(Xây dựng) - Chặng đường dài gần 150km với liên tiếp các cua ngoặt khúc khuỷu từ cửa khẩu Na Mèo lên công trường xây dựng nhà máy thủy điện Nam Sam 3 khiến cả đoàn chúng tôi ai cũng cảm giác lắc lư như đang đi trên những cung đường cua tay áo ở Việt Nam. Nhưng sự mệt mỏi cũng nhanh chóng tan biến khi đoàn xe tiến qua cổng của công trường. Ngay sau barie có anh bảo vệ gác cổng là dáng vẻ tấp nập, sôi động bởi xe máy đi lại, những lớp bụi công trường tung lên sau mỗi chuyến xe qua.
Dù đã đi nhiều công trường xây dựng thủy điện, nhưng khi đến Nam Sam 3 tôi không khỏi ấn tượng khi dọc con đường trục chính các biển báo an toàn được dựng ở khu vực dễ nhìn. Nào là “An toàn là trên hết” hay “Mỗi ngày 5 phút cho 5S”… đã ngấm sâu vào ý thức của mỗi cán bộ công nhân viên tham gia thi công dự án. Nghe các cán bộ kỹ thuật của đơn vị tổng thầu thi công – Công ty Cổ phần SCI chia sẻ mới thấy hết những cố gắng của các anh để một công trường thi công “An toàn là số 1”.
Ngoài lực lượng các kỹ sư và công nhân lành nghề đã từng góp mặt ở khắp các dự án thủy điện lớn tại Việt Nam được xuất khẩu sang đây, công trường còn có một đội ngũ không nhỏ các bộ kỹ thuật và công nhân lao động người Lào. Rồi cả lực lượng công nhân đến từ Trung Quốc. Đơn vị tổng thầu không chỉ là đầu mối trong thi công mà còn là đầu mối về việc bảo đảm an toàn trong từng hạng mục.
Anh Nguyễn Doãn Thọ - kỹ sư an toàn của SCI chia sẻ: “Chúng tôi có một đội ngũ cán bộ kỹ thuật rất am hiểu về an toàn lao động, chính vì thế mà từ mỗi khâu nhỏ nhất của dây chuyền thi công đều được thực hiện nghiêm ngặt. Chẳng hạn khi các thiết bị cẩu vật liệu rời, đội ngũ điều khiển phải bảo đảm có các biện pháp chặt để không thể rơi. Hay đối với công tác quản lý điện, để chặn nguy cơ điện giật chúng tôi phải kiểm tra hàng ngày, làm việc với các bộ phận để có biện pháp phòng ngừa. Riêng đối với các bạn khác quốc tịch làm việc tại dự án, chúng tôi hàng ngày phải quán triệt các cán bộ quản lý để họ nhắc nhở người lao động trong mỗi ca làm việc. Nhờ có việc xây dựng hệ thống quản lý và áp dụng kế hoạch an toàn lao động của toàn công trường mà đến nay dự án đang dần về đích mà chưa có tai nạn lao động nào xảy ra”.
Lần đầu được vinh dự chọn làm tổng thầu một công trình lớn tại nước ngoài, Công ty SCI dường như được phát huy các sở trường của họ từ các dự án trong nước. Vẫn là các việc thân thuộc: Đào, đắp, bê tông ở một dự án thủy điện. Nhưng ở Nam Sam 3 sự khác biệt là vừa thi công vừa phải vượt qua đại dịch Covid. Không ít anh em trên công trường do điều kiện chống dịch đã có đến 3 năm không được về thăm nhà.
Ngay tại công trường chúng tôi được chứng kiến dãy nhà “Bệnh viện Covid dã chiến” do Công ty xây dựng để cách ly và điều trị cho cán bộ công nhân viên dự án. Kỹ sư trẻ Nguyễn Văn Tuấn, bật mí: Khi “Bệnh viện” được xây dựng đã được các cơ quan y tế của nước sở tại đến thăm quan và nghiệm thu đưa vào sử dụng. Tuy nhiên cũng rất may mắn là số lượng bệnh nhân vô cùng hiếm hoi. Thời điểm chúng tôi có mặt tại đây, các cơ quan chức năng vẫn rất nghiêm ngặt trong công tác chống dịch. Nếu như ở Việt Nam người nhập cảnh không còn phải cách ly y tế, thì tại Lào mỗi người nhập cảnh đều được cách ly một ngày sau khi test nhanh tại trung tâm y tế của huyện. Riêng việc di chuyển từ cửa khẩu lên huyện rồi lại vòng về công trường cũng mất vài trăm cây số.
