Thứ ba 05/11/2024 01:05 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Thời sự /

Thông qua Nghị quyết Kỳ họp 6 Quốc hội khóa XV

17:21 | 29/11/2023

(Xây dựng) – Sáng 29/11, với kết quả 477 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 96,56%), Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

Thông qua Nghị quyết Kỳ họp 6 Quốc hội khóa XV
Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 6.

Điều chỉnh thời điểm thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) sang Kỳ họp gần nhất

Theo đó, Nghị quyết Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV quyết nghị: Thông qua 07 luật, gồm Luật Căn cước; Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Viễn thông (sửa đổi).

Thông qua 09 nghị quyết, gồm: Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn; Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024; Nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2024; Nghị quyết thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ; Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu; Nghị quyết về giám sát chuyên đề “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030”; Nghị quyết về tiếp tục thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn; Nghị quyết Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

Cũng theo Nghị quyết, Kỳ họp thứ 6 cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý và quyết định điều chỉnh thời điểm trình Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) sang kỳ họp gần nhất, đảm bảo chất lượng và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn hiện nay.

Quốc hội cho ý kiến lần đầu đối với 08 dự án luật: Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Lưu trữ (sửa đổi); Luật Thủ đô (sửa đổi); Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.

Giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội phối hợp chặt chẽ với các cơ quan trình, cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, giải trình, tiếp thu tối đa ý kiến của đại biểu Quốc hội, chỉnh lý các dự thảo luật, bảo đảm chất lượng, tiến độ.

Thông qua Nghị quyết Kỳ họp 6 Quốc hội khóa XV
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV và dự thảo Nghị quyết Kỳ họp thứ 6.

Kịp thời triển khai có hiệu quả các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua

Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các địa phương đã tích cực, chủ động, trách nhiệm, khẩn trương và phối hợp chặt chẽ trong triển khai rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo yêu cầu tại Nghị quyết số 101/2023/QH15.

Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo khẩn trương xem xét, xử lý kết quả rà soát và báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 đối với các nội dung do Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước kiến nghị…

Đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương, chính quyền địa phương tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, tập trung đầu tư nguồn lực cho xây dựng và hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, bảo đảm tiến độ và chất lượng xây dựng các dự án được giao theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.

Kịp thời triển khai có hiệu quả các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua, ban hành đồng bộ, đúng thời hạn văn bản quy định chi tiết thi hành luật; có giải pháp khắc phục hiệu quả tình trạng né tránh, thiếu trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức; phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực, “lợi ích nhóm”, “lợi ích cục bộ” trong công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.

Khẩn trương nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; hoàn thiện tiêu chí, quy trình, thủ tục rà soát văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện thống nhất, hiệu quả; kịp thời phát hiện và xử lý các quy định có mâu thuẫn, chồng chéo, sơ hở, bất cập, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.

Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan hữu quan tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp theo Nghị quyết số 96/2019/QH14 của Quốc hội về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác của Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân và công tác thi hành án…

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực (quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, tài sản công; đấu thầu, mua sắm tài sản công; đấu giá, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, trái phiếu, xây dựng cơ bản, tổ chức cán bộ…); kịp thời phát hiện, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.

Khẩn trương giải quyết các vụ việc, vụ án tạm đình chỉ, trong đó tập trung xử lý những vụ đã hết hoặc gần hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, các trường hợp còn tồn đọng do lỗi chủ quan, không để xảy ra việc tạm đình chỉ không đúng pháp luật.

Tăng cường kiểm tra, thanh tra, chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế, vi phạm trong công tác thi hành án dân sự; tiếp tục hoàn thiện cơ chế, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thi hành án hành chính.

Đồng ý chủ trương quan trọng

Nghị quyết đồng ý chủ trương, giao Chính phủ trong năm 2024 xây dựng dự thảo Nghị định về việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ đầu tư từ nguồn thu thuế tối thiểu toàn cầu và các nguồn hợp pháp khác để ổn định môi trường đầu tư, khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia và hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước đối với một số lĩnh vực cần khuyến khích đầu tư, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi ban hành.

Đồng thời, rà soát tổng thể để hoàn thiện đồng bộ hệ thống chính sách, pháp luật về khuyến khích đầu tư, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới.

Giao Chính phủ tiếp tục tổ chức thực hiện tốt các Nghị quyết số 97/2019/QH14, số 119/2020/QH14, số 131/2020/QH14 và số 160/2021/QH14 của Quốc hội về tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng; Nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.

Đồng ý cho phép kéo dài thời gian thực hiện Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành đến hết ngày 31/12/2024; Bổ sung 966,749 tỷ đồng từ dự phòng chung nguồn ngân sách Trung ương của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 cho Dự án.

