(Xây dựng) - Với nhiệm vụ đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động, những năm qua, người lao động luôn được các cấp Công đoàn Thái Nguyên quan tâm, đem đến những kết quả nổi bật, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ.
LĐLĐ tỉnh Thái Nguyên đã trao tặng 2 máy lọc nước dành cho Xí nghiệp Thiếc Đại Từ, thăm hỏi, động viên tinh thần người lao động. |
Những năm gần đây, công nhân viên chức lao động tỉnh Thái Nguyên có bước phát triển về số lượng, chất lượng và đa dạng về cơ cấu. Hiện nay, toàn tỉnh có trên 230.000 công nhân viên chức lao động, trong đó có 175.000 do Liên đoàn Lao động tỉnh trực tiếp quản lý (nữ là 109.000 chiếm 62%); với 153.589 đoàn viên đang sinh hoạt tại 1.405 Công đoàn cơ sở.
Các cấp Công đoàn trong tỉnh Thái Nguyên đã chủ động, tích cực đổi mới và nâng cao chất lượng tham gia đóng góp ý kiến vào các văn bản dự thảo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, của tỉnh và các cơ quan, ban, ngành liên quan đến quyền lợi của đoàn viên, người lao động như: Bộ luật Lao động; Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Luật Đất đai, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn; đồng thời tham gia các chính sách đến người lao động trong dịp Covid-19 và nhiều văn bản khác.
Hoạt động tiếp xúc, đối thoại trong xây dựng chính sách, pháp luật được coi trọng, đặc biệt chương trình đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với đoàn viên, người lao động đã tạo hiệu ứng tốt, là kênh quan trọng góp phần hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động và Công đoàn, khẳng định vai trò của tổ chức Công đoàn trong việc đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động.
Tỷ lệ hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, hội nghị người lao động được nâng lên, hoạt động của Ban thanh tra nhân dân đi vào nề nếp và hiệu quả hơn.
Kết quả 100% doanh nghiệp Nhà nước và 75% các doanh nghiệp ngoài Nhà nước triển khai thực hiện (vượt 15% so với chỉ tiêu của Đại hội). Các cấp Công đoàn đã phối hợp với chính quyền và các cơ quan liên quan, chủ doanh nghiệp tổ chức được 1.903 cuộc đối thoại, Liên đoàn Lao động tỉnh đã tổ chức 4 cuộc gặp gỡ, đối thoại trực tiếp giữa đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Đoàn Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch HĐND tỉnh; Chủ tịch UBND tỉnh và Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh với trên 2.000 công nhân viên chức lao động, qua đó đã xem xét, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc phát sinh liên quan trực tiếp đến công nhân viên chức lao động, nhờ vậy vai trò của tổ chức Công đoàn trong quan hệ lao động được thể hiện rõ nét hơn.
Lãnh đạo Công đoàn thường xuyên quan tâm thăm hỏi công nhân sinh hoạt tại Tổ công nhân tự quản khu nhà trọ. |
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Công đoàn tỉnh Thái Nguyên nhiệm kỳ 2018 - 2023 và Đề án số 840 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về nâng cao năng lực đối thoại và thương lượng tập thể; Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh đã xây dựng kế hoạch thực hiện và chỉ đạo Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở thành lập nhóm hỗ trợ thương lượng; tổ chức 80 lớp tập huấn, tuyên truyền cho cán bộ Công đoàn, công nhân lao động. Hàng năm, trên cơ sở rà soát và thống kê kết quả ký thỏa ước lao động tập thể tại từng đơn vị, Liên đoàn Lao động tỉnh đã chỉ đạo thực hiện thành công việc thí điểm ký thỏa ước nhóm 3 doanh nghiệp ngành May tại Công đoàn ngành Công Thương theo đúng quy trình, nhiều nội dung có lợi cho người lao động.
Hiện nay, có 289/323 doanh nghiệp ký thỏa ước lao động tập thể đạt 89,5% (vượt 19,5% chỉ tiêu Đại hội XVI đề ra), trong đó ký mới 34 bản. Nội dung các bản thỏa ước tập trung vào những cam kết thiết thực có lợi hơn cho người lao động về tiền lương, tiền thưởng, đảm bảo việc làm, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, cải thiện môi trường làm việc và bữa ăn ca.
