(Xây dựng) - Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm lĩnh vực kinh tế ngành, sáng 7/11, Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh đã trực tiếp phúc đáp về thực trạng xử lý rác thải rắn sinh hoạt.
Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh trả lời chất vấn về thực trạng xử lý rác thải rắn sinh hoạt. |
Tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân – Đoàn ĐBQH Bình Dương đặt vấn đề: Qua tổng hợp từ nguồn báo cáo của 57/63 địa phương, hiện nay tỷ lệ về thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt rất cao, ở đô thị tỷ lệ đạt 96% (vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra là 89%), ở nông thôn đạt 71%...
Tuy nhiên, theo đại biểu, qua giám sát và thực tế cử tri phản ánh thì con số này chưa chuẩn xác; Hệ thống quy trình phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt chưa tốt; Thiếu các tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật về lĩnh vực này.
Tại Kỳ họp thứ 9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV đã kết luận: “Năm 2022 phải ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật, hướng dẫn xử lý rác thải để các địa phương có cơ sở thực hiện”. Đại biểu đề nghị: Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường cho biết kết quả thực hiện, nguyên nhân và giải pháp giải quyết vấn đề này?
Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho biết: Đến năm 2022, tổng lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trên toàn quốc khoảng 67.110 tấn/ngày, trong đó các đô thị là 36.870 tấn, khu vực nông thôn khoảng 29.455 tấn.
Những năm vừa qua, các địa phương đã quan tâm, đẩy mạnh việc thu gom, xử lý rác thải. Đã có nhiều nhà máy đốt rác phát điện hoặc xử lý rác được xây dựng. Đến nay, cả nước có khoảng 1.326 cơ sở xử lý rác sinh hoạt, trong đó có 467 lò đốt và 38 dây chuyền sản xuất phân compost; 1.207 bãi chôn lấp chất thải rác sinh hoạt.
Theo phân tích của Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh, trong cả nước, giải pháp xử lý rác thải sinh hoạt chủ yếu là chôn lấp, với tỷ lệ chôn lấp 65%. Chỉ có khoảng 16% tổng số rác được các nhà máy chế biến và thu hồi đốt phát điện năng lượng... Báo cáo từ địa phương nói trên chính là những con số xử lý bằng hình thức chôn lấp.
Bộ trưởng chia sẻ: Các địa phương đang khó khăn trong việc kêu gọi xã hội hóa để xây dựng các nhà máy xử lý đốt phát điện; khó khăn trong việc phân loại, xử lý rác tại các nhà máy.
Nguyên nhân, thứ nhất, các địa phương chưa phân loại rác tại nguồn, chưa làm được triệt để. Thứ hai, việc xây dựng một nhà máy xử lý rác cần phải đạt công suất trong một ngày với lượng rác lớn. Nhưng tại một số địa phương, ngay cả đô thị trung tâm, chỉ có khoảng 200 - 300 tấn rác một ngày, nên rất khó khăn trong việc xây dựng nhà máy xử lý tập trung.
Đề cập giải pháp cho công tác xử lý chất thải rắn sinh hoạt, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết: Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thực hiện một số giải pháp và có hướng dẫn tại Thông tư 02.
Theo đó, Bộ đã ban hành nội dung: Yêu cầu về kỹ thuật bảo vệ môi trường đối với điểm tập kết, trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt; Yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường đối với phương tiện vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt; Tiêu chí về công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt; Giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; Hình thức về thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo khối lượng hoặc thể tích chất thải; Phương pháp định giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt, áp dụng đối với các nhà đầu tư và cung cấp dịch vụ xử lý chất thải; Bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt…
Bộ trưởng cho biết, vừa qua Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản hướng dẫn các địa phương về phân loại rác tại nguồn, Bộ trưởng đề nghị các địa phương căn cứ vào hướng dẫn của Bộ, quan tâm tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân phân loại rác tại nguồn. “Khi phân loại rác tại nguồn, chúng ta sẽ tách và xử lý được rác thải triệt để”, Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết: Thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện chính sách, quy định các chất thải rắn sinh hoạt, trong đó ưu tiên ban hành bộ định mức kinh tế kỹ thuật về thu gom, vận chuyển, xử lý rác sinh hoạt (trong năm 2024).
Bộ đồng thời rà soát, ban hành các quy chuẩn quốc gia về lò đốt chất thải rắn sinh hoạt; Tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật và nghiên cứu phát triển công nghệ, trong đó tập trung vào nghiên cứu chuyển giao công nghệ xử lý rác sinh hoạt; Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, kêu gọi thu hút đầu tư vào công tác xử lý rác thải rắn sinh hoạt…
Quý Anh
Theo