Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa quyết định cho thành lập thị trấn Quý Lộc và Yên Lâm thuộc huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa.
Thanh Hóa lập 2 thị trấn mới trong 1 huyện
Sáng 27/4, mở đầu phiên họp thứ 55, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc thành lập, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính tại một số tỉnh, thành, trong đó có Thanh Hóa.
Thanh Hóa có 27 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm hai thành phố Thanh Hóa và Sầm Sơn, thị xã Bỉm Sơn cùng 24 huyện khác, là tỉnh có số huyện nhiều nhất cả nước.
Theo tờ trình của Chính phủ, hiện tỉnh Thanh Hóa có 559 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 471 xã, 60 phường, 28 thị trấn.
Huyện Yên Định có 26 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 24 xã và 2 thị trấn. Trong đó, xã Quý Lộc có 13,56 km² diện tích tự nhiên, 15.008 người; xã Yên Lâm có 17,25 km² diện tích tự nhiên, 8.683 người.
Tỉnh này đề nghị phương án thành lập thị trấn Quý Lộc và thị trấn Yên Lâm trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số của xã Quý Lộc và xã Yên Lâm.
Sau khi thành lập, tỉnh Thanh Hóa có 559 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 469 xã, 60 phường, 30 thị trấn. Trong đó, huyện Yên Định có 26 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 22 xã và 4 thị trấn.
Tờ trình của Chính phủ nêu sự cần thiết thành lập hai thị trấn nói trên.
Cụ thể, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, huyện Yên Định cách thành phố Thanh Hóa khoảng 25 km về phía Tây Bắc; có hệ thống giao thông tương đối hoàn chỉnh, có Quốc lộ 45 đi qua, kết nối các huyện miền núi phía Tây với Cảng hàng không Thọ Xuân và cảng biển nước sâu Nghi Sơn, là điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng trong khu vực.
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình tờ trình của Chính phủ trước UB Thường vụ Quốc hội. |
Xã Quý Lộc được quy hoạch trở thành trung tâm dịch vụ, thương mại, là đầu mối giao thông vùng Tây bắc huyện Yên Định. Từ lâu Quý Lộc đã trở thành trung tâm thu gom và tiêu thụ hàng hóa, đứng đầu của huyện Yên Định. Các hộ kinh doanh với quy mô lớn, hàng hóa được trao đổi theo từng chuyến xe ô tô tải từ các huyện sau đó phân phối đi các chợ trung tâm trong vùng. Thương mại phát triển kéo theo các ngành nghề dịch vụ khác phát triển theo, đặc biệt là dịch vụ vận tải hàng hóa.
Xã Yên Lâm được quy hoạch là trung tâm công nghiệp, vật liệu xây dựng kết hợp với dịch vụ hỗ trợ nghề đá, là đầu mối giao thông quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây bắc huyện Yên Định với các huyện giáp ranh như Ngọc Lặc, Cẩm Thủy, Vĩnh Lộc...
Vì vậy, thành lập thị trấn Quý Lộc và thị trấn Yên Lâm là cần thiết, cùng với thị trấn Thống Nhất, sẽ thành cực tăng trưởng phía Tây bắc huyện Yên Định, có vai trò thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng phía Tây bắc huyện Yên Định.
Cũng đồng ý với đề án này, song Ủy ban Pháp luật của Quốc hội - cơ quan thẩm tra đề án - đề nghị chính quyền tỉnh Thanh Hóa có lộ trình, phương án sắp xếp các đơn vị hành chính chưa đạt 100% tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số trên địa bàn huyện Yên Định để thực hiện chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2022-2030 theo chỉ đạo tại Nghị quyết số 37 của Bộ Chính trị.
Nghị quyết được Ủy ban Thường vụ thông qua về nội dung trên có hiệu lực từ ngày 1/7/2021.
Thành phố Huế được mở rộng gấp gần 4 lần
Theo phương án địa phương đề xuất, Chính phủ trình ra UB Thường vụ Quốc hội, cần điều chỉnh toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của 2 xã (Thủy Vân, Thủy Bằng) thuộc thị xã Hương Thủy; 2 phường (Hương Hồ, Hương An) và 4 xã (Hương Thọ, Hương Phong, Hương Vinh, Hải Dương) thuộc thị xã Hương Trà; 4 xã (Phú Thượng, Phú Dương, Phú Mậu, Phú Thanh) và thị trấn Thuận An thuộc huyện Phú Vang về thành phố Huế quản lý.
