Năm 2024, giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ cả nước đạt 16,25 tỷ USD (tăng 20,3% so với năm 2023), trong đó, riêng xuất khẩu các sản phẩm gỗ đạt 11,2 tỷ USD. Mặc dù kết quả đạt được khả quan nhưng ngành gỗ vẫn đối mặt nhiều thách thức. Vì thế, cần nhận diện thị trường phù hợp để nâng cao khả năng xuất khẩu trong năm 2025 và tương lai…
![]() |
Chế biến gỗ xuất khẩu tại Công ty cổ phần gỗ Minh Dương (Bình Dương). (Ảnh Vũ Hoàng) |
Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia có tỷ trọng xuất khẩu gỗ hàng đầu thế giới, đã chinh phục được các thị trường quan trọng như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Hàn Quốc, Nhật Bản và ngày càng mở rộng tại các thị trường mới nổi như Trung Đông, Ấn Độ... Trong 10 năm trở lại đây, ngành chế biến gỗ Việt Nam đã tăng trưởng rất nhanh, đưa chúng ta vươn lên trở thành nước sản xuất gỗ và đồ nội thất lớn thứ 7 và là nhà xuất khẩu lớn thứ 2 thế giới.
Một trong những yếu tố thúc đẩy sự tăng trưởng trong hoạt động xuất khẩu của ngành gỗ là nhờ nhu cầu nhập khẩu ngày càng tăng tại các thị trường lớn, nhất là là thị trường Mỹ. Chỉ tính riêng thị trường Mỹ đã chiếm hơn 54% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ của Việt Nam. Theo các nhà phân tích, quy mô thị trường gỗ đồ nội thất của khu vực Bắc Mỹ đang tăng trưởng nhanh và sẽ đạt khoảng 400 tỷ USD vào năm 2030. Trong đó, riêng thị trường Mỹ chiếm khoảng 64,4% quy mô thị trường đồ nội thất toàn khu vực và dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ là 5,1% hằng năm. Đây là tiềm năng rất lớn, có tính ổn định cao của các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ Việt Nam.
Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) Ngô Sỹ Hoài cho biết, Mỹ đang chiếm thị phần chủ yếu trong tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của các doanh nghiệp. Từ đầu năm đến nay, xuất khẩu gỗ vào thị trường Mỹ đã phục hồi đáng kể. Qua khảo sát các doanh nghiệp, đơn hàng vào Mỹ đã tăng đều trong thời gian gần đây và nhiều doanh nghiệp đã có đơn hàng cho cả năm 2025. Đây là điều rất đáng mừng sau sự suy giảm và khó khăn trầm trọng của những năm trước đây, nhất là trong thời gian đại dịch Covid-19. Mới đây, Cục Lâm nghiệp Việt Nam đã làm việc với Cục Lâm nghiệp Mỹ nhằm đánh giá kết quả hợp tác thời gian qua và xác định nội dung, kế hoạch hợp tác trong lĩnh vực lâm nghiệp thời gian tới.
Cục Lâm nghiệp đánh giá cao sự hợp tác, hỗ trợ của phía Mỹ dành cho Việt Nam những năm qua trong lĩnh vực lâm nghiệp về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng bền vững, bảo tồn đa dạng sinh học, theo dõi đánh giá tài nguyên rừng, ứng phó biến đổi khí hậu và đề nghị phía Mỹ tiếp tục hợp tác, hỗ trợ Việt Nam triển khai những nội dung đã thống nhất giữa hai bên. Đây là một trong số những nội dung quan hệ hợp tác giữa hai nước về lĩnh vực lâm nghiệp thời gian gần đây, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của lâm nghiệp nói chung và lĩnh vực thương mại lâm sản nói riêng, trong đó có các mặt hàng gỗ. Sau thị trường Mỹ, trừ hai thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản có dấu hiệu giảm nhẹ lần lượt là 2,7% và 1,4% so với năm 2023, các thị trường nhập khẩu chính còn lại như EU, Trung Quốc vẫn duy trì tăng trưởng khá mạnh trong năm 2024.
Với nhiều thế mạnh về phát triển lâm nghiệp, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và các hiệp định thương mại tự do, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đang có những tiến triển khá tốt trên thị trường quốc tế. Ngành gỗ Việt Nam có vị thế thuận lợi để tận dụng nhu cầu mạnh mẽ từ thị trường trong nước và quốc tế. Đồng thời, các doanh nghiệp đang đầu tư công nghệ mới, chuyển đổi kỹ thuật để phát triển các sản phẩm và dịch vụ mới, nâng cao khả năng cạnh tranh, tăng tính hiệu quả và năng suất hơn. Theo VIFOREST, tiêu dùng hàng hóa tại nhiều thị trường lớn như Mỹ, châu Âu đang đón những tín hiệu tốt dần lên. Điều này sẽ thúc đẩy các đơn hàng xuất khẩu tăng, trong đó có nhóm hàng gỗ và sản phẩm gỗ. Theo đó, hoạt động xuất khẩu của ngành gỗ năm 2024 đã ghi nhận tốc độ tăng trưởng tích cực và với đà tăng trưởng hiện tại, dự báo ngành gỗ sẽ có nhiều triển vọng khả quan trong năm 2025.
