(Xây dựng) - Suốt một thời gian dài, máy xúc, thuyền tải ào ào chở đất đi bán, phút chốc cả con đê dài đến gần 1km, cao 2 mét, rộng khoảng 6m bị “biến mất”, sau đó lại tiếp tục bị “khoét” sâu xuống thành sông, gây bất bình dư luận. Quan trọng, số tiền bán hàng nghìn khối đất đó đi đâu. Rồi hàng loạt các tai tiếng về vấn đề “nông thôn mới” đã bắt đầu xuất hiện tại xã Bình Minh, huyện Kiến Xương. Những tham nhũng vụn vặt đã khiến nhân dân chia rẽ, bất bình. Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần vào cuộc làm rõ các sai phạm…
Người dân tố cáo việc con đê nay đã biến thành sông. Tiền bán đất đê đi đâu?
“Ăn đủ thứ”
Trao đổi với PV Báo Điện tử Xây dựng, ông Phùng Văn Dũng, ông Đoàn Văn Vôn (75 tuổi), bà Phạm Thị Nhuân (65 tuổi) cùng trú tại thôn Đông Thành, xã Bình Minh, huyện Kiến Xương bất bình tố cáo: để giám sát quy trình dồn điền, đổi thửa làm “nông thôn mới”, nhân dân của thôn Đông Thành đã bầu ra một tổ kiểm tra và anh Dũng được tín nhiệm bầu làm tổ trưởng. Từ đây, tổ kiểm tra này đã phát hiện ra nhiều dấu hiệu sai phạm của ông Nguyễn Ngọc Quang, chủ tịch UBND xã Bình Minh cùng các “vây cánh” trong hàng loạt việc khuất tất của địa phương. Phát hiện sai phạm, những người này đã làm đơn tố cáo gửi lên Ban Phòng chống tham nhũng tỉnh Thái Bình, tố cáo lên UBND huyện Kiến Xương… Tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa có “hồi kết” của vụ việc.
Qua điều tra, chúng tôi được biết: Vào những năm 2000, dòng sông “Kinh Nhuế” (tên địa phương) chảy ngăn đôi giữa hai xã là Hòa Bình và Bình Minh. Để tránh bị lũ lụt, nhân dân địa phương đã đắp một đê đất dài chừng 1km, cao 2m, rộng khoảng 6m, trên trồng phi lao bên bờ của xã Bình Minh. Sau đó, đến năm 2001, ông Nguyễn Ngọc Quang, Chủ tịch UBND xã Bình Minh lên làm chủ tịch UBND xã, không hiểu bằng cách nào, chủ trương nào mà cả con đê này bị “hót sạch” trong vòng nửa năm. Hàng nghìn khối đất được mang đến xí nghiệp gạch Cầu Cam và chở đi đâu đó. Việc làm này khiến dư luận đặt dấu hỏi, số tiền bán đất đó có được nộp vào kho bạc nhà nước hay là tư túi cá nhân ?
3 người dân, đại diện cho nhân dân thôn Đông Thành dũng cảm tố cáo.
Chưa dừng lại, đến lúc triển khai công tác “dồn điền đổi thửa” năm 2013 vừa qua, máy xúc lại tiếp tục xúc đất nốt phần đê còn nổi thấp xuống 1,5m nước để biến cả đoạn đê này thành sông, đất lại tiếp tục chở đến xí nghiệp gạch Cầu Cam bán khiến cho nhân dân bất bình. Theo tính toán, hàng nghìn khối đất đã bị “ăn cắp”.
Không chỉ tố cáo ông Nguyễn Ngọc Quang, Chủ tịch UBND xã Bình Minh, người dân còn tố cáo nhiều nhân vật “điển hình” cho nạn bớt xén nữa là: ông Bùi Xuân Mấn, Bí thư thôn Đông Thành, bà Nguyễn Thị Mận, trưởng thôn. Theo đó, ông Mấn bị tố cáo “ăn gian” 284 khối đất, tự ý xây nhà kiên cố trái phép trên đất 20 năm. Bà Mận bị tố lợi dụng quan hệ để đào ao, làm trang trại đên đất hai lúa, làm sổ sách thanh toán “công ma”, khai không đồng màu. Cũng theo danh sách thống kê của tổ kiểm tra, có đến 10 đầu việc bị ăn chặn: Tiền “công ma”, không có người làm mà vẫn có người nhận 90,5 công; Khai tăng 84 cống (bi gạch + bi bê tông), âm hụt tiền quỹ với nhiều khoản mâu thuẫn, khai khống đồng màu… Số tiền lên đến cả gần 100 triệu đồng. So với những người giàu có, với thành phố thì chả nghĩa lý gì, nhưng với những người dân nghèo, một nắng hai sương cùng nhau đóng góp là cả một vấn đề cần phải làm rõ.
Đường vào làng, nhưng có quá nhiều “ma”
Đe dọa người tố cáo
Để trả thù những lá đơn tố cáo của người dân, một số “đầu gấu” làng đã bắt đầu có những hành động dọa dẫm, chửi bới, đe nẹt những người tố cáo. Nhiều người dân trong thôn không khỏi bất bình trước hành động của 3 đối tượng Đoàn Văn Dùng, Đoàn Văn Tốn, và Nguyễn Thị Màu (vợ Dũng làm trên huyện). Vào khoảng 8g30 tối, cả nhóm này đã kéo đến nhà ông Đoàn Văn Vôn (75 tuổi), là cựu chiến binh để gây sự, có nhiều lời lẽ thiếu văn hóa, gây sự với ông lão hòng ngăn cản chặng đường đi đòi công lý.
Còn bà Phạm Thị Nhuân (65 tuổi), sau một buổi họp “đấu tố” về chuyện “nâng khống khối lượng, công xá…” tại nhà văn hóa thôn, lúc về đã bị đối tượng Đoàn Văn Tốn truy đuổi. Hoảng quá, bà Nhuân chạy ngược và hội trường kêu cứu. Theo nhiều người chứng kiến, lúc này trong hội trường vẫn còn hàng loạt các quan xã gồm: Ông Bùi Xuân Thành, Bí thư đảng ủy xã; Nguyễn Ngọc Quang, Chủ tịch UBND xã, Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Bí thư, Nguyễn Đức Tuệ, Phó chủ tịch xã, Nguyễn Thành Phố, Ban tư pháp xã, Bùi Thanh Bình, Chủ nhiệm HTX NN, Mai Văn Út, cán bộ địa chính… Sau đó bà Nhuân làm đơn gửi lên Công an xã can thiệp, làm rõ hành vi lao xe máy vào bà, nhưng đơn từ gửi lên cũng không thấy hồi âm…
Mới 4 giờ chiều mà UBND xã Bình Minh đã “cửa đóng, then cài”.
Trao đổi với phóng viên, ông Bùi Thanh Giang, một người dân có ruộng nằm ven sông “Kinh Nhuế” tố cáo. Nhà ông đã bị múc mất 5 sào ruộng. đào sâu khoảng 3m và mang bán với giá 80 ngàn/khối. Ít nhất đám bán đất này cũng bỏ túi gần 500 triệu…
Để rộng đường dư luận, PV Báo Điện tử Xây dựng đã đến làm việc với UBND xã, tuy nhiên mới 4 giờ chiều mà trụ sở này “vắng hoe”. Đã đến lúc các cơ quan chức năng của huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình cần sớm vào cuộc, lãm rõ các dấu hiệu sai phạm của UBND xã Bình Minh trong hàng loạt các nội dung tố cáo của công dân.
Báo Điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.
Đức Hải
Theo