Thứ tư 01/05/2024 06:52 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Thái Bình: Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá

20:00 | 11/02/2024

(Xây dựng) - Sau hơn 30 năm đổi mới, nhất là sau 3 năm thực hiện Nghị quyết đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Bình lần thứ XX, Thái Bình đang chuyển trọng tâm mũi nhọn kinh tế sang công nghiệp, dịch vụ - du lịch, đặc biệt đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư. Nhân dịp Xuân Giáp Thìn 2024, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận đã trao đổi cùng PV Báo Xây dựng về trọng tâm mũi nhọn kinh tế này.

Thái Bình: Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các đồng chí lãnh đạo nghe Chủ tịch HĐQT Green i - Park báo cáo quá trình đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Liên Hà Thái, huyện Thái Thuỵ.

´Xin ông cho biết chủ trương chuyển đổi cơ cấu kinh tế của tỉnh Thái Bình theo Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX?

- Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Bình lần thứ XX đã đề ra các nhiệm vụ trọng tâm: Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế và trong từng ngành, lĩnh vực gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất hàng hóa quy mô lớn và tham gia vào chuỗi giá trị. Phát triển nông nghiệp bền vững theo hướng nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ sinh học, sản xuất hàng hóa có giá trị và chất lượng theo nhu cầu của thị trường.

Thái Bình: Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá
Ông Nguyễn Khắc Thận

Cùng với đó là xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng văn minh, hiện đại gắn với đô thị hoá; thực hiện có hiệu quả việc cơ cấu lại các ngành công nghiệp. Phát triển thương mại, dịch vụ theo hướng văn minh, hiện đại; tập trung xây dựng, phát triển Khu kinh tế Thái Bình toàn diện về công nghiệp, thương mại, du lịch, dịch vụ, đô thị và kinh tế biển, trở thành trọng điểm, động lực phát triển kinh tế của tỉnh là nhiệm vụ chính trị trọng tâm hàng đầu trong cả nhiệm kỳ 2020 - 2025 và các nhiệm kỳ tiếp theo...

Khu công nghiệp Liên Hà Thái là khu công nghiệp đầu tiên thuộc khu kinh tế Thái Bình, là KCN trọng điểm về thu hút đầu tư của tỉnh Thái Bình.

Kết quả sau 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, Thái Bình đã đạt được những thành tựu cơ bản. Trong đó, chuyển đổi, cơ cấu lại nền kinh tế của tỉnh đạt kết quả khá tích cực, cụ thể: Tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP năm 2023 đạt 67.948 tỷ đồng, gấp gần 1,3 lần so với năm 2020 với tốc độ tăng trưởng bình quân 3 năm (2000 - 2023). Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; ngành công nghiệp và xây dựng chiếm 45%, ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2023 chiếm 19,9%.

Tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ trong GRDP tăng từ 72,5% năm 2020 lên 78,9% năm 2023. GRDP bình quân đầu người năm 2023 đạt 65,5 triệu đồng, thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt 62,4 triệu đồng...

Đặc biệt, công tác xúc tiến, thu hút đầu tư đã có sự thay đổi căn bản từ công tác lãnh đạo, chỉ đạo đến cách thức thực hiện và đạt kết quả tích cực. Thu hút đầu tư, nhất là thu hút đầu tư FDI, có sự phát triển vượt bậc so với các giai đoạn trước. Giai đoạn 2021 - 2023, thu hút vốn đầu tư của tỉnh đạt 153.011 tỷ đồng (gấp 3,5 lần so với giai đoạn 2016 - 2020). Trong đó, vốn đầu tư nước ngoài FDI đạt trên 4,1 tỷ USD (gấp 13,4 lần so với giai đoạn 2016 - 2020). Riêng năm 2023, tỉnh thu hút được vốn FDI gần 3 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay.

Xin ông cho biết giải pháp thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX. Trước hết là công tác quy hoạch, quy hoạch chung, quy hoạch phân khu của địa phương?

- Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đã đề ra các chỉ tiêu cơ bản phấn đấu cho giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, trong đó có chỉ tiêu tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đến năm 2025 đạt 30% trở lên.

Thực hiện quy định của Luật Quy hoạch, tỉnh Thái Bình đã tổ chức lập Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1735/QĐ-TTg ngày 29/12/2023. Tỉnh đã tập trung chỉ đạo các ngành, địa phương đẩy mạnh công tác lập, trình thẩm định và phê duyệt các đồ án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết đô thị, nông thôn.