Tuy có nhiều thuận lợi nhưng ngành gỗ cũng còn đối mặt với những khó khăn khi các thị trường xuất khẩu chính ngày càng yêu cầu chặt chẽ việc kiểm soát nguồn gốc gỗ bảo đảm hợp pháp, không ảnh hưởng suy thoái, mất rừng, sản xuất xanh, giảm phát thải khí nhà kính… Nguy cơ gian lận thương mại, giả xuất xứ sản phẩm hàng hóa ngày càng gia tăng; cạnh tranh thương mại diễn ra phức tạp cũng là thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam. Do vậy, việc nhận diện thị trường để phân bổ nguồn lực xuất khẩu đóng một vai trò hết sức quan trọng. Ngoài các yếu tố khách quan, năng lực nội tại của các doanh nghiệp hiện nay cũng còn hạn chế, khi phần lớn doanh nghiệp chủ yếu gia công theo đơn hàng và mẫu mã của các nhà phân phối nước ngoài. Sản xuất, xuất khẩu tăng trưởng nhiều năm liên tục nhưng dựa vào lao động và nguyên liệu giá rẻ, giá trị gia tăng của sản phẩm không cao. Phần lớn các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, chưa đủ năng lực xây dựng thương hiệu; sức chống chịu kém trước các biến động bất ngờ và liên tục từ thị trường. Các sản phẩm ít được phân phối trực tiếp đến khách hàng mà phải thông qua các kênh phân phối, doanh nghiệp nước ngoài… cũng đang là những trở ngại lớn tác động tiêu cực đến tính bền vững trong xuất khẩu các sản phẩm gỗ. Vì thế, để ngành gỗ phát triển bền vững, bên cạnh việc đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn về xuất xứ, môi trường, ngành gỗ Việt Nam phải chú trọng vào đầu tư cho thiết kế, sáng tạo, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm. Cùng với đó, ngành gỗ cần chuẩn bị kỹ để vượt qua thách thức và đáp ứng yêu cầu ngày càng cao từ thị trường quốc tế.
Hiện nay, Việt Nam đã xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đến hơn 160 quốc gia và vùng lãnh thổ. Với đà tăng trưởng hiện tại và sự nỗ lực của các doanh nghiệp cùng cơ quan quản lý, ngành gỗ kỳ vọng sẽ tiếp tục đạt được những thành tựu mới, củng cố vị thế trên thị trường quốc tế. Cùng với nỗ lực của các doanh nghiệp gỗ, sự tham gia có trách nhiệm, kịp thời của các cơ quan nhà nước, tổ chức hiệp hội doanh nghiệp trở nên hết sức cần thiết.
Theo đó, cần tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực để chủ động, ứng phó, giải quyết các vụ việc cạnh tranh thương mại, hạn chế đến mức thấp nhất những ảnh hưởng xấu do các vụ kiện gây ra. Làm tốt công tác tuyên truyền, tổ chức các hội chợ triển lãm, xúc tiến đầu tư để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm gỗ và lâm sản. Tổ chức theo dõi chặt chẽ, nắm bắt kịp thời những khó khăn, bất cập do cơ chế, chính sách để tháo gỡ cho các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ và lâm sản. Để ngành gỗ phát triển bền vững cần thực hiện đồng bộ các giải pháp hoàn thiện thể chế, chính sách hỗ trợ, vốn, nghiên cứu ứng dụng khoa học-công nghệ, liên kết trồng rừng và phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Cùng với sự nhận diện, đánh giá chính xác năng lực thị trường, cần nâng cao chất lượng nguồn nguyên liệu rừng trồng để tạo ra nguồn gỗ có chứng nhận; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tự động hóa trong chế biến sản phẩm gỗ và phụ phẩm gỗ nhằm nâng cao hiệu suất sử dụng nguyên liệu. Đồng thời, có chiến lược đào tạo nguồn nhân lực cao dài hạn, có trình độ chuyên môn sâu để phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ hiện đại, đáp ứng nhu cầu thực tiễn…
Theo Vũ Thành - Dũng Minh/Nhandan.vn
Link gốc: https://nhandan.vn/nhan-dien-thi-truong-tang-cuong-xuat-khau-go-post859229.html