Thứ hai 10/02/2025 06:46 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Kinh tế /

Thái Nguyên: Đặt mục tiêu trở thành trung tâm nhân lực toàn cầu cho ngành bán dẫn

10:34 | 09/02/2025

(Xây dựng) – Với nhiều lợi thế vượt trội, tỉnh Thái Nguyên đặt mục tiêu trở thành một trong những trung tâm nghiên cứu, thiết kế, sản xuất chip chuyên dụng và thiết bị điện tử hàng đầu cả nước. Phấn đấu đưa Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm nhân lực toàn cầu cho ngành bán dẫn.

Thái Nguyên: Đặt mục tiêu trở thành trung tâm nhân lực toàn cầu cho ngành bán dẫn
Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng trao đổi cơ hội hợp tác đầu tư lĩnh vực công nghiệp bán dẫn với Chủ tịch và Giám đốc điều hành Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ John Neufer cuối năm 2023.

Theo nội dung Kế hoạch triển khai Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Cụ thể đến năm 2030, chuẩn bị sẵn sàng hạ tầng, nhân lực và các điều kiện khác phục vụ nghiên cứu, sản xuất và đào tạo trong lĩnh vực bán dẫn để thu hút đầu tư. Thu hút tối thiểu 1 dự án đầu tư trong lĩnh vực bán dẫn. Phối hợp với các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước để hỗ trợ đào tạo nguồn giảng viên và kỹ sư tài năng cho tỉnh Thái Nguyên (khoảng 20 lượt mỗi năm). Mỗi năm tuyển và đào tạo khoảng 300 nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn; đào tạo chuyển đổi khoảng 1.000 nhân lực ngành liên quan (gần) sang ngành công nghiệp bán dẫn; số lượng người tốt nghiệp các ngành khoảng 2.000 nhân lực.

Đến năm 2050, từng bước khẳng định thương hiệu của Thái Nguyên như một trung tâm công nghệ cao của khu vực và cả nước để góp phần thu hút đầu tư, tạo ra các cơ hội phát triển mới và củng cố vị thế của tỉnh trên bản đồ công nghệ quốc gia và quốc tế. Phấn đấu đưa Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm nhân lực toàn cầu cho ngành bán dẫn. Tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của các doanh nghiệp lớn và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của ngành công nghiệp bán dẫn.

Để hiện thực hóa mục tiêu trên, UBND tỉnh yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với các Sở, ban, ngành, tổ chức, doanh nghiệp liên quan tiến hành khảo sát, đánh giá chi tiết hạ tầng hiện có cho phát triển công nghiệp bán dẫn (bao gồm điện, nước, giao thông, số, logistics và các khu công nghiệp…) trong thời gian từ năm 2025 - 2026.

Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và các cơ quan, đơn vị, liên quan khảo sát, thu thập thông tin về nhu cầu thị trường bán dẫn trên địa bàn tỉnh, thị trường trong nước và quốc tế, cũng như khả năng của tỉnh tham gia chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.

Thái Nguyên: Đặt mục tiêu trở thành trung tâm nhân lực toàn cầu cho ngành bán dẫn
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Huy Dũng chứng kiến Lễ ký kết hợp tác triển khai đại học số giữa Đại học Thái Nguyên với Đại học Seoul Cyber University.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị đánh giá tiềm năng về tài nguyên thiên nhiên sẵn có (như đất hiếm) có thể phục vụ cho ngành Bán dẫn.

Ban Quản lý các khu công nghiệp Thái Nguyên chủ trì, phối hợp lựa chọn các khu công nghiệp có vị trí thuận lợi, phù hợp để đầu tư, đảm bảo đồng bộ về cơ sở hạ tầng kỹ thuật (đặc biệt về cung cấp nguồn điện ổn định, đủ công suất và nước sạch, hệ thống xử lý nước thải, vệ sinh môi trường) nhằm phát triển ngành công nghiệp bán dẫn; thúc đẩy các khu, cụm công nghiệp lân cận để tạo cụm liên kết ngành cho chuỗi công nghiệp bán dẫn.

Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, rào cản về quy trình, thủ tục hành chính đối với hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực bán dẫn như báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép phòng cháy chữa cháy, thị thực nhập cảnh, giấy phép lao động... tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực bán dẫn.

Việt Hoan

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load