Kỹ sư Nguyễn Văn Hiệp làm việc tại Công ty SCI E&C đang đảm nhận công việc giám sát thi công tại hầm gương 3 trên công trình thủy điện Nam Sam 3, khi biết chúng tôi từ Việt Nam sang, chàng trai quê xứ Thanh chia sẻ: “Vì đam mê những công trình xây dựng lớn nên việc có mặt tại tỉnh Houaphan ở nước bạn Lào chính là cơ hội để mình được trải nghiệm. Công việc hàng ngày cuốn theo từng khối đá, mạch nước ngầm và những vòm bê tông cũng làm cho mình vơi đi nỗi nhớ quê hương do dịch bệnh mà mình không về nước được”.
Hiệp luôn bận rộn kiểm tra việc thi công hầm mỗi sáng, tất bật với vật tư cần thiết cho thi công. Sau mỗi chiều trở về khu nhà ở, anh lại tiếp tục sắp xếp số liệu khối lượng hàng giờ để báo cáo công việc cho lãnh đạo dự án. Vì gương hầm thi công 3 ca liên tục nên có khi đã vào giấc ngủ, có vấn đề phát sinh đột xuất Hiệp vẫn phải phối hợp với nhà thầu phụ xử lý.
Gặp bất kỳ ai tại dự án này chúng tôi đều được nghe kể về những công việc hàng ngày gắn với tiến độ, chất lượng thi công như Hiệp, Tuấn, anh Thọ. Ở họ toát lên vẻ tự tin khi làm chủ một dự án lớn với quy mô trên địa bàn một đất nước còn nhiều nghèo khó như Lào.
Nói về sự khác biệt khi “Làm chủ” một dự án thủy điện tại nước ngoài, anh Lê Ngọc Vững - Giám đốc Ban điều hành dự án Nam Sam 3 tâm sự: “Cái khó nhất là vật tư, nguyên vật liệu thi công đều phải nhập từ Việt Nam sang. Giai đoạn căng thẳng bão giá và ảnh hưởng do Covid, công trường phải thi công chững lại. Tuy nhiên, chúng tôi luôn phải điều tiết cân đối cho các hạng mục để bảo đảm tiến độ đã cam kết với chủ đầu tư”.
Thăm công trường vào tháng tư này, chúng tôi vô cùng ngạc nhiên khi bắt gặp một khu vườn xanh tốt ngay dưới chân trạm trộn bê tông. Lấp loáng trong luống bầu đã bắt đầu đơm trái là hình dáng một bộ áo xanh công nhân đang tỉ mỉ nhặt lá úa. Anh chủ vườn là Bùi Viết Thắng - thợ lái máy xúc rất vui mừng khi lần đầu tiên vườn được đón anh chị em từ Việt Nam sang thăm. “ Ông chủ” vườn tự hào khi khoe các loại rau Việt được nhân giống và gieo trồng tại đây. Cứ nhìn vào các luống rau xanh mướt chẳng khác được trồng ở các trang trại rau hữu cơ ở Việt Nam mới thấy được tình yêu trồng trọt của các cán bộ công nhân trạm trộn. Vườn nhỏ không chỉ giúp anh Thắng và đồng nghiệp có thêm nhiều loại rau cải thiện bữa ăn mà còn là niềm vui các anh mong trở về chăm bón sau mỗi giờ làm.
Chia tay 500 anh em trên công trường thủy điện Nam Sam 3 khi mà nhiều người trong số họ đang có mặt tại con đập chính để hoàn thành chiến dịch thi đua hoàn thành đến cao trình 536m vào trước mùa mưa năm nay. Nhìn họ hối hả nhưng nhịp nhàng ở từng khâu, thảm dần từng lớp bê tông đầm lăn cho con đập cao dần mỗi ngày. Chúng tôi càng hiểu hơn vì sao chủ đầu tư chưa từng hợp tác với SCI lại lựa chọn họ làm tổng thầu EPC cho một dự án có quy mô lớn như Nam Sam 3!
Lê Mỹ
Theo