Thứ ba 03/12/2024 09:08 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Bất động sản /

Luật Nhà ở (sửa đổi) có chất lượng tốt nhất trong hơn 30 năm qua

15:31 | 28/11/2023

(Xây dựng) - Đây là nhận định của Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) Lê Hoàng Châu đối với Luật Nhà ở (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua ngày 27/11 (sau đây gọi là Luật Nhà ở năm 2023). Ông Châu cho rằng: Về tổng thể, Luật rất tốt, rất tích cực, phù hợp thực tiễn, bảo đảm được tính đồng bộ, thống nhất của các quy định pháp luật.

Luật Nhà ở (sửa đổi) có chất lượng tốt nhất trong hơn 30 năm qua
Luật Nhà ở (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua ngày 27/11/2023.

“Có thể nhận xét là Luật Nhà ở (mới) có chất lượng tốt nhất trong hơn 30 năm qua, kể từ Pháp lệnh Nhà ở 1991, Luật Nhà ở 2005 và Luật Nhà ở 2014”, ông Châu nhấn mạnh. Vậy Luật Nhà ở năm 2023 có những nội dung quan trọng nào?

Bảo đảm được tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật

Khoản 3 Điều 36 Luật Nhà ở năm 2023 quy định: Trường hợp “chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại phải là doanh nghiệp kinh doanh bất động sản” và “được chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư làm chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại khi nhà đầu tư có quyền sử dụng đất thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất đối với loại đất được thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại hoặc đang có quyền sử dụng đất đối với loại đất được thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại theo quy định của Luật Đất đai”.

Ông Lê Hoàng Châu nhận định: Việc dẫn chiếu về Luật Đất đai là rất chính xác, bảo đảm được tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật và đã khắc phục được “bất cập” của điểm c khoản 2 Điều 22 và khoản 1, khoản 4 Điều 23 Luật Nhà ở 2014.

Luật Nhà ở (sửa đổi) có chất lượng tốt nhất trong hơn 30 năm qua
Ông Lê Hoàng Châu nhận định: Luật Nhà ở (sửa đổi) có chất lượng tốt nhất trong hơn 30 năm qua.

Quy định chặt chẽ đối với nhà ở nhiều tầng nhiều căn hộ của cá nhân để bán, cho thuê mua, cho thuê

Cũng theo ông Châu, về “phát triển nhà ở nhiều tầng nhiều căn hộ của cá nhân để bán, cho thuê mua, cho thuê”, Điều 57 Luật Nhà ở năm 2023 đã quy định rất chặt chẽ để đảm bảo năng lực của nhà đầu tư là cá nhân “phải đáp ứng điều kiện làm chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở, việc đầu tư xây dựng thực hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng và quy định khác của pháp luật có liên quan đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở”; phải chấp hành quy định của pháp luật về phòng cháy chữa cháy; việc bán, cho thuê, cho thuê mua phải thực hiện theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản…

Việc quản lý vận hành phải thực hiện theo Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư và đã quy định rõ trách nhiệm kiểm tra, thanh tra của UBND các cấp để vừa bảo đảm an toàn, vừa bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của cư dân sinh sống tại nhà ở nhiều tầng nhiều căn hộ của cá nhân, vừa tăng cường trách nhiệm của chính quyền địa phương…

Căn hộ quy định tại khoản 1 Điều này được cấp Giấy chứng nhận theo quy định của pháp luật về đất đai; Được bán, cho thuê mua, cho thuê theo quy định của Luật này, pháp luật về kinh doanh bất động sản.

