(Xây dựng) - Nâng cao hiệu quả quản lý và thực hiện xây dựng nông thôn mới theo quy hoạch nhằm nâng cao đời sống kinh tế - xã hội nông thôn gắn với quá trình đô thị hóa đã được tỉnh Thái Nguyên thực hiện hiệu quả.
Bộ mặt nông thôn Thái Nguyên khang trang và từng bước đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất, dân sinh. |
Theo đó, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã triển khai, điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp yêu cầu: Thực hiện quy hoạch chung xây dựng xã gắn với quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa theo quy định pháp luật về quy hoạch, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, trong đó có quy hoạch khu vực hỗ trợ phát triển kinh tế nông thôn. Từng bước lập quy hoạch chi tiết nhằm quản lý hoạt động đầu tư xây dựng, quản lý không gian, kiến trúc cảnh quan ở khu vực nông thôn. Tập trung quy hoạch lại các xóm/khu dân cư.
Đến nay, 3/6 huyện (Đại Từ, Phú Bình, Định Hóa) đã được UBND tỉnh Thái Nguyên phê duyệt quy hoạch vùng huyện, đạt tỷ lệ 50%. 2 huyện là Phú Lương và Đồng Hỷ đang lập nhiệm vụ quy hoạch; trong khi đó, huyện Võ Nhai đã lựa chọn xong tư vấn quy hoạch.
Tham gia xây dựng nông thôn mới, cơ sở hạ tầng nông thôn tiếp tục được các cấp địa phương tại Thái Nguyên đầu tư cải tạo, nâng cấp. Nhờ vậy, bộ mặt nông thôn Thái Nguyên khang trang và từng bước đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất, dân sinh.
Thống kê của Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên cho biết: Trong năm 2023, toàn tỉnh đã tập trung xây dựng, cải tạo và nâng cấp trên 476km đường giao thông nông thôn; 35,25km kênh mương các loại và 38 công trình thủy lợi; 64 trạm biến áp, trên 161km đường dây trung áp, hạ áp; 268 công trình trường học, phòng học, phòng chức năng và các công trình phụ trợ; 26 nhà văn hóa và khu thể thao xã, 157 nhà văn hóa và khu thể thao xóm; 05 chợ; 11 đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông; 24 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung...
Đánh giá theo Bộ tiêu chí xã nông thôn mới có 122/126 xã đạt tiêu chí giao thông (96,8%), 126/126 xã đạt tiêu chí thủy lợi và phòng chống thiên tai (100%), 126/126 xã đạt tiêu chí điện (100%), 122/126 xã đạt tiêu chí trường học (96,8%), 118/126 xã đạt tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa (93,6%), 125/126 xã đạt tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn (99,2%), 121/126 xã đạt tiêu chí thông tin và truyền thông (96%) và 120/126 xã đạt tiêu chí nhà ở dân cư (95,2%).
Đánh giá theo Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao Thái Nguyên có 44/126 xã đạt tiêu chí giao thông (34,9%), 113/126 xã đạt tiêu chí thủy lợi và phòng chống thiên tai (89,7%), 124/126 xã đạt tiêu chí điện (98,4%), 69/126 xã đạt tiêu chí giáo dục (54,7%), 58/126 xã đạt tiêu chí văn hóa (46%), 95/126 xã đạt tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn (75,4%), 63/126 xã đạt tiêu chí thông tin và truyền thông (50%) và 102/126 xã đạt tiêu chí nhà ở dân cư (81%).
Đánh giá theo Bộ tiêu chí huyện nông thôn mới Thái Nguyên có 3/6 huyện (50%) đạt tiêu chí số 2 về giao thông, 5/6 huyện (83,3%) đạt tiêu chí số 3 về thuỷ lợi và phòng, chống thiên tai, 4/6 huyện (66,7%) đạt tiêu chí số 4 về điện.
Đánh giá theo Bộ tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao, tỉnh Thái Nguyên có 1/6 huyện (16,7%) đạt tiêu chí số 1 về quy hoạch, 03/06 huyện (50%) đạt tiêu chí số 3 về thủy lợi và phòng, chống thiên tai, 3/6 huyện (50%) đạt tiêu chí số 4 về điện.
Người dân tại các huyện: Đại Từ, Phú Bình, Phú Lương hồ hởi hiến đất mở rộng đường nông thôn. |
Cũng từ xây dựng nông thôn mới, công tác bảo vệ môi trường nông thôn tại Thái Nguyên có nhiều chuyển biến tích cực, từng bước làm thay đổi nhận thức, ý thức, trách nhiệm của người dân. Phong trào vệ sinh đường làng, ngõ xóm, xây dựng cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp - an toàn; phong trào trồng cây xanh, trồng hoa, lắp đặt bóng đèn chiếu sáng trên các tuyến đường đang phát triển mạnh mẽ ở các địa phương, toàn tỉnh đã trồng mới trên 178,7km đường hoa, trên 160km đường điện chiếu sáng.
Ông Trần Nho Hưởng - Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên cho biết: Các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn các xã đã cơ bản ý thức được công tác bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất kinh doanh, có báo cáo đánh giá tác động môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường... và thực hiện theo các nội dung được phê duyệt. Nhiều gia trại chăn nuôi đã đầu tư xây dựng hệ thống biogas để xử lý chất thải phát sinh trong quá trình chăn nuôi. Tổ chức phân loại rác thải ngay tại hộ gia đình; chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn nguy hại trên địa bàn được thu gom, xử lý theo quy định; chất thải hữu cơ, phụ phẩm nông nghiệp, chất thải nhựa được thu gom, tái sử dụng và tái chế theo quy định; các nghĩa trang nhân dân từng bước được cải tạo và xây dựng theo quy hoạch.
Đánh giá theo Bộ tiêu chí xã nông thôn mới, Thái Nguyên có 120/126 xã đạt tiêu chí về môi trường và an toàn thực phẩm (95,2%); đánh giá theo Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao Thái Nguyên có 79/126 xã đạt tiêu chí về môi trường (62,7%), 77/126 xã đạt tiêu chí chất lượng môi trường sống (61,1%).
Tương tự, đánh giá theo Bộ tiêu chí huyện nông thôn mới, Thái Nguyên có 3/6 huyện đạt tiêu chí số 7 về môi trường (50%), 3/6 huyện đạt tiêu chí số 8 về chất lượng môi trường sống (50%); đánh giá theo Bộ tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao Thái Nguyên có 1/6 huyện đạt tiêu chí số 7 về môi trường (16,7%).
Vũ Vân
Theo