UB Thường vụ Quốc hội đồng ý cho mở rộng thành phố Huế gấp 4 diện tích hiện nay tại phiên họp sáng 27/4/2021. |
Kết quả sau khi điều chỉnh địa giới để mở rộng thành phố Huế và sắp xếp, thành lập các phường thuộc thành phố Huế thì tỉnh Thừa Thiên - Huế không thay đổi về diện tích tự nhiên, dân số và số đơn vị hành chính cấp huyện nhưng giảm số đơn vị hành chính cấp xã từ 145 đơn vị hành chính cấp xã xuống còn 141 đơn vị hành chính cấp xã (giảm 3 xã và 1 thị trấn).
Thành phố Huế sẽ có 265,99 km2 diện tích tự nhiên (gấp gần 4 lần diện tích hiện tại) dân số 652.572 người; có 36 đơn vị hành chính cấp xã gồm 29 phường và 7 xã (tăng 9 đơn vị hành chính cấp xã).
Về sự cần thiết điều chỉnh địa giới hành chính để mở rộng thành phố Huế, theo Chính phủ, đây là đô thị di sản, cảnh quan thiên nhiên, bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa nhưng hiện nay có quy mô diện tích quá nhỏ so với tốc độ phát triển đô thị, mật độ dân số toàn đô thị cao (7.222 người/km2), hạ tầng xã hội khu vực trung tâm đang quá tải, hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị. Một số tiêu chuẩn của đô thị đạt vượt trội so với quy định.
Chính phủ nêu rõ, việc mở rộng thành phố Huế là một bước cụ thể hóa Đồ án Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Thừa Thiên - Huế và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Huế đến năm 2030, tầm nhìn 2050 đã được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 649 năm 2014.
Về sự cần thiết phải sắp xếp các phường thuộc thành phố Huế, Chính phủ nêu lý do, hiện nay trên địa bàn thành phố Huế vẫn còn một số phường có diện tích khá nhỏ (dưới 50% tiêu chuẩn); không gian phát triển bị chia cắt, gây khó khăn, cản trở trong công tác lập kế hoạch, quy hoạch dài hạn, định hướng phát triển kinh tế - xã hội cũng như quy hoạch, kế hoạch phát triển vùng; nguồn lực cho phát triển bị phân tán, nhất là trong điều kiện đẩy mạnh phân cấp, trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho chính quyền địa phương.
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà báo cáo UB Thường vụ Quốc hội, việc sắp xếp sáp nhập một số phường thuộc thành phố Huế có diện tích tự nhiên nhỏ là cần thiết nhằm tinh gọn bộ máy, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước.
Thẩm tra đề án, UB Pháp luật của Quốc hội tán thành với sự cần thiết của việc điều chỉnh địa giới hành chính để mở rộng thành phố Huế và việc sắp xếp, thành lập các phường thuộc thành phố Huế.
Thành phố Huế (mở rộng) bảo đảm 5/5 tiêu chuẩn về quy mô dân số, diện tích tự nhiên, đơn vị hành chính trực thuộc, phân loại đô thị và cơ cấu, trình độ phát triển kinh tế - xã hội theo quy định - Chủ nhiệm UB Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ.
Qua thảo luận, UB Thường vụ Quốc hội cũng tán thành với đề xuất của Chính phủ và lưu ý UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế xác định rõ lộ trình, thời hạn hoàn thành việc triển khai các công tác quy hoạch nêu trên đối với thành phố Huế và phải bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ giữa các quy hoạch để có cơ sở cho việc theo dõi, giám sát, đánh giá kết quả quá trình thực hiện.
Nghị quyết điều chỉnh địa giới hành chính, sắp xếp và thành lập các phường thuộc thành phố Huế có hiệu lực từ ngày 1/7/2021.
Lập mới 2 thị trấn tại Tuyên Quang Cũng trong buổi sáng 27/4, UB Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định đề xuất điều chỉnh toàn bộ diện tích tự nhiên (90,91 km2) và dân số (7.842 người) của xã Phúc Sơn và toàn bộ diện tích tự nhiên (41,67 km2) và dân số (6.757 người) của xã Minh Quang thuộc huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang về huyện Lâm Bình quản lý. Trên cơ sở đó thành lập thị trấn Lăng Can thuộc huyện Lâm Bình trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số của xã Lăng Can. Tuyên Quang cũng đề nghị thành lập thị trấn Yên Sơn thuộc huyện Yên Sơn trên cơ sở 29,21 km2 diện tích tự nhiên, 22.041 người của xã Thắng Quân (được mở rộng thêm từ phần xã Lang Quán, Tứ Quận đưa về). |
Theo Phương Thảo/Dantri.com.vn