Thứ năm 25/04/2024 05:44 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Thấy gì sau Kết luận Thanh tra về vi phạm quy hoạch dọc tuyến đường Lê Văn Lương?

09:47 | 24/06/2022

(Xây dựng) - Qua Kết luận Thanh tra số 39/KL-TTr ngày 17/5/2022 của Thanh tra Bộ Xây dựng, cần làm rõ mức độ vi phạm đến đâu và trách nhiệm thuộc về ai.

thay gi sau ket luan thanh tra ve vi pham quy hoach doc tuyen duong le van luong
Hàng loạt sai phạm trong quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch, quản lý xây dựng theo quy hoạch tại khu vực 2 bên tuyến đường Lê Văn Lương, Tố Hữu, Nguyễn Thanh Bình, khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính.

Vừa qua, Thanh tra Bộ Xây dựng đã ban hành Kết luận Thanh tra số 39/KL-TTr về việc Thanh tra Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội (QH-KT Hà Nội), Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội, chủ đầu tư dự án, công trình, tổ chức, cá nhân có liên quan trong công tác quy hoạch xây dựng (QHXD), điều chỉnh QHXD, quản lý xây dựng theo quy hoạch được duyệt tại khu vực hai bên tuyến đường Lê Văn Lương, Tố Hữu, Nguyễn Thanh Bình, khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính.

Cần làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân

Kết luận Thanh tra đã chỉ rõ hàng loạt sai phạm trong công tác điều chỉnh QHXD, quản lý xây dựng theo quy hoạch được duyệt tại hầu hết công trình thuộc khu vực này. Theo đó, các dự án được lập, chấp thuận tổng mặt bằng, phương án kiến trúc (TMB, PAKT) tỷ lệ 1/500, rồi điều chỉnh, điều chỉnh nhiều lần (có dự án 5 lần điều chỉnh) nhưng không được công bố công khai minh bạch, dẫn đến tổ chức, cá nhân có trách nhiệm trong quản lý đô thị không biết để quản lý, giám sát thực hiện theo quy định của Luật Xây dựng 2003, Luật Xây dựng 2014, Luật Quy hoạch đô thị 2009.

Đã có ý kiến phê phán, trái chiều hoặc chưa hiểu rõ xung quanh nội dung Kết luận này. Có ý kiến cho rằng để xảy ra sai phạm như vậy là do công tác lập quy hoạch và quản lý quy hoạch yếu kém, đặc biệt là việc cấp giấy phép xây dựng.

Về vấn đề này, chúng tôi thấy cần làm rõ từng khâu, từng việc để thấy rõ trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân.

Để một đồ án QHXD được cấp có thẩm quyền phê duyệt, cần có tổ chức tư vấn (trong nước, ngoài nước) đủ năng lực thực hiện theo quy định. Trong quá trình lập quy hoạch, cơ quan tổ chức lập quy hoạch đô thị có trách nhiệm lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư có liên quan về nhiệm vụ và đồ án quy hoạch đô thị. Đồ án quy hoạch đô thị phải được thông qua hội đồng thẩm định và phê duyệt theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị 2009, Luật Xây dựng 2014.

Nếu đánh giá quy hoạch không đạt yêu cầu về chất lượng, do năng lực của tổ chức tư vấn thì chưa đúng. Bởi pháp luật về quy hoạch đô thị đã quy định rõ về trình tự, nội dung lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ và đồ án quy hoạch. Một đồ án quy hoạch được nhiều cấp thông qua như vậy, có thể chưa thật tốt, nhưng cũng đánh giá được thực trạng về đô thị, định hướng các khu chức năng đô thị, mật độ và tầng cao xây dựng cho từng khu vực…

Nếu thực hiện được như đúng quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt thì chắc chắn sẽ hạn chế tối đa tình trạng ngập lụt, ách tắc giao thông, bộ mặt đô thị “nham nhở” và các hậu quả tiêu cực như hiện nay.

Vấn đề chính ở đây là khi thực hiện quy hoạch tại Thủ đô, lại có sự cho phép điều chỉnh (theo hướng tăng hệ số sử dụng đất về mật độ, tầng cao, hoặc quy hoạch đó làm “băm nát” tổng thể quy hoạch đã có…), thì nguyên nhân chính là do người có thẩm quyền chịu trách nhiệm của UBND thành phố trong việc phê duyệt điều chỉnh QHXD và các cơ quan tham mưu điều chỉnh quy hoạch (Sở QH-KT), sau đó mới là cơ quan cấp phép xây dựng.

thay gi sau ket luan thanh tra ve vi pham quy hoach doc tuyen duong le van luong
Thanh tra Bộ Xây dựng chỉ rõ, việc điều chỉnh quy hoạch sai quy định dẫn đến tình trạng tăng dân số, chỉ tiêu quy hoạch không đảm bảo QCXDVN, thiếu đất giáo dục, trường học, thiếu diện tích cây xanh.