Bổ sung nội dung đầu tư các dự án xây dựng, cải tạo, sửa chữa, mua sắm đầu tư trang thiết bị các bệnh viện tại Báo cáo số 581/BC-CP ngày 20/10/2023 của Chính phủ vào điểm a, mục 1.2, khoản 1 Điều 3 của Nghị quyết số 43/2022/QH15 và cho phép chuyển nguồn 2.920,7 tỷ đồng nguồn tăng thu, cắt giảm, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương năm 2021 bố trí thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo quy định tại điểm a, mục 1.3, khoản 1 Điều 3 của Nghị quyết số 43/2022/QH15 còn dư sang năm 2024 cho các Bộ, cơ quan Trung ương để triển khai thực hiện các dự án thuộc nội dung đầu tư nêu trên.

Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định việc phân bổ vốn cho các Bộ, cơ quan Trung ương để thực hiện các dự án thuộc nội dung đầu tư nêu trên khi đủ điều kiện, thủ tục đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước, các Nghị quyết của Quốc hội và quy định của pháp luật có liên quan. Trường hợp cấp bách, trong thời gian giữa hai kỳ họp Quốc hội, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước bố trí cho các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đến hết ngày 31/12/2024.

Đồng ý bổ sung 1.275 tỷ đồng chi đầu tư cho tỉnh Nghệ An từ nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2022 để giải quyết đền bù giải phóng mặt bằng (bao gồm cả phần chậm trả) của các dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Nghệ An thuộc nhiệm vụ ngân sách Trung ương phát sinh sau khi các dự án này đã quyết toán.

Giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ quy định tại điểm a, mục 1.1, khoản 1 Điều 3 của Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian từ ngày 01/01/2024 đến hết ngày 30/6/2024.

Nghị quyết giao Chính phủ tổ chức thực hiện kịp thời, hiệu quả, không làm ảnh hưởng đến dự toán thu và bội chi ngân sách Nhà nước năm 2024 theo Nghị quyết của Quốc hội, báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Kiểm toán nhà nước, các Bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp theo chức năng, nhiệm vụ được giao tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết này; tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để sớm triển khai thực hiện các luật, nghị quyết đã được Quốc hội thông qua.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận giám sát và động viên các tầng lớp Nhân dân thực hiện Nghị quyết.

Quý Anh

Theo

Cùng chuyên mục
  • Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải: Các đại biểu cơ bản thống nhất với các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2025

    (Xây dựng) – Kết luận Phiên thảo luận ngày 4/11 về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và nhiều nội dung quan trọng khác, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, trên tinh thần thẳng thắn và trách nhiệm, các ý kiến phong phú, toàn diện sâu sắc, thể hiện quyết tâm, tâm huyết của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đối với các vấn đề quan trọng của đất nước và của đông đảo cử tri quan tâm.

  • Quốc hội: Đáp ứng nhu cầu sử dụng đất cho các dự án quan trọng quốc gia

    Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030 đã phát huy được những hiệu quả nhất định, song vẫn còn hạn chế cần điều chỉnh trong thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.

  • Quốc hội khóa XV: Tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế và nguồn nhân lực

    Đại biểu kiến nghị Quốc hội, Chính phủ có giải pháp khắc phục điểm nghẽn thể chế đã được chỉ ra; thường xuyên đánh giá chất lượng, hiệu quả các chính sách ban hành để kịp thời điều chỉnh.

  • Hỗ trợ cho các địa phương bị bão lũ: Cần có cơ chế, chính sách đặc thù

    (Xây dựng) – Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về Đánh kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025. Trong đó, liên quan đến bão số 3, với sức tàn phá nặng nề, đã để lại hậu quả lớn cho nhiều tỉnh miền Bắc, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đề nghị tiếp tục có các cơ chế đặc cách, đặc thù để bổ sung thêm nguồn lực hỗ trợ cho các địa phương bị ảnh hưởng, đồng thời cho phép thực hiện các thủ tục rút gọn để triển khai nguồn lực hỗ trợ đến với bà con vùng bị thiệt hại do bão, lũ.

  • Còn tình trạng cán bộ có tâm lý coi nhẹ việc chống lãng phí

    Theo đại biểu Quốc hội, còn một bộ phận cán bộ có tâm lý coi nhẹ việc chống lãng phí ngay trong hoạt động quản lý, chỉ coi lãng phí là hành vi cần phải khắc phục nhưng chưa đến mức nghiêm trọng, chưa coi lãng phí là hành vi nguy hiểm cho xã hội.

  • Mở ra không gian phát triển mới cho quan hệ Việt Nam và ba nước Trung Đông

    Chuyến thăm UAE, Saudi Arabia và Qatar của Thủ tướng Phạm Minh Chính là dấu ấn quan trọng, thể hiện mối quan hệ đang trên đà phát triển tốt đẹp giữa Việt Nam với ba nước Trung Đông.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load