Thứ tư 11/12/2024 07:55 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Quốc hội thông qua Luật Tài nguyên nước (sửa đổi)

15:41 | 27/11/2023

(Xây dựng) – Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 6, chiều 27/11, với kết quả 468 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 94,74%), Quốc hội khóa XV đã chính thức thông qua Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Luật gồm 10 Chương, 86 Điều (bổ sung 07 Điều, bỏ 04 Điều, tăng 03 Điều so với dự thảo Luật do Chính phủ trình Quốc hội).

Quốc hội thông qua Luật Tài nguyên nước (sửa đổi)
Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

Chính phủ quy định chi tiết về nội dung của kịch bản nguồn nước

Trước đó, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày Báo cáo tóm tắt giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH).

Về bảo vệ tài nguyên nước và phục hồi nguồn nước (Chương III), tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng quản lý theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với các quy định mang tính kỹ thuật như: Phòng, chống ô nhiễm nước biển tại Điều 33; Khai thác tài nguyên nước cho sinh hoạt tại Điều 43; thu gom, xử lý nước đã qua sử dụng trong sản xuất công nghiệp, khai thác và chế biến khoáng sản tại Điều 47; Phòng, chống xâm nhập mặn tại Điều 64; phòng, chống sụt, lún đất tại Điều 65; Phòng, chống sạt, lở lòng, bờ, bãi sông, hồ tại Điều 66.

Về điều hòa, phân phối tài nguyên nước (Mục 1, Chương IV), tiếp thu ý kiến UBTVQH, dự thảo Luật đã được rà soát chỉnh lý các quy định tại khoản 4, khoản 5 Điều 35 về kịch bản nguồn nước để làm rõ hơn nội hàm, nội dung của kịch bản nguồn nước và làm căn cứ để các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện việc phối hợp điều hòa, phân phối tài nguyên nước và chủ động, khai thác hiệu quả nguồn nước được phân phối tại khoản 6 và khoản 7 Điều 35.

Đồng thời, giao Chính phủ quy định chi tiết về nội dung của kịch bản nguồn nước tại khoản 8 Điều 35 để làm cơ sở cho các Bộ, ngành, địa phương thực hiện, chủ động được nguồn nước, sử dụng hiệu quả kinh tế nước và đảm bảo an ninh nguồn nước.

Có chính sách ưu đãi đối với các dự án đầu tư khai thác nước cho sinh hoạt

Trước ý kiến đề nghị cần quy định xây dựng các kịch bản cấp nước đô thị trong điều kiện biến đổi khí hậu, kịch bản cho các đô thị bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn do nước và những tác động tiêu cực khác do biến đổi khí hậu; nghiên cứu xây dựng các kịch bản rủi ro cho nguồn nước trong trường hợp khủng hoảng, UBTVQH giải trình: Tại Điều 35, Điều 36 của dự thảo Luật đã quy định về xây dựng kịch bản nguồn nước; trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ, UBND cấp tỉnh trong việc xây dựng phương án điều hòa, phân phối tài nguyên nước và hướng dẫn, chỉ đạo tổ chức thực hiện cho phù hợp với điều kiện nguồn nước.

Theo đó, nội dung ĐBQH đề nghị đã bao hàm trong kịch bản nguồn nước; phương án điều hòa, phân phối tài nguyên nước cho đô thị ở điều kiện biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn và các rủi ro về nguồn nước. Vì vậy, UBTVQH xin được giữ như dự thảo Luật.

Trước ý kiến đề nghị Nhà nước nên ưu tiên đầu tư xây dựng công trình tích trữ nước, kết hợp với bổ sung nhân tạo nước dưới đất tại các vùng hải đảo, khu vực có tiềm năng phát triển kinh tế lớn nhưng lại thuộc vùng khan hiếm nước, nguồn nước tự nhiên không đủ để đáp ứng các hoạt động phát triển và giao Chính phủ quy định chi tiết về hoạt động bổ sung nhân tạo nước dưới đất, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết: Tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật đã được rà soát, bổ sung, chỉnh lý quy định về ưu tiên đầu tư tìm kiếm, thăm dò, khai thác nguồn nước, tích trữ nước.