Cá nhân có quyền sử dụng đất ở theo quy định tại khoản 3 Điều 54 của Luật này xây dựng nhà ở có từ 02 tầng trở lên và có quy mô dưới 20 căn hộ mà tại mỗi tầng có thiết kế, xây dựng căn hộ để cho thuê thì phải đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà ở nhiều tầng nhiều căn hộ của cá nhân theo quy định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng; Đáp ứng yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy theo quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy đối với nhà ở nhiều tầng nhiều căn hộ của cá nhân; Đáp ứng điều kiện theo quy định của UBND cấp tỉnh về đường giao thông để phương tiện chữa cháy thực hiện nhiệm vụ chữa cháy tại nơi có nhà ở nhiều tầng nhiều căn hộ của cá nhân.

Việc quản lý vận hành nhà ở quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều này được thực hiện theo Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành; UBND các cấp, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm kiểm tra, thanh tra việc đáp ứng yêu cầu, điều kiện quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều này; Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Không quy định “sở hữu nhà chung cư có thời hạn”, chỉ quy định “thời hạn sử dụng nhà chung cư”

Điều 58 Luật Nhà ở năm 2023 không quy định “sở hữu nhà chung cư có thời hạn” mà chỉ quy định “thời hạn sử dụng nhà chung cư”. Theo ông Châu, quy định này đáp ứng đúng tâm tư nguyện vọng và nhu cầu của các chủ sở hữu nhà chung cư.

Đồng thời, các quy định tại “Chương V. Cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư” vẫn có đầy đủ các cơ chế, chính sách, biện pháp để thực hiện việc “cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư” khi nhà chung cư đã hết “thời hạn sử dụng” hoặc bị xuống cấp hư hỏng nặng, nguy hiểm cho người sử dụng.

Luật hóa cơ chế ưu đãi để thực hiện dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư

Điều 63 Luật Nhà ở năm 2023 quy định “cơ chế ưu đãi để thực hiện dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư”, trong đó có cơ chế ưu đãi “được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với diện tích đất thuộc trường hợp phải nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trong phạm vi dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, bao gồm: Diện tích đất xây dựng nhà chung cư hiện hữu, nhà ở riêng lẻ hiện hữu (nếu có); Diện tích đất xây dựng công trình kinh doanh dịch vụ, thương mại, công trình công cộng; Diện tích đất có công trình hạ tầng kỹ thuật, giao thông, hạ tầng xã hội và công trình khác, kể cả diện tích đất có tài sản công thuộc phạm vi dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.

Ông Lê Hoàng Châu nhận định: Cơ chế ưu đãi “được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất” này là một chính sách rất quan trọng sẽ tạo điều kiện thu hút đầu tư và thúc đẩy thực hiện hiệu quả Chương trình cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư tại các đô thị, nhất là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Luật Nhà ở (sửa đổi) có chất lượng tốt nhất trong hơn 30 năm qua
Chính sách về nhà ở xã hội được quy định đồng bộ.

Quy định đồng bộ các cơ chế chính sách để phát triển NƠXH

Theo ông Châu, Chương VI Luật Nhà ở năm 2023 về “chính sách về NƠXH” đã quy định đồng bộ các cơ chế chính sách để phát triển NƠXH, trước hết là nhằm thực hiện “Chương trình phát triển tối thiểu 1 triệu căn NƠXH trong giai đoạn 2021-2030”.

Cụ thể, Khoản 5 Điều 77 Luật Nhà ở năm 2023 quy định: “Hỗ trợ cho vay vốn ưu đãi của Nhà nước thông qua Ngân hàng chính sách xã hội, tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định” để đối tượng được hưởng chính sách NƠXH “mua, thuê mua NƠXH hoặc tự xây dựng hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở” hoặc “để mua, thuê mua nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân”. Cho phép các “tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định” được thực hiện cho vay ưu đãi đối với các đối tượng được hưởng chính sách NƠXH “mua, thuê mua NƠXH”.

Điều 78 Luật Nhà ở năm 2023 quy định “Điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ về NƠXH” đã bãi bỏ “điều kiện cư trú”, hoặc giao cho Chính phủ quy định “điều kiện về thu nhập” đối với đối tượng được mua, thuê mua NƠXH, hoặc quy định “đối tượng thuê NƠXH thì không phải đáp ứng điều kiện về nhà ở và thu nhập”.

