháng 10 đầu năm, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục theo xu hướng tích cực, tháng sau cao hơn tháng trước, đạt được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.
Lạm phát tiếp tục được kiểm soát; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 10 tháng tăng 3,2%. Khu vực công nghiệp phục hồi tích cực; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 10 tăng 5,5% so với tháng trước và tăng 4,1% so với cùng kỳ...
Thu ngân sách Nhà nước (NSNN) 10 tháng đạt 86,3% dự toán. Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt 25,76 tỷ USD, tăng 14,7% so với cùng kỳ. Vốn FDI thực hiện đạt 18 tỷ USD, tăng 2,4%.
Giải ngân vốn đầu tư công đạt 56,74% kế hoạch, cao hơn 5,5% so với cùng kỳ (51,34%), số tuyệt đối cao hơn 104 nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng cho rằng: Tình hình kinh tế - xã hội vẫn còn những hạn chế, bất cập. Sản xuất kinh doanh tiếp tục gặp khó khăn. Thị trường lao động, việc làm trong một số lĩnh vực suy giảm. Tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên còn cao. Thiên tai, bão lũ, sạt lở đất tiếp tục ảnh hưởng lớn đến khu vực miền Trung…
Trong thời gian còn lại của năm 2023, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trên các lĩnh vực, vừa giải quyết những vấn đề trước mắt, vừa chuẩn bị cơ sở, tiền đề cho những năm tiếp theo, trong đó tập trung thúc đẩy các động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu), các địa phương đầu tàu tăng trưởng.
Thực hiện các chính sách hỗ trợ tăng tổng cầu, nhất là các chính sách tài khóa, tiền tệ; tăng khả năng tiếp cận tín dụng, đất đai, mở rộng thị trường, đa dạng sản phẩm, chuỗi cung ứng; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; thu hút vốn đầu tư xã hội, đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài.
Thúc đẩy phát triển mạnh công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo; đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước và thúc đẩy xuất khẩu, tận dụng tốt cơ hội thị trường vào dịp cuối năm, lễ, Tết; bảo đảm ổn định giá cả, thị trường, nhất là những mặt hàng thiết yếu.
Theo dõi sát, nắm chắc diễn biến tình hình quốc tế, trong nước, phản ứng chính sách kịp thời, linh hoạt, hiệu quả với những vấn đề mới phát sinh; nỗ lực phấn đấu đạt mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch năm 2023, trong đó tăng trưởng GDP đạt trên 5%, tạo đà cho việc thực hiện kế hoạch năm 2024…
Thủ tướng đề nghị xử lý vướng mắc của các thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp… |
Tiếp tục rà soát, giải quyết vướng mắc pháp lý
Về rà soát, hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách, cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết: Đây là vấn đề rất quan trọng, góp phần khơi thông nguồn lực, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm, sinh kế cho người dân, bảo đảm đời sống cho người lao động, được Đảng, Nhà nước, Quốc hội và đồng bào, cử tri cả nước đặc biệt quan tâm.
Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tập trung rà soát, phát hiện, xử lý kịp thời những bất cập, khó khăn, vướng mắc, cả về quy định pháp luật, cơ chế, chính sách và tổ chức thực hiện.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chính phủ đã tập trung triển khai nhiệm vụ này và cần phải đẩy mạnh hơn nữa trong thời gian tới; Tiếp tục đề xuất các cấp có thẩm quyền, ban hành kịp thời các chính sách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, nhất là về tài khóa, tiền tệ; Xử lý vướng mắc của các thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, hỗ trợ người lao động, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh…
Thủ tướng nhận định: Đúng như các vị đại biểu Quốc hội đã nêu, một số quy định pháp luật, cơ chế, chính sách không còn phù hợp, chậm được sửa đổi, bổ sung.
Thủ tục hành chính đối với sản xuất kinh doanh, hoạt động của doanh nghiệp trên một số lĩnh vực còn phức tạp, rườm rà.
Quy trình, thủ tục hành chính trong nội bộ của từng cơ quan và giữa các cơ quan có lúc, có nơi chưa đáp ứng yêu cầu. Việc phân cấp, phân quyền trong một số lĩnh vực còn vướng mắc về thể chế, nhất là đối với những vấn đề phát sinh mới...
Thời gian tới, Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, giải quyết vướng mắc pháp lý, nhất là về định giá đất, nhà ở, đất đai, bất động sản, quy hoạch, đấu thầu, đầu tư, xây dựng…
Rà soát, đơn giản hóa điều kiện, quy định kinh doanh, quy trình thủ tục về thẩm định, phê duyệt các dự án đầu tư, xây dựng; các thủ tục hành chính liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp; đẩy mạnh thực hiện Đề án 06.
