Thứ sáu 17/01/2025 12:42 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Pháp luật /

Thu hồi đất bằng miệng...dân kiện ở đâu?

17:11 | 09/10/2007

Ông Rỵ thua kiện !
Nguyên nguồn gốc đất nhà ông Rỵ là đất thừa kế, có tổng diện tích 1.701 m2, nằm cạnh Quốc lộ 10 đoạn qua xã Dũng Tiến, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Năm 1988, theo quy hoạch phát triển Quốc lộ 10 của Chính phủ công bố, thì nhà ông Rỵ  có 666 m2 nằm trong quy hoạch. “Sổ đỏ” của nhà ông Rỵ do UBND huyện Vĩnh Bảo cấp ngày 8/2/1999 đã ghi nhận thực tế đó.


Nông dân Phạm Quang Rỵ - Thành phố không thông báo Quyết định,
nhưng vẫn lấy đất nhà tôi

Trước khi ông Rỵ được cấp sổ đỏ, ngày 13/4/1998, Chính phủ đã có Quyết định số 299/QĐ-Ttg về cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 10 từ Quảng Ninh đến thị xã Ninh Bình. Trên cơ sở ấy, đến 16/7/1999, UBND thành phố Hải Phòng đã ban hành Quyết định 1212/QĐ-UB quy định về một số nguyên tắc, chế độ chính sách, đơn giá đền bù thiệt hại về đất và tài sản trên đất khi thu hồi GPMB Quốc lộ 10. Còn với Vĩnh Bảo, Hội đồng đền bù đã được thành lập từ 10/4/1999.

Sau khi hoàn thành kiểm kê, lên phương án bồi thường, ngày 24/10/2000, UBND thành phố Hải Phòng đã ra quyết định số 2037, thu hồi 8,257 ha đất tại huyện Tiên Lãng và Vĩnh Bảo để thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 10. Tại xã Dũng Tiến, thành phố thu hồi 7.618,84 m2 đất, trong đó thu hồi của nhà ông Rỵ là 467,25 m2 trong tổng số 666 m2.

Và từ đó, ông Rỵ bắt đầu hành trình khiếu kiện của mình. Nội dung các đơn khiếu nại và khởi kiện của ông Rỵ tập trung vào hai điểm. Thứ nhất: Việc thu hồi đất của gia đình ông không có... Quyết định thu hồi đất. Thứ hai: phương án đền bù do UBND thành phố áp dụng đối với gia đình ông cũng khó hiểu cách vận dụng cơ sở pháp lý. Cho đến nay ông Rỵ đã hai lần thua kiện, đồng thời không được chấp nhận khiếu nại.

Không ai nhận lỗi !
Vì không nhận được Quyết định thu hồi đất, ông Rỵ không thể khởi kiện UBND thành phố ra toà hành chính. Và vì không bàn giao mặt bằng, ông Rỵ đã bị UBND huyện Vĩnh Bảo ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Ông Rỵ đã khởi kiện quyết định này. Ngày 27/8/2002, Toà án nhân dân huyện Vĩnh Bảo đã xét xử vụ kiện của ông Rỵ. Trọng tâm xét xử là một phần Điều 28 Luật Đất đai 1993, nội dung: “Trước khi thu hồi đất, phải thông báo cho người đang sử dụng biết về lý do thu hồi, thời gian, kế hoạch di chuyển, phương án đền bù thiệt hại”.

Quan điểm của toà như sau: “Theo tinh thần của điều 28 Luật Đất đai (1993)... thì khi cần thiết... cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chỉ cần ra quyết định thu hồi đất tổng thể theo đúng quy hoạch, kế hoạch đã được xét duyệt mà không cần phải ra quyết định thu hồi đất đến từng hộ gia đình. Như vậy, Quyết định số 2037/QĐ-UB của UBND thành phố là phù hợp và có hiệu lực thi hành trong toàn tuyến và từng hộ gia đình. Đối với từng hộ cụ thể có đất bị thu hồi, hội đồng đền bù và các cơ quan chức năng  chỉ cần thông báo cho họ biết và làm thủ tục đền bù, chi trả tiền đền bù là đủ”.

Dựa vào căn cứ trên, Toà án huyện Vĩnh Bảo đã bác đơn khởi kiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính của UBND huyện Vĩnh Bảo của ông Rỵ. Phán quyết Toà án huyện Vĩnh Bảo đã được Toà án nhân dân thành phố Hải Phòng đồng ý và giữ nguyên trong phiên phúc thẩm vào ngày 9/12/2002.

“Nhận xét” này của toà đúng hay sai? Người viết bài báo cho rằng: cơ sở quan trọng nhất của việc thu hồi đất chính là Quyết định thu hồi. Quyết định ấy phải được giao tận tay người bị thu hồi, chứ không thể chỉ thông báo trên loa đài, báo chí, hoặc tuyên truyền bằng...miệng ? Có nghĩa, nếu thành phố Hải Phòng coi Quyết định số 2037/QĐ-UB là quyết định thu hồi đất tổng thể, thì quyết định ấy cần được sao lục và giao tận tay người bị thu hồi, trong đó có gia đình ông Rỵ.

Cách thu hồi đất của dân chỉ... bằng miệng. Vậy thử hỏi, người dân “thấp cổ bé họng” sẽ phải kêu kiện ở đâu?

Quốc Dũng

Theo baoxaydung.com.vn

Từ khóa:
Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load