Thứ năm 07/11/2024 19:33 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Kinh tế /

Thái Nguyên: 9 nhiệm vụ giải pháp trọng tâm thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội năm 2024

14:38 | 02/06/2024

(Xây dựng) – Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng nêu 9 nhiệm vụ giải pháp trọng tâm thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội tỉnh Thái Nguyên trong năm 2024 và yêu cầu thủ tưởng các Sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố triển khai, thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, hiệu quả các nội dung, nghị quyết đã đề ra.

Thái Nguyên: 9 nhiệm vụ giải pháp trọng tâm thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội năm 2024
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các dự án trọng điểm.

Theo đánh giá của Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên: Hiện nay, Thái Nguyên là địa phương có độ mở kinh tế lớn, riêng quy mô xuất khẩu năm 2023 của tỉnh đạt gần 26 tỷ USD, gấp 4 lần quy mô GRDP theo giá hiện hành (152.000 tỷ đồng, tương đương 6 tỷ USD).

Tuy nhiên, tỉnh Thái Nguyên vẫn phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức từ yếu tố bên ngoài khi tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó dự báo; sự phục hồi của các thị trường xuất khẩu chủ chốt còn chậm; rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng tiếp tục hiện hữu, giá cả nguyên vật liệu đầu vào biến động; vấn đề tỷ giá, lạm phát có xu hướng gia tăng, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp xuất nhập khẩu...

Ở trong tỉnh, các động lực tăng trưởng chủ chốt như sản xuất công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến chế tạo chưa đạt như kỳ vọng. Điển hình như trong quý I/2024, tăng trưởng GRDP toàn tỉnh đạt 5,15%, trong đó tăng trưởng khu vực công nghiệp - xây dựng đạt 5,57%. Trong khi đó, để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng năm 2024 đạt 7,5% thì ngành công nghiệp - xây dựng cần tăng trưởng khoảng 8,1%.

Kết quả giải ngân vốn đầu tư công cũng còn chậm, tính đến hết tháng 4/2024, kết quả giải ngân mới chỉ đạt 1.069 tỷ đồng; trong đó thanh toán vốn kế hoạch vốn năm 2024 đạt 1.046 tỷ đồng, đạt 12,3% kế hoạch vốn địa phương giao. So với kết quả giải ngân 4 tháng năm 2023, kết quả giải ngân năm 2024 thấp hơn 266 tỷ đồng về số tuyệt đối; thấp hơn 3,3% về tỷ lệ giải ngân tính trên kế hoạch vốn địa phương giao.

Khối doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI chiếm tỷ trọng khoảng 90% giá trị sản xuất công nghiệp và giá trị xuất khẩu hàng năm của tỉnh, trong khi các doanh nghiệp nội địa có sức cạnh tranh thấp, chưa tạo được kết nối với khối doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài; một số dự án ngoài ngân sách triển khai còn chậm, gặp khó khăn, vướng mắc.

Hoạt động thu ngân sách còn gặp không ít khó khăn, kết quả thu ngân sách 4 tháng đầu năm đạt 28,1% dự toán HĐND tỉnh giao, trong đó một số khoản thu chính còn khó khăn như thu tiền sử dụng đất đạt 12,4% dự toán năm, thu tiền thuê đất đạt 12,2% dự toán năm, thu từ doanh nghiệp FDI giảm 12,7% so với cùng kỳ, thu từ doanh nghiệp Nhà nước giảm 13,7%...

Thái Nguyên: 9 nhiệm vụ giải pháp trọng tâm thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội năm 2024
Năm 2023, Thái Nguyên xếp thứ 16 cả nước và trở thành địa phương thứ 18 thực hiện tự cân đối thu – chi, có dư gửi về ngân sách Trung ương.

Nhằm thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 21/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, khắc phục những tồn tại, hạn chế của địa phương, thực hiện cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu năm 2024, đặc biệt là chỉ tiêu về tăng trưởng kinh tế, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao thực hiện quyết liệt, hiệu quả các Nghị quyết của Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội, Kế hoạch của UBND tỉnh về Phân công, chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024, trong đó tập trung vào 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Cụ thể: Tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; Phát triển thị trường, mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đa dạng hóa chuỗi cung ứng; Đẩy mạnh việc thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi; tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân; Triển khai có hiệu quả 3 Chương trình mục tiêu quốc gia và mục tiêu xây dựng nông thôn mới; Thực hiện tốt công tác an sinh xã hội; Tham gia hoàn thiện thể chế, thực hiện hiệu quả các quy định pháp luật và các quy hoạch; Bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, đẩy mạnh đối ngoại và hội nhập quốc tế; Tăng cường công tác thông tin, truyền thông.

Thái Nguyên: 9 nhiệm vụ giải pháp trọng tâm thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội năm 2024
Thái Nguyên đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8%/năm trong giai đoạn 2021-2025. Sớm trở thành trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du, miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội.

Đặc biệt, trong việc cải cách hành chính thu hút đầu tư, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính và nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác điều hành ngành, lĩnh vực, địa phương; phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung; kiên quyết không để xảy ra tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm; đề cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu.

Tăng cường kiểm tra công vụ, kịp thời xử lý nghiêm và công bố công khai các cán bộ, công chức, viên chức, cơ quan, đơn vị để xảy ra chậm chễ, gây phiền hà cho doanh nghiệp và người dân.

Trong giải ngân vốn đầu tư công, cũng phải quyết liệt, khẩn trương phân bổ chi tiết toàn bộ kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 theo đúng nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn, đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, phù hợp với khả năng thực hiện, giải ngân và đúng quy định của pháp luật về đầu tư công. Trong đó, đặc biệt quan tâm bố trí vốn, xử lý dứt điểm các dự án đã được HĐND cho phép kéo dài thời gian bố trí vốn.

Chủ động thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư; phối hợp với các chủ đầu tư dự án thực hiện các thủ tục về đất đai, kịp thời bàn giao mặt bằng phục vụ các dự án, đặc biệt là các dự án hạ tầng giao thông, khu, cụm công nghiệp, hạ tầng thương mại, dịch vụ. Thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, nâng giá, ép giá vật liệu xây dựng…

Việt Hoan

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load