Thứ năm 25/04/2024 11:51 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Thái Bình: Thúc đẩy hạ tầng KCN, phát triển KKT, đột phá trong thu hút nhà đầu tư FDI

12:05 | 10/03/2023

(Xây dựng) – Mặc dù ảnh hưởng của dịch Covid-19, tình hình kinh tế thế giới khó khăn nhưng năm 2021-2022, Khu kinh tế (KKT) Thái Bình đã có những kết quả nổi bật trong công tác thu hút đầu tư vào KKT, khu công nghiệp (KCN) của tỉnh. Với tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) năm 2021 là 540 triệu USD, năm 2022 là 445 triệu USD, góp phần đưa Thái Bình vươn lên xếp thứ 15, 16 của cả nước về thu hút FDI năm 2021, 2022 (năm 2022 nếu chỉ xét vốn FDI cấp mới, Thái Bình nằm trong Top 10 của cả nước).

Thái Bình: Thúc đẩy hạ tầng KCN, phát triển KKT, đột phá trong thu hút nhà đầu tư FDI
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận đã trao Giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty TNHH Ohsung Display, Hàn Quốc trong khuôn khổ Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc tại Thủ đô Seoul, Hàn Quốc, ngày 12/12/2021.

Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập KKT Thái Bình năm 2017, bao gồm 30 xã, 1 thị trấn thuộc 2 huyện Thái Thụy, Tiền Hải và phần tiếp giáp ven biển, với diện tích tự nhiên 30.583ha.

KKT Thái Bình có vị trí địa lý thuận lợi, giáp với thành phố Hải Phòng, thuộc tam giác tăng trưởng kinh tế trọng điểm phía Bắc (Hải Phòng - Quảng Ninh - Hà Nội). KKT này kết nối giao thông rất thuận lợi, với nhiều tuyến đường giao thông quan trọng đi qua, như: Quốc lộ 39, Quốc lộ 37, đường cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng, đường Thái Bình – Hà Nam và đặc biệt là tuyến đường bộ ven biển đi qua 6 tỉnh: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa chạy dọc KKT đang được thi công xây dựng, dự kiến hoàn thành vào tháng 5/2023, rút ngắn khoảng cách giữa KKT Thái Bình với các đầu mối giao thông quan trọng trong khu vực (khoảng cách từ KKT Thái Bình tới sân bay quốc tế Cát Bi, cảng nước sâu Lạch Huyện khoảng 35 - 50km).

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định: Xây dựng và phát triển KKT Thái Bình thành trọng điểm, động lực phát triển kinh tế của tỉnh, là đột phá phát triển, nhiệm vụ chính trị trọng tâm hàng đầu trong cả nhiệm kỳ 2020 - 2025 và các nhiệm kỳ tiếp theo. Việc thành lập và đầu tư phát triển KKT Thái Bình là một bước ngoặt để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Bình.

Thời gian qua, tỉnh Thái Bình đã tập trung huy động các nguồn lực để đầu tư hạ tầng KKT Thái Bình, đồng thời đẩy mạnh kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đầu tư vào KKT Thái Bình.

Mặc dù ảnh hưởng của dịch Covid-19, tình hình kinh tế thế giới khó khăn nhưng năm 2021-2022, KKT Thái Bình đã có những kết quả nổi bật trong công tác thu hút đầu tư vào KKT, KCN của tỉnh. Với tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) năm 2021 là 540 triệu USD, năm 2022 là 445 triệu USD, góp phần đưa Thái Bình vươn lên xếp thứ 15, 16 của cả nước về thu hút FDI năm 2021, 2022 (năm 2022 nếu chỉ xét vốn FDI cấp mới, Thái Bình nằm trong Top 10 của cả nước).

Đạt được kết quả nêu trên là do sự nỗ lực, quyết tâm của các cấp chính quyền địa phương, sự đồng thuận, ủng hộ của người dân, doanh nghiệp trong việc xây dựng và phát triển KKT, đặc biệt có sự đóng góp rất lớn của các dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng KCN.

