(Xây dựng) – Không chỉ gây lũ lụt nghiêm trọng tại thành phố Thái Nguyên, sau khi dồn về hạ lưu huyện phú Bình và thành phố Phổ Yên, nước sông Cầu tiếp tục dâng cao gây lũ lụt và nguy cơ gây sạt lở bờ sông, trực tiếp đe dọa, ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của người dân sinh sống ở vùng giáp sông.
Một số khu vực ở huyện Phú Bình đã bị nước chia cắt, cô lập. |
Theo đó, sau khi tiếp tục dồn về hạ lưu, mực nước sông Cầu dâng cao đã gây ngập lụt trên diện rộng tại 8 xã ven sông ở huyện Phú Bình, gồm: Thượng Đình, Đào Xá, Bảo Lý, Nhã Lộng, Xuân Phương, Úc Kỳ, Nga My và Hà Châu.
Để đảm bảo an toàn cho tài sản và tính mạng của người dân, các xã ven sông đã di dời 338 hộ với 1.296 người ra khỏi vùng nguy hiểm, di dời tài sản 39 hộ đến nơi an toàn, đồng thời theo dõi sát mực nước sông Cầu để triển khai phương án ứng phó kịp thời, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện cũng tiến hành cấp áo phao cứu sinh, phao tròn, dây thừng, cọc tiêu, đèn báo cho 8 xã ven sông cũng như tập trung tiếp nhận, vận chuyển nhu yếu phẩm, nước uống, nước sạch cho các hộ dân trong vùng lũ kịp thời. Bố trí lực lượng túc trực 24/24 tại các điểm có nguy cơ cao, nhằm đảm bảo an toàn về tài sản và tính mạng cho nhân dân.
Một số tổ dân phố thuộc phường Tân Phú, thành phố Phổ Yên đã bị ngập sâu. |
Tại thành phố Phổ Yên, nước sông Cầu dâng cao đã gây lũ lụt và đe dọa các phường: Tân Phú, Đông Cao, Tiên Phong, hiện tại các địa phương này vẫn đang tiếp tục sơ tán người dân và tài sản trong vùng bị ảnh hưởng đến nơi an toàn. Đến nay, phường Tân Phú đã cơ bản di dời khoảng 400 hộ ở khu vực Phú Cốc; phường Đông Cao di dời 37 hộ ở các tổ dân phố Việt Cường, Soi Trại; phường Tiên Phong di dời 37 hộ ở 8 tổ dân phố.
Hiện đã có 4 tổ dân phố thuộc miền Phú Cốc, phường Tân Phú gồm: Lợi Bến, Bến Cả, Đồng Lẩm, Đình Phú Cốc đang bị ngập lụt khi mực nước tại Trạm thủy văn Chã trên báo động 2. Để đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản cho nhân dân khu vực này, chỉ ngay trong đêm 9/9, khi kiểm tra thấy nguy cơ ngập lụt cao, thành phố đã huy động trên 400 người gồm: Bộ đội thường trực, dân quân, Công an, đoàn viên, hội viên và 53 phương tiện, xe tải, xe cải tiến, xe đạp cùng tham gia hỗ trợ nhân dân di chuyển tài sản, gia súc, gia cầm, di dời được tổng số 80 hộ với 142 khẩu, tuyên truyền, vận động các hộ còn lại chủ động theo dõi diễn biến thời tiết, di dời đến nơi an toàn.
Một số tổ dân phố thuộc phường Lương Sơn, thành phố Sông Công bị nước cô lập. |
Ngoài ra, tại thành phố Sông Công lũ lụt cũng làm 7 điểm trên địa bàn phường Lương Sơn đang bị ngập úng, chia cắt. Theo thống kê của các phòng, ban chức năng của thành phố, bão số 3 tiếp tục gây thiệt hại nặng nề tại địa phương. Ước thiệt hại lên đến hàng tỷ đồng, trong đó, thiệt hại nhất là lĩnh vực nông nghiệp, cùng với khoảng 20 cây xanh đô thị và 2.500 cây keo bị gãy đổ, đã có trên 240,7ha lúa mùa sớm chuẩn bị được thu hoạch bị đổ rạp. Theo dự báo, mực nước tại các sông suối vẫn tiếp tục dâng cao, phía thượng nguồn vẫn tiếp tục có mưa vừa tới mưa to, lãnh đạo thành phố Sông Công chỉ đạo lực lượng ứng cứu, trực chốt tại các ngầm tràn, các điểm xung yếu và chỉ đạo lực lượng Công an, Quân đội, dân quân tự vệ, chính quyền các địa phương hỗ trợ, sẵn sàng cứu người dân, đặc biệt là người dân các vùng đang bị nước cô lập.
Việt Hoan
Theo