(Xây dựng) - Tole bao quanh những khu đất trống rộng vài hecta, cỏ mọc um tùm, nhà tạm bợ, đường lởm chởm đá… Đó là những gì có thể thấy khi đi dọc tuyến đường Tam Bình, phường Tam Phú, thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh, nơi đã được quy hoạch làm công viên cách đây hơn 10 năm.
Khu công viên văn hóa thể dục thể thao Tam Phú đã được quy hoạch 13 năm nhưng chưa thực hiện. |
Công viên hàng chục năm nằm trên giấy
“Đáp ứng nguyện vọng cần xây dựng công viên văn hóa, nghỉ ngơi, trong đó bao gồm cả bộ phận cho thiếu nhi và thể thao, phục vụ sinh hoạt văn hóa, nghỉ ngơi, giải trí cho đông đảo quần chúng địa phương cũng như các khu vực lân cận”, đó là một trong những lý do phải lập quy hoạch được nêu trong Quyết định số 1622/2008/QĐ-UBND ngày 20/08/2008 của UBND quận Thủ Đức về việc phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tỷ lệ 1/2000 khu công viên văn hóa, thể dục thể thao phường Tam Phú.
Sau Quyết định này, 125,92ha đất của người dân trở thành công viên. Theo đồ án quy hoạch, khu công viên được quy hoạch với hai khu chức năng, gồm khu Động: Các công trình như khu thiếu nhi, khu thể dục thể thao, khu vui chơi giải trí, khu văn hóa triển lãm, khu phục vụ và quản lý công viên. Khu Tĩnh gồm: Khu vườn tượng, khu sản xuất tượng trưng của những người thợ thủ công, quảng trường màu sắc, không gian mặt nước và cây xanh.
Ngày quy hoạch được công bố, được người dân đón chào với nhiều tâm trạng, lo vì không biết cuộc sống ra sao sau khi đất bị thu hồi, mừng vì tương lai sẽ có không gian đẹp, sạch sẽ. Thế nhưng sau 13 năm, cả khu đất rộng lớn ngày càng hoang hóa, nhếch nhác, đời sống của người dân có đất quy hoạch lâm vào cảnh ngày càng khó khăn hơn.
Theo nhiều người dân sống lâu năm ở đây cho biết quy hoạch đã có từ trước năm 2000, nhưng cứ dùng dằng, mãi đến năm 2008 mới được công bố. Từ cái ngày công bố quy hoạch, cây xanh cảnh quan đâu không thấy, chỉ thấy những căn nhà tạm bợ, cũ kỹ nằm lọt thỏm giữa khu đất um tùm cỏ. Nhiều khu đất rộng được chủ đất dùng làm bãi xe, bãi chứa vật liệu xây dựng tạm bợ. Nhiều căn nhà tạm bợ nằm chơ vơ trên những bãi đất trống, xen lẫn giữa những ao tù. Hạ tầng cơ sở, hạ tầng xã hội trong khu quy hoạch không có nên mảnh đất cả ngàn m2 trong hẻm 56, đang được cho thuê lại với giá rẻ mạt.
Nhiều người dân ngán ngẩm khi so sánh mức sống của khu dân cư sát bên không nằm trong quy hoạch. “Giá thuê một căn trọ 20m2 ở khu không bị quy hoạch thấp nhất cũng hơn 1 triệu đồng/tháng, còn tụi tôi cho thuê cả 100m2 đất, ráng lắm cũng chỉ cho thuê được khoảng 7 triệu/năm…thiệt hại đủ đường mà chẳng biết nói ai…” ông Sáu Bửng, một người dân có đất trong khu quy hoạch, nói vậy.
Trong con hẻm nhỏ trên đường Tam Bình, phường Tam Phú một người dân từ nơi khác đến đây thuê 1.300m2 đất để giữ mai, cho biết, mỗi năm tiền thuê đất là 20 triệu đồng, ước tính giá thuê khoảng 15.000đ/m2/năm. Mức giá thuê đất nằm trong quy hoạch ở đây có lẽ là mức giá rẻ nhất tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Mong một lối ra
Nằm dọc trên đường Tam Bình, phường Tam Phú, thành phố Thủ Đức (quận Thủ Đức cũ), con hẻm dài khoảng 500m nhưng nửa đoạn đường 2 bên tole bao kín, tiếp đến là những bãi đất bỏ trống nằm xen vài căn nhà nhỏ vách tole. Tìm đến nhà anh Nguyễn Văn Si, 49 tuổi, ngôi nhà nhỏ trong con hẻm chỉ đủ cho chiếc xe máy đi lọt. Cả con hẻm dài hàng trăm mét, chỉ có gần 10 căn nhà. Căn nhà là nơi sinh sống của gia đình 4 người.
