Chủ nhật 22/12/2024 13:05 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Bạn đọc /

Thái Nguyên: Doanh nghiệp “vô tư” khai thác tài nguyên đi bán

16:01 | 02/05/2019

(Xây dựng) - Đó là trường hợp của Cty CP Vận tải xây dựng Tân Hưng Thịnh khi ngang nhiên khai thác đất mang đi bán, bất chấp lệnh của Ban Quản lý tài nguyên khoáng sản tỉnh Thái Nguyên yêu cầu dừng ngay việc khai thác, vận chuyển tài nguyên đất. Vụ việc này đã kéo dài nhiều tháng nay tại xã Minh Đức (thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên).

Cty CP Vận tải Tân Hưng Thịnh, ngang nhiên khai thác đất mang đi bán bất chấp lệnh của Ban Quản lý tài nguyên khoáng sản tỉnh Thái Nguyên.

Thời gian vừa qua nhiều hộ dân tại xã Minh Đức (thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên) vô cùng bức xúc phản ánh việc Cty CP Vận tải xây dựng Tân Hưng Thịnh ngang nhiên khai thác hàng triệu m3 tài nguyên đất tại mỏ núi Choẹt mang đi bán bất chấp lệnh dừng của cơ quan quản lý Nhà nước.

Ông Hoàng Mạnh Quân - Chủ tịch UBND xã Minh Đức (thị xã Phổ Yên, Thái Nguyên) cho hay: “Năm 2003, mỏ núi Choẹt được UBND tỉnh Thái Nguyên cấp phép cho Cty Sông Đà 27 khai thác đất để phục vụ san nền cho tuyến QL3 mới Hà Nội - Thái Nguyên. Cty Sông Đà 27 đã đền bù cho người dân và tiến hành khai thác đất đến khi hoàn thành xong dự án thì bàn giao lại cho người dân quản lý. Sau đó, Cty CP Vận tải xây dựng Tân Hưng Thịnh được UBND tỉnh Thái Nguyên cấp phép khai thác tài nguyên khoáng sản tại mỏ này”.

Tuy nhiên, ngoài giấy phép khai thác, các văn bản pháp lý khác như đền bù đất cho người dân, hợp đồng thuê đất, kế hoạch khai thác tài nguyên… thì đến nay Cty chưa được cơ quan có thẩm quyền xác nhận, cho thuê đất, ký hợp đồng thuê đất.

Trước sự việc trên, Ban Chỉ đạo quản lý tài nguyên khoáng sản tỉnh Thái Nguyên và lãnh đạo địa phương đã tiến hành kiểm tra việc Cty CP Vận tải xây dựng Tân Hưng Thịnh khai thác tài nguyên đất tại mỏ núi Choẹt.

Theo đó, Ban Chỉ đạo quản lý tài nguyên khoáng sản tỉnh Thái Nguyên đề nghị UBND thị xã Phổ Yên yêu cầu Cty CP Vận tải xây dựng Tân Hưng Thịnh dừng ngay việc việc hoạt động khai thác, vận chuyển đất san lấp tại khu vực mỏ; chỉ đạo các phòng, ban chức năng của huyện, UBND xã Minh Đức kiểm tra xử lý việc khai thác, vận chuyển đất san lấp tại mỏ núi Choẹt của Cty CP Vận tải xây dựng Tân Hưng Thịnh.

Văn bản của Ban Chỉ đạo quản lý tài nguyên khoáng sản tỉnh Thái Nguyên.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Công Thịnh - Phó Chủ tịch UBND thị xã Phổ Yên xác nhận: “Từ tháng 9/2017, Cty CP Vận tải xây dựng Tân Hưng Thịnh được UBND tỉnh Thái Nguyên cấp giấy phép khai thác khoáng sản tại mỏ núi Choẹt với thời gian khai thác là 9 năm. Đến nay, Cty CP Vận tải xây dựng Tân Hưng Thịnh chưa đủ điều kiện để khai thác khoáng sản tại đây”.

Cụ thể, theo quy định của Luật Đất đai cũng như luật khoáng sản thì sau khi được cấp giấy phép khai thác khoáng sản, Cty CP Vận tải xây dựng Tân Hưng Thịnh phải thực hiện việc chuyển nhượng đất với các hộ dân và lập thủ tục thuê đất với cơ quan Nhà nước vì đây không phải là dự án mà Nhà nước thu hồi đất.

