Chủ nhật 02/02/2025 05:10 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội / Hạ tầng

Thi công cao tốc Bắc - Nam đang gặp khó, lo ngại mốc về đích

21:17 | 13/07/2022

(Xây dựng) - Dự án cao tốc Bắc - Nam đang thi công giai đoạn 2017-2020 (giai đoạn 1) đã hoàn thành công tác bồi thường, đạt 100%, bàn giao 652,205/652,86km (đạt 99,9%), còn lại khoảng 0,655km (tại 03 dự án) dự kiến hoàn thành trong tháng 7/2022. Sản lượng trung bình đến nay đạt khoảng 42,8%, chậm khoảng 0,8% so với kế hoạch. Trong đó, 4 dự án yêu cầu hoàn thành năm 2022 gồm Mai Sơn - Quốc lộ 45, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây hiện đạt sản lượng trung bình 61,3% giá trị hợp đồng, chậm 1,7 so với kế hoạch.

thi cong cao toc bac nam dang gap kho lo ngai moc ve dich
Dự án được giao cho các nhà thầu uy tín và tập trung để bảo đảm tiến độ.

Chủ đầu tư và các nhà thầu đang gồng mình chịu lỗ

Được sự quan tâm, chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải và các Ban quản lý dự án (QLDA), các nhà thầu được lựa chọn và ký hợp đồng thực hiện các Gói thầu xây lắp, dự án BOT thuộc các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam, nhánh phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, đã khởi công từ quý IV/2019, với thời hạn hoàn thành trong năm 2022 và quý II/2023.

Ngay sau khi khởi công, các nhà thầu đã tập trung huy động tối đa nhân lực, máy móc thiết bị, vật tư để thi công theo tiến độ trong hợp đồng. Tuy nhiên, nhà thầu đã gặp rất nhiều khó khăn khách quan ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện hợp đồng. Điển hình là tình hình dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, Chính phủ và các địa phương thực hiện các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt, thực thi giãn cách xã hội và chỉ cơ bản được kiểm soát, nới lỏng các biện pháp chống dịch sau khi đã bao phủ vaccine đạt trạng thái bình thường mới từ khoảng cuối quý I/2022 đến nay.

Trong suốt thời gian trước đó đã gây rất nhiều khó khăn cho các nhà thầu trong công tác huy động vật tư, thiết bị, nhân lực, vừa thi công vừa phải đảm bảo các biện pháp chống dịch, thi công trong điều kiện giãn cách xã hội, không phát huy hết công suất thiết bị, giảm hiệu quả thi công đồng thời phát sinh rất nhiều chi phí khác (chi phí xét nghiệm, đơn giá thuê nhân công tăng cao, tiền hỗ trợ nhân công trong thời gian cách ly…).

Khan hiếm nguồn cung cấp vật liệu chủ yếu

Ngay sau khi khởi công, nhà thầu tập trung triển khai công tác thi công các đoạn đào nền đường, tận dụng điều phối dọc cho các đoạn nền đắp. Nhưng sau khi đã tận dụng hết khối lượng đất đào điều phối, nhà thầu đối diện với tình trạng khó khăn về nguồn cung đất đắp. Chậm trễ trong công tác thi công nền đắp, khiến máy móc thiết bị thi công của nhà thầu đã huy động không phát huy công suất, chờ việc, gây lãng phí, tốn kém rất lớn, đồng thời kéo dài thời gian chờ lún đối với các đoạn xử lý nền đất yếu.

Nguyên nhân là do trong bước lập Hồ sơ thiết kế kỹ thuật (TKKT), cơ quan Tư vấn khảo sát và đưa vào Hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng rất nhiều mỏ chưa có Giấy phép khai thác mà mới chỉ nằm trong Quy hoạch khai thác của địa phương, thậm chí mới chỉ có trong định hướng quy hoạch khai thác. Trong khi, thủ tục để xin cấp phép khai thác mỏ vật liệu san lấp thông thường theo quy định của Luật Khoáng sản, phải qua 9 bước, với thời gian nhanh nhất từ 12 - 15 tháng. Một số mỏ có Giấy phép khai thác, nhưng trữ lượng thấp, công suất khai thác hạn chế, cự ly rất xa công trường, chất lượng không đạt yêu cầu sử dụng thi công công trình cao tốc. Rất nhiều mỏ đất, đá cho cấp phối đá dăm, đá cốt liệu bê tông nhựa muốn sử dụng phải chọn lọc vật liệu, gia công lại sản phẩm đầu ra mới có thể đáp ứng yêu cầu kỹ thuật dự án. Nhà thầu phải khảo sát và bổ sung nhiều mỏ mới cách xa công trường, bất lợi về cự ly, đẩy giá vật liệu tại chân công trường lên rất cao (Gói thầu 3XL đoạn Phan Thiết - Dầu Giây thi công trên địa bàn huyện Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Long Khánh, tỉnh Đồng Nai nhưng phải mua đá sản xuất BTN mỏ Núi Sò, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với cự ly vận chuyển về công trường khoảng 80km). Các gói thầu đồng loạt triển khai thi công, nhu cầu lớn trong khi nguồn cung cấp có hạn trước đây chỉ cấp cho nhu cầu xây dựng khối lượng nhỏ trên địa bàn.