Ông Lê Hoàng Châu nhận định: Quy định này rất hợp tình hợp lý, phù hợp với thực tế dịch chuyển và thu hút lao động giữa các vùng miền, địa phương và phù hợp với tình hình thực tiễn trong từng thời kỳ.

Khoản 2 và khoản 3 Điều 83 Luật Nhà ở năm 2023 quy định: “Tại các đô thị loại đặc biệt, loại I, loại II và loại III, căn cứ quy định của Chính phủ, UBND cấp tỉnh quyết định việc chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại phải dành một phần diện tích đất ở trong dự án đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật để xây dựng NƠXH hoặc bố trí quỹ đất NƠXH đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật ở vị trí khác ngoài phạm vi dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại tại đô thị đó hoặc đóng tiền tương đương giá trị quỹ đất đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật để xây dựng NƠXH”.

Luật đồng thời quy định: “Đối với các đô thị không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, UBND cấp tỉnh căn cứ điều kiện của địa phương để quy định tiêu chí đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại mà chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại phải dành một phần diện tích đất ở trong dự án đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật để xây dựng NƠXH hoặc bố trí quỹ đất NƠXH đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật ở vị trí khác ngoài phạm vi dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại tại đô thị đó hoặc đóng tiền tương đương giá trị quỹ đất đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật để xây dựng NƠXH”.

Theo ông Châu, nội dung này là rất cần thiết, hợp tình hợp lý, nhằm để thực hiện chủ trương “xã hội hóa đầu tư”, huy động nguồn lực từ tất cả các chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại để tham gia phát triển NƠXH và đã khắc phục được các quy định “bất cập” hiện hành của Luật Nhà ở 2014 và Nghị định 100/2015/NĐ-CP, Nghị định 49/2021/NĐ-CP.

Khoản 2 Điều 85 Luật Nhà ở năm 2023 quy định: “Chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng NƠXH” không phải bằng vốn ngân sách nhà nước được hưởng các ưu đãi, như “Được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với toàn bộ diện tích đất của dự án; Được ưu đãi thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế; Được hưởng lợi nhuận định mức tối đa 10% tổng chi phí đầu tư xây dựng đối với phần diện tích xây dựng NƠXH; Được dành tỷ lệ tối đa 20% tổng diện tích đất ở trong phạm vi dự án đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật để đầu tư xây dựng công trình kinh doanh dịch vụ, thương mại, nhà ở thương mại.

Trường hợp phương án quy hoạch chi tiết của dự án đầu tư xây dựng NƠXH do cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt không bố trí quỹ đất riêng để xây dựng công trình kinh doanh dịch vụ, thương mại, nhà ở thương mại trong phạm vi dự án thì chủ đầu tư dự án được dành tỷ lệ tối đa 20% tổng diện tích sàn nhà ở của dự án để kinh doanh dịch vụ, thương mại.

Chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng NƠXH được hạch toán riêng, không được tính chi phí đầu tư xây dựng phần diện tích kinh doanh dịch vụ, thương mại này vào giá thành NƠXH và được hưởng toàn bộ lợi nhuận đối với phần diện tích kinh doanh dịch vụ, thương mại này; Được vay vốn với lãi suất ưu đãi; trường hợp xây dựng NƠXH để cho thuê thì được vay vốn với lãi suất thấp hơn và thời gian vay dài hơn so với trường hợp xây dựng NƠXH để bán, cho thuê mua theo quy định của Thủ tướng Chính phủ trong từng thời kỳ; Được UBND cấp tỉnh hỗ trợ thực hiện đấu nối hệ thống hạ tầng kỹ thuật của dự án với hệ thống hạ tầng kỹ thuật của khu vực, bảo đảm đồng bộ hạ tầng xã hội trong và ngoài phạm vi dự án”…

Ông Châu nhấn mạnh: Quy định này rất cần thiết, hợp tình hợp lý, tạo điều kiện để thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia phát triển NƠXH nhằm thực hiện Chương trình phát triển tối thiểu 1 triệu căn NƠXH trong giai đoạn 2021 - 2030.