Việc đánh giá, phân loại các bản thỏa ước lao động tập thể được thực hiện tốt, chất lượng đã được nâng lên, số bản thỏa ước đạt loại A và B đạt 86,1%,vượt 43,9% (chỉ tiêu nhiệm kỳ là 45%).
Trong công tác kiểm tra, giám sát, phản biện xã hội, các cấp công đoàn đã phối hợp với chính quyền, các cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra, giám sát thực hiện pháp luật lao động tại 1.150 lượt doanh nghiệp. Trong đó, Liên đoàn Lao động tỉnh đã chủ trì tổ chức 5 cuộc giám sát theo chương trình kiểm tra, giám sát của Tỉnh ủy và Ủy ban MTTQ tỉnh Thái Nguyên về thực hiện chế độ chính sách tiền lương, BHXH, an toàn lao động, chính sách lao động nữ... phối hợp với ngành lao động, bảo hiểm xã hội, các cơ quan chức năng tổ chức thanh tra, kiểm tra 380 cuộc việc thực hiện pháp luật lao động, bảo hiểm xã hội, Luật An toàn vệ sinh lao động, Luật bình đẳng; điều tra 81 vụ tai nạn lao động nặng và chết người. Qua đó đã phát hiện và đề xuất, kiến nghị các cấp, các ngành nhiều giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật, nhất là trong thực hiện Luật An toàn vệ sinh lao động và Luật Công đoàn..., góp phần nâng cao chất lượng công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực lao động, Công đoàn.
Công tác an toàn vệ sinh lao động được các cấp Công đoàn quan tâm và duy trì tốt, tích cực phối hợp với người sử dụng lao động nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động mạng lưới an toàn vệ sinh. Tham gia xây dựng văn hóa an toàn lao động tại nơi làm việc, góc bảo hộ lao động, tập huấn an toàn vệ sinh lao động, phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động.
Hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, người lao động được chú trọng. |
Thực hiện quyền, trách nhiệm tham gia tố tụng bảo vệ quyền lợi của đoàn viên, các cấp Công đoàn đã thực hiện tư vấn và trợ giúp pháp lý 1.976 vụ việc, trong đó có 1.826 vụ việc liên quan đến lao động cá nhân và tranh chấp lao động tập thể; hướng dẫn 50 lượt tổ chức Công đoàn cơ sở xây dựng, soạn thảo nội quy lao động, quy chế phối hợp hoạt động giữa doanh nghiệp với Ban Chấp hành công đoàn; Trung tâm Trợ giúp người lao động Liên đoàn Lao động tỉnh thường xuyên được kiện toàn, củng cố đội ngũ cán bộ; tích cực tư vấn pháp luật tại văn phòng và tư vấn pháp luật lưu động tại 158 đơn vị, doanh nghiệp cho trên 45.000 lượt công nhân viên chức lao động.
Bên cạnh đó, hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, người lao động được chú trọng, có bước phát triển mới. Trong 5 năm, có khoảng trên 73 nghìn lượt đoàn viên người lao động được hưởng từ chương trình phúc lợi với số tiền trên 20 tỷ đồng. Hiệu quả các mô hình chăm lo lợi ích thiết thực cho đoàn viên, người lao động, như: Tết Sum vầy, Chương trình "Mái ấm Công đoàn”, "Giải quyết việc làm"…
Việc nâng cao chất lượng bữa ăn ca được quan tâm, mở rộng phạm vi thực hiện, Liên đoàn Lao động tỉnh tăng cường chỉ đạo. Hiện nay, có 253/253 (bằng 100%) doanh nghiệp có bếp ăn tập thể đều có mức ăn ca đạt 18.000 đ/bữa trở lên.
Trao đổi với báo chí, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Thái Nguyên Phạm Việt Dũng khẳng định: Chăm lo đời sống cho công nhân, người lao động là việc làm thường xuyên, liên tục của tỉnh Thái Nguyên và các cấp Công đoàn. Nhờ vậy người lao động ngày càng tin tưởng và gắn bó với Công đoàn hơn...
Nguyễn Thành
Theo