Thứ năm 18/04/2024 12:07 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Thanh Hóa: Xử phạt hơn 1 tỷ đồng các doanh nghiệp xả thải ra sông Mã

23:02 | 19/07/2021

(Xây dựng) - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang vừa ký ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các doanh nghiệp sản xuất vàng mã, bột giấy, tăm đũa tre có các nhà máy đặt dọc sông Mã đoạn qua huyện Bá Thước và Quan Hóa với tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng.

thanh hoa xu phat hon 1 ty dong cac doanh nghiep xa thai ra song ma
Cá trên sông Mã chết bất thường gây thiệt hại lớn cho người nuôi cá lồng.

Theo quyết định xử phạt, các cơ sở này bị phát hiện nhiều vi phạm như: Lắp đặt máy bơm xả thải chưa qua xử lý ra sông Mã; không lưu chất thải rắn, xây dựng nhà xưởng trái quy định, không có hợp đồng xử lý chất thải... Ngoài xử phạt hành chính, các cơ sở bị dừng hoạt động 30 - 90 ngày, buộc khắc phục lỗi vi phạm mới được cho hoạt động trở lại.

Các cơ sở có hành vi xả thải khiến sông Mã bị ô nhiễm bị xử phạt gồm: Hợp tác xã chế biến lâm sản Quan Hóa (bị phạt 175 triệu đồng); Hợp tác xã Hà Long (300 triệu đồng); Hợp tác xã Chế biến lâm sản Sông Mã (cơ sở 1, phạt 180 triệu đồng); Hợp tác xã Chế biến lâm sản Sông Mã (cơ sở 2, bị phạt 160 triệu đồng) và Hợp tác xã Xuân Dương (bị phạt 140 triệu đồng); Công ty Duyệt Cường (bị phạt 160 triệu đồng); Hợp tác xã Hà Long (bị phạt 140 triệu đồng); Công ty đầu tư và phát triển Hạnh Nguyễn (bị phạt 130 triệu đồng); Công ty thương mại vận tải Hoàng Vân (bị phạt 110 triệu đồng) và Hợp tác xã Hợp Phát (bị phạt 130 triệu đồng).

Trước đó, từ ngày 15/3 đến 8/4, đã có gần 12,4 tấn cá lồng bị chết và khoảng 380kg các loài thủy sản tự nhiên chết vớt được. Cá lồng chết xuất hiện 4 đợt, cụ thể: Đợt 1 từ ngày 15 - 20/3; đợt 2 vào ngày 26/3; đợt 3 vào ngày 30/3; đợt 4 từ ngày 4 - 9/4. Cá chết tập trung ở các xã Ái Thượng, Hạ Trung, Lương Ngoại, Lương Trung, Thiết Kế, Ban Công, Thiết Ống và thị trấn Cành Nàng. UBND huyện Bá Thước đã thành lập đoàn liên ngành kiểm tra, rà soát các cơ sở chế biến lâm sản dọc sông Mã.

Như tin đã đưa, khoảng tháng 3/2021, nước sông Mã đoạn chảy qua huyện Bá Thước và Cẩm Thủy (Thanh Hóa) đổi màu đen, bốc mùi hôi thối, ô nhiễm. Kéo theo đó làm hàng chục tấn cá lồng nuôi của người dân và nhiều loài thủy sản tự nhiên trên sông Mã chết trắng. Đây không phải là lần đầu thủy sản trên sông Mã chết bất thường, gây thiệt hại lớn cho người nuôi cá lồng.

Người dân nghi ngờ các đơn vị chế biến dọc bờ sông Mã xả thải trái quy định nên kiến nghị với các cơ quan chức năng. Đoàn liên ngành của tỉnh Thanh Hóa được thành lập, đi kiểm tra, bắt quả tang các đơn vị có hành vi chôn ống ngầm, hoặc bơm trực tiếp nước thải chưa qua xử lý ra sông Mã; Lắp đặt máy bơm xả thải chưa qua xử lý ra sông Mã; không lưu chất thải rắn, xây dựng nhà xưởng trái quy định...

Trong quá trình kiểm tra, 9 cơ sở sản xuất ngành hàng mã, bột giấy ở huyện Quan Hóa cũng bị phát hiện nhiều vi phạm trong lĩnh vực trật tự xây dựng như lấn chiếm hành lang an toàn giao thông, xây dựng nhà xưởng, nhà điều hành và các công trình sản suất khác khi chưa được cấp phép...

Hiện nay, hàng trăm hộ nuôi cá lồng điêu đứng do cá chết hàng loạt, nguồn nước ô nhiễm chưa thể thả nuôi lứa mới trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp đang cần sự hỗ trợ của các cấp, ngành, chính quyền địa phương.

Tiến Anh 

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load