Thủ tướng yêu cầu người đứng đầu các Bộ, ngành, địa phương trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật, cải cách hành chính; động viên, khen thưởng và xử lý kỷ luật kịp thời, nghiêm minh theo quy định của Đảng, Nhà nước.
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực cấp dưới và tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, đề cao trách nhiệm người đứng đầu; phát huy tính chủ động, tích cực, sáng tạo của các Bộ, ngành, địa phương.
Tiếp tục hoàn thiện quy định để khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung; đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp né tránh, không phối hợp, đùn đẩy trách nhiệm, làm chậm, kém hiệu quả...
Chính phủ phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ hoàn thành mục tiêu ít nhất có 3.000km đường bộ cao tốc. |
Chú trọng triển khai các dự án giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia
Về các dự án hạ tầng quan trọng ngành Giao thông, Thủ tướng cho biết: Thực hiện các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo triển khai các dự án giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia (gồm 36 dự án, với 83 dự án thành phần).
Điển hình, đã tháo gỡ những vấn đề bất cập, vướng mắc kéo dài để khởi công, triển khai các dự án giao thông trọng điểm, như Cảng hàng không quốc tế Long Thành, sân bay Điện Biên, Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và nhiều dự án đường bộ cao tốc khác.
Thủ tướng cũng chỉ ra một số dự án còn chậm tiến độ, đội vốn, chia nhỏ gói thầu, chất lượng chưa đồng đều. Việc triển khai gặp nhiều khó khăn, vướng mắc pháp lý, tổ chức thực hiện trong giải phóng mặt bằng, tái định cư, cung ứng nguyên vật liệu.
Một số đoạn, tuyến cao tốc chưa xây dựng đủ 4 làn xe, chưa có trạm dừng nghỉ, làn dừng khẩn cấp; hoàn trả đường dân sinh, hậu cần còn bất cập...
Thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp như rà soát, sửa đổi, hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan, nhất là về trình tự thủ tục đầu tư, thủ tục vốn ODA, bảo đảm nhanh, kịp thời, hiệu quả.
Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tái định cư; Xử lý các khó khăn về đường gom, đường tránh, nút giao cho người dân; Tháo gỡ ngay khó khăn, vướng mắc về nguồn nguyên vật liệu, đặc biệt là ở vùng đồng bằng sông Cửu Long; Kiểm soát chặt chẽ biến động giá nguyên, vật liệu.
Sớm ban hành quy chuẩn đường cao tốc trong quý I/2024; rà soát, tính toán hợp lý, huy động nguồn lực đầu tư mở rộng 05 tuyến cao tốc phân kỳ đầu tư 2 làn xevà 07 tuyến chưa có làn dừng khẩn cấp; Nâng cao năng lực, chất lượng của chủ đầu tư, nhà thầu, tư vấn gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát...
Phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ hoàn thành mục tiêu ít nhất có 3.000km đường bộ cao tốc theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Tiếp tục ưu tiên thúc đẩy các động lực tăng trưởng
Đề cập các chỉ tiêu dự kiến khó đạt kế hoạch đề ra, gồm: Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP); GDP bình quân đầu người; Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP; Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội; Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết: Thời gian tới, Chính phủ chỉ đạo tập trung thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp.
Theo đó, tiếp tục ưu tiên thúc đẩy các động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu); tập trung phát triển mạnh thị trường trong nước; mở rộng xuất khẩu;
Đẩy mạnh hơn nữa giải ngân vốn đầu tư công, đồng thời tăng cường thu hút các nguồn vốn đầu tư xã hội, đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài; Tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, nhất là mở rộng thị trường, kiên quyết cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh.
Đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo, các ngành, lĩnh vực mới nổi và công nghiệp hỗ trợ; Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển dịch cơ cấu nội ngành nông nghiệp.
Tập trung đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thúc đẩy liên kết vùng, phát huy vai trò của 6 vùng kinh tế - xã hội, tạo các động lực mới cho phát triển nhanh, bền vững.
Cũng tại báo cáo, Thủ tướng đồng thời đề cập các vấn đề: Bảo đảm an ninh năng lượng; Đào tạo nhân lực chất lượng cao gắn với phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp; Giải quyết tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế, các bệnh viện chậm tiến độ; Tăng năng suất lao động xã hội…
Tiếp đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội…
Quý Anh
Theo