Thông thường, một quy hoạch được duyệt phải qua rất nhiều thời gian, thậm chí kéo dài vài năm. Nhưng khi điều chỉnh quy hoạch lại chỉ có một, hai cơ quan, thậm chí một, hai người quyết định điều chỉnh. Như điều chỉnh 1 lô đất của một dự án đầu tư xây dựng công trình như trong Kết luận Thanh tra, qua đó chúng ta thấy chỉ cần tờ trình xin ý kiến của Sở QH-KT về việc điều chỉnh quy hoạch, sau đó được một lãnh đạo của UBND Thành phố đồng ý, bằng một văn bản do văn phòng UBND ký với nội dung là: “Thông báo ý kiến của Phó Chủ tịch… đồng ý với nội dung đề xuất của Sở QH-KT và giao cho Sở QH-KT hướng dẫn chủ đầu tư và ký xác nhận tổng mặt bằng”.

Cũng cần nói thêm, đây là một loại thủ tục văn bản không có trong quy định của pháp luật về điều chỉnh quy hoạch mà do UBND Thành phố Hà Nội đặt ra. Pháp luật cũng không quy định việc “xác nhận tổng mặt bằng...”. Chính vì những thủ tục hành chính “tự đặt” ra vì vậy chỉ cần một cá nhân hoặc vài cá nhân đã quyết định thay đổi một quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Theo pháp luật quy định thì người có thẩm quyền ký phê duyệt quy hoạch thì người đó ký phê duyệt điều chỉnh quy hoạch. Trình tự, thủ tục điều chỉnh quy hoạch được thực hiện như việc phê duyệt một quy hoạch mới.

Được biết, tại Điều 52 Luật Quy hoạch đô thị 2009, về quy định điều chỉnh một lô đất, tuy nhiên, chính việc lợi dụng các sơ hở của điều luật này, đã chia những mảnh đất lớn thành nhiều mảnh đất nhỏ để thực hiện điều chỉnh quy hoạch và việc này đã “băm nát” quy hoạch thành phố.

Chúng tôi cho rằng, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần xem xét lại điều luật này, nếu không một lúc nào đó, sẽ có việc chia nhỏ một công viên (ví dụ như Công viên Thống Nhất) để thực hiện điều chỉnh cũng như việc đã chia nhỏ những tuyến đường trong Kết luận Thanh tra thành từng lô đất, dự án để thực hiện điều chỉnh.

Việc bỏ qua quy trình điều chỉnh quy hoạch theo quy định, để ban hành những văn bản có tính chất điều chỉnh quy hoạch mà chỉ trong phạm vi một lãnh đạo UBND Thành phố và Sở QH-KT thì trách nhiệm đã rõ ràng. Việc cấp giấy phép xây dựng là khâu cuối cùng sau khi các văn bản điều chỉnh quy hoạch đã thực hiện xong.

Ngày 26/7/2011, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn 2050, với định hướng ưu tiên cụ thể về phát triển không gian đô thị như nâng cấp không gian xanh hiện có, ưu tiên xây mới và hoàn thiện các công viên, vườn hoa; xây dựng công viên giải trí và chuyên đề như: Công viên lịch sử Cổ Loa; vườn thú, Công viên Thống Nhất… Về định hướng phát triển nhà ở: Khu vực nội đô, cải thiện điều kiện sống trong các khu ở, khu chung cư cũ, kiểm soát về mật độ xây dựng và tầng cao, bổ sung thêm các chức năng công cộng, cây xanh và hạ tầng kỹ thuật. Và những nội dung này cũng đã được đưa vào trong đồ án quy hoạch.

Nhưng quá trình thực hiện, nếu thực hiện việc rà soát cụ thể theo tình hình hiện nay thì hầu hết các quy hoạch này đã bị phá bỏ; chẳng hạn các khu công nghiệp nằm trong nội ô khi chuyển ra ngoại ô thì hầu hết các lô đất này đều biến thành những khu nhà ở cao tầng với mật độ dân rất cao, phá vỡ quy hoạch.

Như vậy, không thể chỉ nói chung chung trách nhiệm của UBND Thành phố Hà Nội, Sở QH-KT mà phải nói rõ trách nhiệm của cá nhân trong từng văn bản điều chỉnh để các cơ quan có thẩm quyền xử lý một cách công bằng, minh bạch.

Có hay không lợi ích nhóm?

Điểm dễ nhận thấy là sai phạm trong công tác điều chỉnh quy hoạch hầu hết để lại hệ quả nghiêm trọng, khó khắc phục. Việc làm này mang lại lợi ích chính cho chủ đầu tư. Liệu đây có lợi ích nhóm hay lợi ích cá nhân không? Cần làm rõ như vậy mới quy kết được trách nhiệm và khắc phục được tình trạng này. Qua đó mới nâng cao trách nhiệm của người có thẩm quyền được pháp luật giao trong công tác quản lý đô thị. Nếu không, dù có mở rộng Thành phố Hà Nội đến bao nhiêu vành đai nữa, thì tình trạng như hiện nay vẫn tiếp tục xảy ra.