KCN đầu tiên trong KKT (KCN Liên Hà Thái) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 2/2021, với diện tích 588,84ha, chỉ trong vòng 10 tháng đã giải phóng mặt bằng hơn 500ha, thực hiện song song vừa giải phóng mặt bằng, vừa đầu tư xây dựng hạ tầng, vừa xúc tiến thu hút nhà đầu tư thứ cấp vào KCN. Đến nay, KCN Liên Hà Thái đã thu hút được 7 dự án thứ cấp, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 731 triệu USD, đồng thời có nhiều nhà đầu tư đang quan tâm nghiên cứu đầu tư vào KCN này.

Theo Kế hoạch phát triển KKT Thái Bình giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, Thái Bình đã đề ra mục tiêu: Đến năm 2025, thu hút 5 dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng KCN.

Tại buổi làm việc với tỉnh Thái Bình ngày 08/5/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đồng ý về chủ trương cho phép thành lập KCN Hải Long và hoàn tất các quy trình, thủ tục, hồ sơ dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng KCN Tân Trường trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tháng 11/2022 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng KCN Hải Long, với diện tích 297ha. Nhà đầu tư đang tích cực triển khai các thủ tục giải phóng mặt bằng để xây dựng hạ tầng, sẵn sàng thu hút các nhà đầu tư thứ cấp.

KCN Tân Trường đã được UBND tỉnh Thái Bình phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 tại Quyết định số 1713/QĐ-UBND ngày 03/8/2022, với diện tích đất KCN khoảng 345ha; tính chất là KCN tổng hợp đa ngành, công nghiệp sạch, công nghệ cao, ít gây ô nhiễm; công nghiệp hậu cần khu bến cảng, dịch vụ kho bãi, kho ngoại quan, dịch vụ logistics, ưu tiên các ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh, các ngành nghề phù hợp với quy hoạch chung KKT Thái Bình; mục tiêu hình thành KCN hiện đại với hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, chất lượng cao. Sau khi quy hoạch phân khu xây dựng KCN Tân Trường được phê duyệt, tỉnh Thái Bình đã tổ chức công bố, công khai theo quy định nhằm thu hút các nhà đầu tư.

Thái Bình: Thúc đẩy hạ tầng KCN, phát triển KKT, đột phá trong thu hút nhà đầu tư FDI
Tỉnh luôn đồng hành, hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi nhất dành cho nhà đầu tư - Công ty TNHH Ohsung Display, Hàn Quốc sau 6 tháng kể từ ngày được nhận Giấy chứng nhận đầu tư.

KCN Tân Trường có vị trí rất thuận lợi, nằm trên tuyến đường bộ ven biển, giáp với thành phố Hải Phòng; được định hướng xây dựng thành KCN hiện đại, tạo điểm nhấn cho KKT Thái Bình, đồng thời tạo tác động lan tỏa phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Do vậy, Thái Bình mong muốn thu hút nhà đầu tư hạ tầng có năng lực, kinh nghiệm, uy tín để thực hiện dự án phát triển kết cấu hạ tầng KCN này, cụ thể:

Năng lực tài chính đảm bảo triển khai thực hiện dự án, sử dụng đất theo tiến độ đăng ký đáp ứng yêu cầu theo quy định của pháp luật về đất đai. Hoàn thành đầu tư hạ tầng, thu hút lấp đầy 100% ít nhất một dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng KCN có quy mô tương tự, với các dự án thứ cấp là các dự án sử dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường. Có năng lực, kinh nghiệm trong việc thu hút đầu tư các dự án FDI có giá trị gia tăng cao, đặc biệt là các nhà đầu tư đến từ: EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… Tiến độ thực hiện dự án từ 36 tháng trở xuống.

KKT Thái Bình là địa bàn có tính đột phá của tỉnh; việc xây dựng và phát triển KKT là nhiệm vụ chính trị trọng tâm hàng đầu của tỉnh Thái Bình. Để đạt được mục tiêu nêu trên, Thái Bình luôn chào đón và cam kết đồng hành, hỗ trợ các nhà đầu tư hạ tầng KCN có năng lực, kinh nghiệm, uy tín đầu tư vào KKT Thái Bình.

Kim Oanh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load