(Xây dựng) – Vừa qua, Tổ chức Đầu tư Quốc tế Anh (BII) – tổ chức tài chính phát triển và nhà đầu tư tác động của Vương quốc Anh, FMO – ngân hàng phát triển doanh nghiệp Hà Lan và SUSI Partners – đơn vị quản lý chuyên biệt về đầu tư cơ sở hạ tầng chuyển dịch năng lượng, đã thành lập Sustainable Asia Renewable Assets (SARA) – một nền tảng năng lượng tái tạo quy mô mới.
SUSI Partners, BII và FMO cam kết thúc đẩy xây dựng cơ sở hạ tầng chuyển dịch năng lượng hiệu quả trong khu vực. |
Được triển khai trong khuôn khổ Quỹ Chuyển dịch năng lượng châu Á SUSI (SAETF), mục tiêu của nền tảng là xây dựng danh mục các dự án năng lượng tái tạo mới với 500MW tại một số thị trường Đông Nam Á được lựa chọn.
Trọng tâm ban đầu của nền tảng đầu tư chung này là đưa các dự án mới vào xây dựng và vận hành. Ngoài ra, SARA còn có kế hoạch phát triển danh mục dự án độc quyền trên khắp Đông Nam Á, nhằm tạo một nền tảng năng lượng tái tạo có khả năng mở rộng và hoạt động độc lập. Trang trại điện gió Đầm Nại tại Việt Nam, được SUSI mua lại vào tháng 10/2024, sẽ trở thành tài sản nền tảng của SARA.
BII và FMO cam kết đầu tư lần lượt 70 triệu USD và 50 triệu USD thông qua các khoản đồng đầu tư vào SARA và các khoản bổ sung vào SAETF. Kết hợp với các cam kết từ các nhà đầu tư hiện tại và mới của SAETF, SUSI đã tăng gấp đôi quy mô chiến lược tập trung vào Đông Nam Á, từ 120 triệu USD lên 259 triệu USD (bao gồm cả các khoản đầu tư chung trực tiếp). Các quỹ này dành riêng cho các dự án cơ sở hạ tầng năng lượng bền vững ở Đông Nam Á.
Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), với vị thế trọng điểm của Đông Nam Á là trung tâm sản xuất và công nghiệp toàn cầu - khu vực này được dự báo sẽ chiếm hơn 1/4 nhu cầu tăng trưởng năng lượng của thế giới đến năm 2035. Từ năm 2010, gần 80% nhu cầu tăng trưởng năng lượng của Đông Nam Á được đáp ứng bằng nhiên liệu hóa thạch, khiến tác động khí hậu trên mỗi USD đầu tư vào chuyển dịch năng lượng của khu vực này thuộc hàng cao nhất thế giới.
Có mặt tại Singapore từ năm 2019, SUSI là đơn vị tiên phong trong quá trình chuyển dịch năng lượng của Đông Nam Á. Sau khi đóng quỹ SAETF vào năm 2023 với số tiền 120 triệu USD, quỹ đã được mở trở lại vào năm 2024 nhờ nguồn dự án lớn và nhu cầu mạnh từ các nhà đầu tư.
Danh mục đầu tư hiện tại của SAETF tập trung vào các dự án năng lượng tái tạo quy mô lớn, cũng như các dự án phân phối năng lượng và tăng cường hiệu quả năng lượng với khách hàng thương mại và công nghiệp tại các thị trường mới nổi ở Đông Nam Á. Đến nay, quỹ đã đầu tư vào Việt Nam, Philippines, Thái Lan và Campuchia.
Ông Srini Nagarajan, Giám đốc điều hành kiêm Giám đốc khu vực châu Á của BII cho biết: “Ngành Năng lượng sạch đang phát triển của Đông Nam Á mang lại tiềm năng đáng kể cho các khoản đầu tư khí hậu. Các tổ chức tài chính phát triển như chúng tôi có thể đóng vai trò then chốt trong quá trình chuyển dịch này. Chúng tôi rất vui được hợp tác với SUSI và FMO để ra mất một nền tảng quy mô lớn mới tại khu vực và tăng cường hỗ trợ cho SAETF. Đây là khoản đầu tư đầu tiên của BlI vào khu vực theo chiến lược hiện tại trong giai đoạn 2022-2026”.
Ông Peter Byrde, Giám đốc đầu tư cổ phần của FMO chia sẻ: “Thông qua đầu tư này, SARA có thể cung cấp năng lượng sạch cho các quốc gia Đông Nam Á đang có nhu cầu bổ sung nguồn điện, đồng thời đa dạng hóa ma trận năng lượng của họ. Tại FMO, chúng tôi cam kết đạt được danh mục đầu tư phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, phấn đấu hướng tới lộ trình 1,5 độ C ở cả cấp độ danh mục và đầu tư. Giao dịch này không chỉ cho phép chúng tôi đầu tư vào nhiều thị trường hấp dẫn, mà còn tối đa hóa tác động của tổ chức do đây là một giao dịch hoàn toàn xanh. Đây là một cơ hội rõ ràng và phù hợp với chiến lược đầu tư năng lượng theo hình thức vốn tư nhân của chúng tôi. Chúng tôi mong muốn được hỗ trợ các dự án phát triển giai đoạn này trên khắp khu vực”.
Ông Wymen Chan, Giám đốc châu Á của SUSI Partners bày tỏ: “Dù đặc điểm chính trị, kinh tế và xã hội riêng biệt của mỗi quốc gia ở Đông Nam Á đòi hỏi chuyên môn và mạng lưới địa phương mạnh mẽ, chúng tôi tin rằng khu vực này mang đến nhiều cơ hội hấp dẫn và độc đáo. Sự hỗ trợ từ các tổ chức uy tín như BII và FMO đóng vai trò quan trọng để thu hút thêm nguồn vốn cấp thiết cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng năng lượng bền vững trong khu vực”.
Với triển vọng kinh tế thuận lợi, các khung chính sách hỗ trợ và tiềm năng về giảm thiểu khí hậu đáng kể, SUSI Partners, BII và FMO cam kết thúc đẩy xây dựng cơ sở hạ tầng chuyển dịch năng lượng hiệu quả trong khu vực.
Hưng Thịnh
Theo