Dự thảo Luật có chính sách ưu đãi đối với các dự án đầu tư khai thác nước cho sinh hoạt, sản xuất cho người dân các vùng khan hiếm nước ngọt, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo (khoản 2 Điều 4); Khuyến khích thực hiện các hoạt động tích trữ nước (khoản 4 Điều 4); Ứng dụng và phát triển công nghệ trong tích trữ nước (điểm h khoản 1 Điều 6); Ưu tiên đầu tư, xây dựng các công trình tích trữ nước kết hợp bổ sung nhân tạo nước dưới đất tại các hải đảo, vùng khan hiếm nước (khoản 1 Điều 39); Khuyến khích các tổ chức, cá nhân nghiên cứu giải pháp và thực hiện việc bổ sung nhân tạo nước dưới đất (khoản 1 Điều 39), đồng thời giao Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định cụ thể việc bổ sung nhân tạo nước dưới đất (khoản 3 Điều 39).

Quy định chặt chẽ trách nhiệm trong khai thác nước cho sinh hoạt của các cơ quan

Về khai thác, sử dụng tài nguyên nước (Mục 2, Chương IV), UBTVQH nhận thấy, việc điều chỉnh lưu lượng khai thác trong điều kiện bình thường đã được thể hiện trong giấy phép thông qua hạn ngạch khai thác nước được quy định điểm d khoản 1 Điều 41 và điều kiện bất thường thông qua phương án điều hoà, phân phối tài nguyên nước khi xảy ra hạn hán thiếu nước quy định tại điểm h khoản 2 Điều 42. Do đó, xin được giữ như dự thảo Luật.

Trước ý kiến đề nghị cần tách riêng trách nhiệm của Bộ Xây dựng và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại khoản 3 Điều 43 để tránh chồng chéo trong quản lý, UBTVQH nhận thấy, việc quy định như dự thảo Luật phù hợp với phân công của Chính phủ và đã được tách bạch tại khoản 3, khoản 5 Điều 79. Do đó, xin Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật.

Dự thảo Luật cũng đã được rà soát, chỉnh lý quy định chặt chẽ trách nhiệm trong khai thác nước cho sinh hoạt của các cơ quan tại khoản 3, 4 Điều 43 về khai thác tài nguyên nước cho sinh hoạt; về quan trắc, giám sát khai thác tài nguyên nước tại khoản 1, khoản 2 Điều 51 và giao Chính phủ quy định chi tiết tại khoản 3 Điều 51.

Về kê khai, đăng ký, cấp phép về tài nguyên nước (Mục 3, Chương IV), tiếp thu ý kiến ĐBQH, khoản 5 Điều 53 dự thảo Luật đã giao Chính phủ quy định chi tiết về trình tự, thủ tục kê khai, đăng ký, cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước.

Đồng thời, quy định chuyển tiếp việc hoàn thành thủ tục đăng ký, cấp phép khai thác tài nguyên nước cho các công trình thuỷ lợi chậm nhất là ngày 30/6/2027, quy định tại khoản 6 Điều 86 dự thảo Luật.

Trước ý kiến đề nghị quy định cụ thể quy mô lớn, vừa và nhỏ của công trình khai thác tài nguyên nước để dễ áp dụng, UBTVQH thấy rằng: Ý kiến ĐBQH là xác đáng. Tuy nhiên, do tài nguyên nước ở Việt Nam biến động rất lớn theo không gian (theo vùng, miền, tỉnh), thời gian (theo mùa) và ảnh hưởng lớn bởi nguồn nước từ nước ngoài, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

Đồng thời quy mô khai thác của công trình phụ thuộc vào mục đích khai thác, loại nguồn nước khai thác (nước mặt, nước dưới đất, nước biển), loại hình công trình khai thác nước (đập, hồ chứa, trạm bơm, cống…) nên khó quy định cụ thể quy mô công trình khai thác tài nguyên nước trong dự thảo Luật.

Vì vậy, khoản 9 Điều 52 dự thảo Luật giao Chính phủ quy định chi tiết để đảm bảo tính linh hoạt trong xác định quy mô công trình, phù hợp với điều kiện nguồn nước, bảo đảm tính khả thi.

Khuyến khích các dự án khai thác, sử dụng nước có giải pháp sử dụng nước tuần hoàn, tái sử dụng nước

Về sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả (Mục 4, Chương IV), UBTVQH nhận thấy, để phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, Điều 59 dự thảo Luật đã quy định sử dụng nước tuần hoàn, tái sử dụng nước theo 3 cấp độ. Thứ nhất, khuyến khích các dự án khai thác, sử dụng nước có giải pháp sử dụng nước tuần hoàn, tái sử dụng nước (khoản 1).

Thứ hai, có kế hoạch, lộ trình quy định các loại dự án phải có phương án sử dụng nước tuần hoàn, tái sử dụng nước đối với các khu vực thường xuyên xảy ra hạn hán, thiếu nước và các hình thức ưu đãi tương ứng theo quy định của pháp luật (khoản 4 và khoản 5).