Những khó khăn về nguồn cung đất đắp chỉ được tháo gỡ một phần, sau khi Chính phủ ban hành cơ chế đặc thù khai thác mỏ đất san lấp phục vụ cao tốc Bắc - Nam tại các Nghị quyết số 60/NQ-CP ngày 16/6/2021 và Nghị quyết số 133/NQ-CP ngày 19/10/2021 (rút ngắn thủ tục không thông qua đấu giá quyền khai thác, đơn giản hóa thủ tục nâng công suất, cấp Giấy phép khai thác cho nhà thầu). Thực hiện theo các Nghị quyết này, rút ngắn thủ tục hành chính từ 1 - 2 tháng.

Thực tế cho đến cuối quý I và đầu quý II/2022 (sau gần 9 tháng kể từ khi khởi công), các mỏ đất đắp mới được cấp phép cho nhà thầu khai thác phục vụ thi công cao tốc Bắc - Nam. Tuy nhiên, sau khi các mỏ vật liệu được cấp Giấy phép khai thác vẫn gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các thủ tục thuê đất, giao đất cho chủ mỏ để có thể tiến hành khai thác vật liệu (một số mỏ đất đã được cấp phép khai thác, nhưng vẫn chưa xong thủ tục để khai thác đất).

Ngoài ra, việc đồng thời triển khai thi công các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam, với khối lượng lớn, trong thời gian ngắn, cũng dẫn tới tình trạng nguồn cung không đáp ứng nhu cầu đối với các loại vật liệu chủ yếu khác. Do các mỏ vật liệu, bãi tập kết trước đây chỉ sản xuất đáp ứng cho nhu cầu xây dựng các công trình có khối lượng nhỏ, rải rác trên phạm vi của địa phương.

Từ ngày 20/6/2022, lực lượng Cảnh sát giao thông trên toàn quốc đã đồng loạt ra quân xử lý vi phạm tải trọng, cơi nới thành thùng khiến phí vận chuyển tăng chóng mặt. Các chủ mỏ, nhà xe chấp nhận dừng hoạt động, đe dọa đến tiến độ của dự án thời điểm này.

Lê Mỹ

Theo

Cùng chuyên mục
  • Cầu dây văng của người Việt

    (Xây dựng) - Hơn 1 năm sau ngày cầu Mỹ Thuận 2 chính thức đưa vào sử dụng kết nối đồng bộ tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ; đến nay, lần lượt cầu Rạch Miễu 2 rồi cầu Đại Ngãi được xây dựng trong niềm tự hào của người dân Việt Nam, vì cầu do chính người Việt thiết kế, thi công, giám sát…

  • Vĩnh Phúc: Ngành Giao thông góp phần thu hút đầu tư, phát triển kinh tế

    (Xây dựng) – Trong những năm qua, kinh tế - xã hội tỉnh Vĩnh Phúc đã có nhiều bước tiến mạnh mẽ, thu hút các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước hợp tác đầu tư, đời sống người dân được cải thiện và nâng cao về mọi mặt. Đóng góp vào đổi thay ấy có sự góp sức của ngành Giao thông, giao thông đi trước, mở đường tạo đà cho thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

  • Hai chủ trương một quyết sách

    Hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc trong năm 2025 và thông qua dự án đầu tư đường sắt tốc độ cao trục Bắc Nam là hai chủ trương đột phá để thực hiện một quyết sách mở đường cho Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

  • Đón Tết, mừng Xuân trên công trường các dự án giao thông trọng điểm

    Những ngày Tết Ất Tỵ, trong khi các gia đình đang sum vầy bên mâm cơm cuối năm thì các công nhân ngành giao thông vẫn đang tranh thủ thời tiết thuận lợi, bám trụ công trường tiếp tục miệt mài thi công đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

  • Nhộn nhịp trên công trình nhà ga T3 vẫn làm xuyên Tết

    (Xây dựng) – Thời tiết những ngày cuối năm Giáp Thìn tại Thành phố mang tên Bác trở lên mát mẻ lạ thường, người dân tấp nập sắm sửa đón Tết Ất Tỵ 2025 hoặc trở về quê sum họp cùng gia đình. Thế nhưng, tại công trường nhà ga hàng khách T3 – Sân bay Tân Sơn Nhất, không khí hối hả tập nập ấy được thay bằng không khí thi công rầm rộ với tinh thần “vượt nắng thắng mưa” làm xuyên Tết chuẩn bị cho ngày về đích vào dịp 30/4/2025.

  • Chính sách mới tạo đột phá trong xây dựng hạ tầng và quản lý đường bộ

    Luật Đường bộ năm 2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025 thay thế Luật Giao thông đường bộ năm 2008 nhằm thể chế hoá các chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước trong việc phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đường bộ, phát triển vận tải đường bộ nhằm đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load