Thứ bảy 05/10/2024 10:38 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Bạn đọc /

Thanh Hóa: Cần xem lại tỷ lệ “đá khối để xẻ” nhằm tránh lãng phí tài nguyên và chống thất thu ngân sách

17:18 | 22/07/2019

(Xây dựng) – Sau khi Báo điện tử Xây dựng có bài “Thanh Hóa: Có hay không kẽ hở trong việc quản lý, cấp phép khai thác mỏ đá” và qua phản ánh của dư luận, tiếp tục đi sâu tìm hiểu, thực tế cho thấy tình trạng lãng phí tài nguyên, khoáng sản và thất thu ngân sách là hoàn toàn có thể diễn ra nếu các cấp, ngành có thẩm quyền của tỉnh Thanh Hóa không có các giải pháp kịp thời, hữu hiệu.


Khai thác đá tại mỏ đồi Chăn.

Trở lại với việc cấp phép khai thác khoáng sản của UBND tỉnh Thanh Hóa đối với các chủ mỏ đá tại khu vực đồi Chăn, xã Hà Tân, Hà Trung mà Báo điện tử Xây dựng đã nêu trong bài viết trước. Căn cứ vào giấy phép đã cấp, có thể thấy tỷ lệ “đá khối để xẻ” chỉ chiếm một phần rất thấp trong tổng khối lượng đá được phép khai thác. Cụ thể như sau: Theo giấy phép khai thác khoáng sản và cho thuê đất số 131-GP/UBND, ngày 2/4/2015 của UBND tỉnh cấp cho Cty TNHH Châu Quý, trữ lượng khai thác 206.960m3. Trong đó, đá spilit làm vật liệu xây dựng (VLXD) thông thường 198.680m3 (gần 96%), đá khối tận thu làm đá ốp lát là 8.280m3 (chỉ chiếm tỷ lệ hơn 4%). Tương tự như vậy, giấy phép cấp cho HTX công nghiệp Tân Sơn, nay chuyển nhượng cho Cty TNHH sản xuất thương mại Nam Sơn Dũng, trữ lượng khai thác 317.542m3. Trong đó, khối đá spilit  làm VLXD thông thường 288.963m3, bằng 90,9%, đá tận thu làm đá ốp lát 28.579m3, chiếm tỷ lệ 9,1%. Cũng tương tự như vậy, mỏ đá của HTX công nghiệp Đông Đình, trữ lượng khai thác được cấp phép là 442.421m3, trong đó, đá để sản xuất VLXD thông thường 415.876m3 (bằng 94%), đá tận thu làm đá ốp lát 26.545m3 (chiếm tỷ lệ 6%); đối với Cty thương mại Tuấn Hiền, trữ lượng được khai thác 1.861.580m3. Trong đó, đá sản xuất VLXD thông thường 1.744.882m3 (chiếm 93,7%), đá tận thu ốp lát 116.698m3 (tỷ lệ 6,3%).

Theo thống kê đã nêu (qua giấy phép đã được UBND tỉnh cấp cho các chủ mỏ), tổng trữ lượng địa chất được phép khai thác tại khu vực đồi Chăn là 3.518.327m3 đá spilit (thời gian khai thác từ 20 – 30 năm). Trong đó, đá sản xuất VLXD thông thường 3.276.461m3, chiếm tới 93,1% tổng trữ lượng, đá khối tận thu làm đá ốp lát 241.866m3, chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ là 6,9%. Tuy nhiên, thực tế mà phóng viên ghi nhận tại các khai trường lại hoàn toàn trái ngược với giấy phép, đó là gần như 100% trữ lượng các đơn vị đang khai thác là đá sản xuất, đá ốp lát (sau được đổi thành đá khối để xẻ), cùng với đó, đá sản xuất VLXD thông thường gần như hoàn toàn “vắng bóng”.


Những phiến đá khối lớn tại hiện trường khu vực mỏ đá đồi Chăn.