Cũng theo ông Châu, Mục 3 và Mục 4 Chương VI Luật Nhà ở năm 2023 quy định “phát triển nhà lưu trú công nhân” và “phát triển nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân” đã bổ sung các cơ chế, chính sách rất quan trọng và thiết thực để giải quyết nhu cầu NƠXH cho công nhân, lao động, cán bộ, viên chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân viên của lực lượng vũ trang.

Luật Nhà ở (sửa đổi) có chất lượng tốt nhất trong hơn 30 năm qua
Luật Nhà ở (sửa đổi) bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của cư dân nhà chung cư.

Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của cư dân nhà chung cư

Khoản 3 Điều 64 Luật Nhà ở năm 2023 về “yêu cầu về quy hoạch cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư” quy định: “Căn cứ danh mục, địa điểm có nhà chung cư thuộc trường hợp phải phá dỡ để xây dựng lại theo quy định của Luật này, UBND cấp tỉnh quyết định giải pháp quy hoạch xây dựng lại cả khu chung cư hoặc giải pháp quy gom để thực hiện xây dựng lại một số nhà chung cư trên cùng địa bàn cấp xã, cấp huyện hoặc cấp huyện lân cận nhằm bảo đảm hiệu quả kinh tế - xã hội, môi trường, gắn với cải tạo, chỉnh trang đô thị”.

Việc “luật hóa” quy định của Nghị định 69/2021/NĐ-CP về “giải pháp quy gom để thực hiện xây dựng lại một số nhà chung cư trên cùng địa bàn cấp xã, cấp huyện hoặc cấp huyện lân cận” là rất cần thiết và phù hợp với nhu cầu và nguyện vọng của người dân muốn được tái định cư tại chỗ trên cùng địa bàn cấp xã, cấp huyện hoặc cấp huyện lân cận để phù hợp với cuộc sống và sinh kế của mình.

Điều 152, Điều 153 và Điều 154 Luật Nhà ở năm 2023 về “Kinh phí bảo trì; quản lý, bàn giao kinh phí bảo trì; cưỡng chế bàn giao kinh phí bảo trì của nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu” đã quy định chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở có trách nhiệm lập tài khoản “riêng” để quản lý kinh phí bảo trì và quy định chủ đầu tư không được sử dụng kinh phí bảo trì “vào bất kỳ mục đích nào khác khi chưa bàn giao kinh phí bảo trì cho Ban quản trị nhà chung cư”.

Luật đồng thời quy định trường hợp chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở không bàn giao kinh phí bảo trì thì Ban quản trị nhà chung cư có văn bản đề nghị UBND cấp huyện nơi có nhà chung cư yêu cầu chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở bàn giao kinh phí bảo trì.

UBND cấp huyện phải có văn bản yêu cầu chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở bàn giao kinh phí bảo trì cho Ban quản trị nhà chung cư và trong thời hạn 10 ngày. Kể từ ngày có văn bản của UBND cấp huyện mà chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở không bàn giao kinh phí bảo trì thì “UBND cấp huyện có trách nhiệm ban hành quyết định cưỡng chế và tổ chức thu hồi kinh phí bảo trì để bàn giao cho Ban quản trị nhà chung cư”.

Theo ông Châu, quy đinh này phù hợp với thực tiễn để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của cư dân nhà chung cư và tăng cường vai trò của UBND cấp huyện thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với tất cả nhà chung cư trên địa bàn, thay vì giao cho UBND cấp tỉnh thực hiện “cưỡng chế và tổ chức thu hồi kinh phí bảo trì” như quy định của Luật Nhà ở 2014.

Quý Anh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load