Khu đất bị hoang hóa. |
Không có điều kiện nên anh Si chấp nhận đến đây mua căn nhà có sổ chung với nhiều người. “7 năm sống ở đây tôi chưa nghe khi nào thực hiện công viên. Giờ tới đâu hay tới đó, nếu Nhà nước có làm thì thông báo sớm cho dân biết để còn chuẩn bị tìm một nơi phù hợp với khả năng của mình để sống, còn không làm thì “mở cửa” cho người dân làm Giấy chủ quyền nhà đất và tập trung làm ăn kiếm sống. Tôi có đi hỏi quy hoạch này bao lâu nhưng không ai trả lời được, thế là đành im lặng đi về”, anh Si chia sẻ.
Không riêng gì anh Si mà đây cũng là mong ước của người dân có đất trong quy hoạch khu công viên văn hóa thể dục thể thao Tam Phú. Ông Phan Thanh Liêm, 81 tuổi, sống tại hẻm 41 đường Tam Bình, phường Tam Phú, bộc bạch “về đây mua đất từ năm 2003, đến năm 2006 tôi cất nhà nhưng từ đó đến nay vẫn chưa làm được Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chỉ vì cái quy hoạch. Có sống trong khu bị quy hoạch mới thấu hiểu được cái khó cái khổ của dân. Không biết ngày nào mới tháo được cái “ách” này”.
Gia đình ông Nguyễn Văn Nhanh, 67 tuổi có 3 đời sống tại hẻm 56, đường Tam Bình, phường Tam Phú. Đất của gia đình ông có hơn 400m2 đất nằm trong quy hoạch công viên văn hóa thể dục thể thao Tam Phú, “quy hoạch lâu lắm rồi… giờ có nhà có đất nhưng muốn làm gì cũng không được, nhà thì hư chỗ nào vá chỗ đó còn đất thì không xin chuyển mục đích sử dụng được nên phải để không, không sinh lợi. Chỉ mong Nhà nước khi nào làm thì thu hồi nhưng nếu chưa làm thì có chủ trương nào đó giúp cho dân, tạo cơ hội cho dân kiếm thu nhập ngay trên mảnh đất của mình, như bây giờ đất bỏ hoang, dân thì khổ buồn lắm”, ông Nhanh tâm sự.
Điều ông Nhanh trăn trở cũng là nỗi niềm chung của hàng trăm gia đình có đất nằm trong quy hoạch công viên này. Ông Tư, người dân có đất bị quy hoạch, thấp thỏm: “Giá đất đang tăng cao ngất ngưởng còn giá đền bù thì rẻ, giờ mà làm công viên không biết tiền đền bù có đủ mua căn nhà nhỏ… Giờ sống thì phải sống, không biết bao giờ thực hiện quy hoạch, không biết lúc nào mình phải đi nơi khác… Lúc nào cũng thấp thỏm lo lắng tương lai sẽ thế nào”.
Những căn nhà tạm bợ trên đất quy hoạch. |
Giữa cái nắng gay gắt, bà cụ Châu Thị Mỹ Linh, 74 tuổi, nằm co ro trong căn chòi được che bằng vài tấm bạt, xung quanh là đống đổ nát. Cách đây hơn 3 năm, bà tìm đến khu quy hoạch này mua nhà xây sẵn vì giá rẻ, chấp nhận ở tạm khi nào Nhà nước thực hiện quy hoạch thì bà sẽ di dời. Nhưng ngặt là căn nhà bà mua là nhà xây không phép, buộc tháo dỡ mà bà không biết. Đến giữa năm 2020, sau khi thực hiện biện pháp cưỡng chế, nhà không còn, bà che tạm tấm bạt trên nền đất cũ bán tạp hóa để kiếm sống, còn người chồng bại liệt và hai đứa cháu nhỏ thuê phòng trọ ở tạm. “Thấy có nhà thì mua, đâu biết nhà xây không phép. Mua bán không đủ tiền trang trải nhà trọ, tôi lên xin cất căn nhà nhỏ ở tạm, khi nào Nhà nước thực hiện quy hoạch thì tôi đi nhưng không được… Giờ thì lay lất đến đâu hay đến đó thôi”, bà Linh nấc nghẹn.
Quy hoạch nhiều năm không thực hiện, tài nguyên đất bị hoang hóa, cuối cùng chỉ có người dân phải gánh cái khó. Lối ra cho người dân khi nào mở?
Tâm Bút
Theo