Tiếp tục tìm hiểu thực tế khu vực đồi Chăn, theo quan sát của phóng viên tại khai trường của Cty TNHH sản xuất thương mại Nam Sơn Dũng (được chuyển nhượng của HTX Tân Sơn) có một số công nhân đang vận hành máy xúc và điều khiển máy cắt đá. Hàng loạt khối đá lớn vuông vức, phẳng lỳ được xếp thành đống, cùng với đó là những vách đá núi cũng phẳng lỳ do được khai thác bằng máy cắt. Cạnh đó, các mỏ đá của Cty Tuấn Hiền, HTX Đông Đình, Cty Mạnh Trang, Cty Châu Quý cũng đang có máy móc, công nhân khai thác đá khối, không thấy dây truyền sản xuất đá làm VLXD thông thường nào tại đây. Cẩn thận quan sát thật kỹ, phóng viên vẫn không phát hiện được bất cứ chiếc camera nào được ngành Thuế lắp đặt tại đây để “giám sát việc khai thác đá” như thông tin của vị đại diện UBND tỉnh khi trao đổi với phóng viên về nghi vấn “thất thu thuế” có thể diễn ra. Có thể nói, chỉ bằng cảm quan của một người không có chuyên môn về khai thác khoáng sản, qua hình ảnh các vách núi phẳng lỳ, trơn nhẵn cũng có thể nhận thấy, tại đây các doanh nghiệp đang tập trung khai thác đá khối để xẻ, không sản xuất đá làm VLXD thông thường.


 Xưởng sản xuất của Cty Tuấn Hiền không hề có dây chuyền sản xuất đá làm VLXD thông thường.

Để xác minh kỹ hơn, sau khi rời hiện trường phóng viên đã tiếp cận xưởng sản xuất của Cty Châu Quý, đóng tại khu công nghiệp làng nghề xã Hà Tân. Tại đây, Cty Châu Quý có 4 xưởng sản xuất với khoảng 20 máy xẻ đá, 13 máy cắt cạnh, 3 máy mài đá đang chạy hết công suất, tiếng động cơ ầm ầm. Hàng loạt phiến đá lớn, đá thành phẩm xếp thành đống to, quan sát mãi phóng viên cũng không hề thấy bất cứ một chiếc “máy nghiền” hay dây truyền xản xuất đá làm VLXD thông thường nào, cũng như sản phẩm VLXD thông thường “có mặt” tại xưởng sản xuất này.

Theo một chuyên gia về khoáng sản và VLXD cho biết, đá spilit là loại đá xanh, có độ cứng rất cao so với đá vôi (loại đá thích hợp và thường được sản xuất VLXD thông thường), đá spilit chỉ thích hợp để làm đá khối để xẻ thành đá ốp lát và các loại sản phẩm có giá trị khác, hoàn toàn không phù hợp cho sản xuất đá VLXD thông thường, bởi do độ cứng lớn, sản xuất đá VLXD thông thường sẽ có chi phí cao,  không cạnh tranh được với sản phẩm cùng loại sản xuất từ đá vôi. Ngoài ra, theo tìm hiểu của phóng viên, thuế suất phải nộp trên một m3 đá ốp lát khoảng trên 2 triệu đồng, trong khi đối với sản phẩm đá VLXD thông thường chỉ khoảng 120.000 đồng/m3.

Như vậy, chưa nói đến yếu tố “tiêu cực” có thể có trong việc kê khai thuế, rõ ràng việc cấp phép khai thác khoáng sản của UBND tỉnh đang gây lãng phí tài nguyên quốc gia (nếu các chủ mỏ khai thác đúng theo tỷ lệ được cấp). Ngược lại như thực tế đã nêu, các doanh nghiệp đang vi phạm về trữ lượng, tỷ lệ khai thác đá treo giấy phép được cấp.

Thực tế diễn ra tại mỏ đá đồi Chăn, xã Hà Tân đang gây lãng phí tài nguyên và có thể khiến ngân sách Nhà nước thất thu không nhỏ. Để chấm dứt tình trạng này, theo chúng tôi, UBND tỉnh Thanh Hóa cần chỉ đạo các cấp, ngành chức năng đẩy mạnh công tác giám sát, kiểm tra để có căn cứ “tính đúng, tính đủ” trong vấn đề kê khai, nộp thuế của các doanh nghiệp. Mặt khác, cần có sự tính toán phù hợp về khối lượng, tỷ lệ giữa đá sản xuất VLXD thông thường và đá khối để xẻ trong việc cấp phép thăm dò, khai thác mỏ cho các doanh nghiệp, tránh tình trạng lãng phí tài nguyên và thất thu thuế (nếu có) đang diễn ra hiện nay.

Đào Nguyên

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load