Thứ ba, Bắt buộc áp dụng sử dụng nước tuần hoàn, tái sử dụng nước thải đối với các dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có khai thác, sử dụng nước và xả nước thải tại các khu vực có nguồn nước không còn khả năng chịu tải (khoản 3 và khoản 6).

Đồng thời, khoản 4 Điều 59 dự thảo Luật đã quy định giao UBND cấp tỉnh có kế hoạch, lộ trình quy định các loại dự án phải có phương án tái sử dụng nước đối với các khu vực thường xuyên xảy ra hạn hán, thiếu nước và các hình thức ưu đãi theo quy định của pháp luật. Theo đó, UBND cấp tỉnh sẽ xem xét, quyết định tỷ lệ nước phải tuần hoàn, tái sử dụng đối với từng dự án. Do đó, xin được giữ như dự thảo Luật.

Xã hội hóa hoạt động phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm

Về công cụ kinh tế, chính sách và nguồn lực cho tài nguyên nước (Chương VI), báo cáo của UBTVQH cho biết: Tại Điều 69 quy định về tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước quy định các trường hợp phải nộp tiền (khoản 1 Điều 69); trường hợp miễn, giảm tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước (khoản 3,4 Điều 69).

Theo đó, việc khai thác sử dụng nước cho mục đích nông nghiệp (quy mô lớn) thuộc diện cấp phép phải nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước để bảo đảm công bằng, hợp lý với các ngành kinh tế khai thác, sử dụng nước (điểm b khoản 1 Điều 69).

Tuy nhiên, thời điểm cấp quyền khai thác tài nguyên nước với đối tượng này sẽ thu cùng thời điểm thu tiền sử dụng sản phẩm dịch vụ thủy lợi khi Nhà nước không thực hiện chính sách hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi theo quy định của pháp luật về thủy lợi và pháp luật về giá (khoản 4 Điều 86).

Còn đối với sản xuất nông nghiệp quy mô vừa và nhỏ, không thuộc đối tượng cấp phép thì dự thảo Luật quy định không phải nộp tiền cấp quyền khai thác sử dụng nước cho sản xuất nông nghiệp (khoản 2 Điều 69), bao gồm cả người nông dân trực tiếp khai thác nguồn nước mặt cho nông nghiệp; quy định giảm tiền cấp quyền đối với trường hợp “Khai thác nước cho sản xuất nông nghiệp trong thời gian xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm mặn” (điểm d khoản 4 Điều 69) và để thể hiện rõ chính sách thu tiền cấp quyền đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp như Chính phủ đã trình Quốc hội.

Báo cáo của UBTVQH cũng cho biết: Dự thảo Luật đã được rà soát, chỉnh lý, bổ sung quy định về đảm bảo cơ chế chính sách về tài chính cho các hoạt động phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm: Kinh phí phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm được bố trí từ ngân sách nhà nước, nguồn vốn sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp môi trường, đầu tư phát triển, quỹ bảo vệ môi trường, nguồn chi trả của đối tượng gây suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước, nguồn đóng góp khác của tổ chức, cá nhân tại khoản 5 Điều 34.

Khuyến khích các tổ chức tài chính phát triển tín dụng xanh, trái phiếu xanh và các sản phẩm tài chính để hỗ trợ cho hoạt động phục hồi nguồn nước tại khoản 4 Điều 72.

Xã hội hóa hoạt động phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm tại điểm a khoản 1 Điều 74 thông qua ưu đãi đầu tư và kêu gọi sự tham gia của xã hội thông qua việc bổ sung quy định về phục hồi nguồn nước theo hình thức đối tác công tư.

Luật bổ sung quy định tại khoản 1 Điều 34 Chương Bảo vệ và phục hồi nguồn nước bổ sung quy định về xây dựng kế hoạch, chương trình, đề án phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm; ưu tiên phục hồi “dòng sông chết” nhằm khôi phục nguồn nước, tạo dòng chảy, cải tạo cảnh quan môi trường sinh thái, trong đó kèm theo chương trình, đề án, dự án ưu tiên làm sống lại các dòng sông (như đang được bắt đầu với sông Bắc Hưng Hải, Nhuệ, Đáy thông qua xây dựng các đập dâng để tạo dòng chảy).

Ngoài các vấn đề nêu trên, UBTVQH đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra, Cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan rà soát, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện văn phong, kỹ thuật văn bản dự thảo Luật.

Quý Anh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load