Để làm rõ những vấn đề nêu trên, có thể kể lấy ví dụ điển hình là dự án Dịch vụ thương mại, công cộng nhà ở và nhà trẻ tại phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Thành phố Hà Nội. Trong khi đó, theo quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, hai bên đường Láng Hạ - Thanh Xuân (nay là đường Lê Văn Lương) phê duyệt năm 2002, ô đất 4.1-CC là đất công cộng, thành phố, tầng cao 18,5 tầng, mật độ 53%.

Tại dự án này, Kết luận Thanh tra cho biết, UBND Thành phố Hà Nội điều chỉnh 1 lần, Sở QH-KT điều chỉnh quy hoạch 4 lần sai quy định pháp luật, đã điều chỉnh từ công cộng thành phố thành dịch vụ công cộng và văn phòng, nhà ở rồi thành dịch vụ thương mại, công cộng nhà ở và nhà trẻ, tăng tầng cao từ trung bình 18,5 tầng thành 35 tầng, mật độ từ 53% lên 56%, tăng dân số lên 3.072 người.

Ngày 05/4/2005, UBND Thành phố Hà Nội có Quyết định số 43/2005/QĐ-UB phê duyệt điều chỉnh từ đất công cộng thành đất hỗn hợp, mật độ 35%, khối đế cao 5 tầng chức năng dịch vụ công cộng và văn phòng, khối tháp cao 32 tầng.

Tiếp đó, ngày 16/4/2012, Sở QH-KT Hà Nội cấp GPQH số 116/GPQH điều chỉnh dịch vụ công cộng và văn phòng, nhà ở tầng cao từ 32 tầng, mật độ xây dựng 35% thành dịch vụ công cộng, nhà trẻ, nhà ở tầng cao 35 tầng, mật độ xây dựng 56%, là điều chỉnh không tính toán sự đáp ứng của hạ tầng.

Ngày 05/6/2012, Sở QH-KT chấp thuận TMB, PAKT tại Văn bản số 1519/QHKT-P2 điều chỉnh mật độ xây dựng từ 56% (GPQH số 116/GPQH ngày 16/4/2012) thành 56,8%. Ngày 20/10/2014, Sở QH-KT chấp thuận điều chỉnh từ 509 căn thành 662 căn hộ, là điều chỉnh quy hoạch vượt thẩm quyền.

Ngày 09/02/2015, Sở QH-KT tiếp tục có Văn bản số 601/QHKT-PAKT(P8) chấp thuận PAKT số căn hộ từ 662 căn thành 680 căn, dân số 3.072 người, là tiếp tục điều chỉnh quy hoạch vượt thẩm quyền.

Tất cả những văn bản về việc điều chỉnh nêu trên là do Sở QH-KT thực hiện (Giám đốc Sở QH-KT Nguyễn Văn Hải ký).

Qua dự án trên cho thấy, từ những loại văn bản hành chính do UBND Thành phố Hà Nội “đặt ra” đã dẫn đến việc tạo điều kiện cho một cá nhân, một cấp Sở đã vi phạm pháp luật trong việc ban hành các văn bản điều chỉnh quy hoạch (trái thẩm quyền). Tình trạng này đã diễn ra nhiều năm, cũng đã được một số cơ quan ngôn luận cảnh báo nhưng hầu như vẫn tái diễn cho đến một vài năm gần đây.

Đã đến lúc các cơ quan chức năng phải vào cuộc làm rõ để chấm dứt tình trạng này. Đây không những là bài học cho UBND Thành phố Hà Nội trong công tác quản lý QHXD, điều chỉnh QHXD, quản lý xây dựng theo quy hoạch được duyệt mà còn là bài học cho các đô thị trên toàn quốc.

Bên cạnh đó, công tác quản lý quy hoạch cần phải chặt chẽ, quy định pháp luật về điều chỉnh quy hoạch cần chi tiết, cụ thể hơn. Đồng thời các cấp chính quyền cần quan tâm, chú trọng hơn nữa chất lượng trong việc công khai quy hoạch để người dân biết, thực hiện và giám sát giúp hạn chế việc phá vỡ quy hoạch và gây ra những hệ lụy như ngày hôm nay.

Rất nhiều độc giả Báo điện tử Xây dựng cho rằng, phải coi việc điều chỉnh QHXD trái thẩm quyền, sai quy trình gây hậu quả nghiêm trọng đến đời sống văn hóa, kinh tế, xã hội Thủ đô là một tội hình sự và phải được xử lý theo quy định pháp luật.

Lê Nhi

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load