“Đến thời điểm này (cuối tháng 4/2019) Cty CP Vận tải xây dựng Tân Hưng Thịnh mới làm xong thủ tục chuyển nhượng được 3ha và đã gửi hồ sơ cho thuê đất đến Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) để Sở TN&MT thẩm định trình UBND tỉnh ban hành quyết định cho thuê đất”, ông Nguyễn Công Thịnh cho biết.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Thế Giang - Phó Giám đốc Sở TN&MT, Phó Trưởng ban chỉ đạo quản lý tài nguyên khoáng sản tỉnh Thái Nguyên cho hay: “Về phân cấp trong quản lý tài nguyên khoáng sản thì lãnh đạo xã Minh Đức phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thị xã Phổ Yên còn Chủ tịch UBND thị xã Phổ Yên sẽ phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra tình trạng khai thác tài nguyên khoáng sản không đúng quy định”.

Rất rõ ràng và mạch lạc như vậy nhưng không hiểu sao công trường khai thác đất tại mỏ núi Choẹt vẫn ngang nhiên diễn ra với 3 - 4 máy xúc cùng đoàn xe tải hoạt động hết công suất cả ngày lẫn đêm, trước sự chứng kiến của cán bộ UBND thị xã Phổ Yên được Phó Chủ tịch UBND cử đi cùng phóng viên?

Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết: Đường vành đai 5 vùng Thủ đô Hà Nội trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên dài hơn 30km, trong đó có 9km trùng với đại lộ Đông - Tây tỉnh Thái Nguyên nối từ huyện Phú Bình sang thị xã Phổ Yên đang được thi công, cần lượng đất đắp khoảng 600 nghìn m3. Tuy nhiên, thời gian gần đây, một số nhà thầu thi công đại lộ Đông -Tây sử dụng đất khai thác trái phép làm vật liệu thi công tuyến đường.

Ngoài việc cung cấp đất khi chưa được phép tại mỏ núi Choẹt, xã Minh Đức, thị xã Phổ Yên như đã nêu trên, thì trên thực tế, một số nhà thầu xây dựng tuyến đường còn mua đất của một số cá nhân khai thác trái phép trên địa bàn xã Úc Kỳ, Hà Châu, Nga My (huyện Phú Bình) chở đến công trình.

Nhiều người dân ở xã Hà Châu, Nga My cho hay: “Thời gian vừa qua, một số cá nhân đã mua nhiều quả đồi của người dân địa phương, khi đại lộ Đông - Tây được xây dựng, họ huy động máy xúc đào đất, dùng ôtô chở đến công trình bán trực tiếp cho các nhà thầu. Vì thế chất lượng đất làm vật liệu san lấp cũng khó kiểm soát, điều này có thể ảnh hưởng đến chất lượng tuyến đường đang thi công; gây hư hỏng đường giao thông, ô nhiễm môi trường, nguy cơ mất an toàn giao thông trên các tuyến đường hiện tại”.

Không những vậy, các cá nhân khai thác đất trái phép làm vật liệu san lấp đại lộ Đông - Tây trốn tránh đóng các loại thuế, phí đối với Nhà nước nên giá thành rẻ. Trong khi đó, để được cấp phép khai thác các điểm mỏ tại các xã Xuân Phương, Kha Sơn làm vật liệu san lấp công trình, các đơn vị liên quan phải tuân thủ các quy trình đánh giá chất lượng đất, thăm dò, đấu giá quyền khai thác, phê duyệt trữ lượng, phê duyệt phương án khai thác, phê duyệt đánh giá thác động môi trường... nộp các khoản thuế, phí cho Nhà nước.

Trước thực tế trên, người dân đề nghị tỉnh Thái Nguyên, chủ đầu tư, đơn vị tư vấn giám sát cần quản lý chặt chẽ việc sử dụng đất làm vật liệu thi công đại lộ Đông - Tây, kiên quyết không đưa đất được khai thác trái phép vào tuyến đường nhằm bảo đảm chất lượng thi công công trình; đồng thời bảo đảm an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, bảo vệ hạ tầng giao thông nông thôn tại địa phương.

Thái Nguyên Nhân

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load