Cụ thể, UBND tỉnh đã phê duyệt 8 đồ án quy hoạch mở rộng đô thị hiện hữu, quy hoạch đô thị mới làm căn cứ lập các đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết đô thị. 100% các xã nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đã có quy hoạch chung được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Đặc biệt, để đẩy mạnh thu hút đầu tư, tỉnh ủy, UBND tỉnh Thái Bình đã chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương tập trung giải quyết các thủ tục về đầu tư xây dựng, trong đó có công tác lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch phân khu. Từ năm 2020 đến nay, đã có 12 đồ án quy hoạch phân khu xây dựng các khu chức năng trong Khu kinh tế Thái Bình được lập, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Qua đó, làm căn cứ đề xuất, thực hiện dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp để thu hút các dự án thứ cấp (trọng tâm thu hút các dự án FDI). Hiện Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Liên Hà Thái tại huyện Thái Thụy đang được xem là điểm sáng thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Quy hoạch là tiền đề thu hút nhà đầu tư, nhưng phải có môi trường đầu tư, địa phương đáp ứng hạ tầng giao thông, điện, nước tới chân công trình. Ông có thể chia sẻ về vấn đề này?

- Có thể khẳng định, việc cải thiện môi trường đầu tư là một nhiệm vụ được tỉnh Thái Bình rất chú trọng trong thời gian qua. Tỉnh đã tập trung bố trí nguồn lực để đầu tư xây dựng các tuyến giao thông kết nối các địa phương lân cận với tỉnh Thái Bình và kết nối các huyện với Khu kinh tế Thái Bình như: Tuyến đường bộ ven biển, tuyến đường từ TP Thái Bình đi Cầu Nghìn, các tuyến đường trục trong Khu kinh tế, tuyến đường từ TP Thái Bình Cồn Vành, tuyến đường cao tốc CT.08…

Trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 10 khu công nghiệp đã được thành lập và 49 cụm công nghiệp với tổng diện tích gần 3.000 ha đã giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ sở hạ tầng luôn sẵn sàng chào đón nhà đầu tư. Trong đó, có 4 khu công nghiệp nằm trong Khu kinh tế Thái Bình và 6 khu công nghiệp ngoài Khu kinh tế Thái Bình. Tổng số dự án thứ cấp thu hút tại các khu công nghiệp tính đến hết năm 2030 đạt khoảng 230 dự án.

Thái Bình: Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá

Để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, tỉnh sẽ tiếp tục bố trí nguồn lực đầu tư xây dựng hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối. Đôn đốc các DN đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp khẩn trương hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật. Chủ động bố trí quỹ đất thu hút các dự án thứ cấp có hiệu quả kinh tế cao, tạo sự thay đổi tích cực, rõ nét hơn về môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh, từ đó đưa Thái Bình trở thành điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư.

Tại tỉnh Thái Bình, công nghiệp đang là thế mạnh vượt trội so với cây lúa. Tỉnh đã và đang quan tâm phát triển dịch vụ du lịch sông biển, du lịch trải nghiệm đồng quê, du lịch tâm linh. Nhân dịp Xuân Giáp Thìn, ông chia sẻ đôi nét về du lịch Thái Bình để bạn đọc du xuân?

- Du lịch của Thái Bình có xuất phát điểm muộn và không được thiên nhiên ưu đãi nhiều như một số tỉnh du lịch phát triển; nhưng với sự cố gắng, nỗ lực, tỉnh đã và đang khai thác các tiềm năng du lịch của tỉnh, đạt được những kết quả bước đầu, từng bước bắt nhịp với xu hướng phát triển du lịch chung khu vực Đồng bằng sông Hồng và cả nước. Năm 2023, tổng lượng khách đạt 850.000 lượt, trong đó chủ yếu là khách du lịch nội địa, doanh thu đạt 550 tỷ đồng.

Trong thời gian tới, theo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Thái Bình tập trung chỉ đạo phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với tiềm năng, thế mạnh và quy hoạch của tỉnh; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch đồng bộ, hiện đại; tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến, thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch; phát triển sản phẩm du lịch đa dạng, thân thiện môi trường, có thương hiệu, tính cạnh tranh cao, gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, khai thác các khu sản xuất sản phẩm nông nghiệp, nông thôn, sản phẩm OCOP, đặc sản địa phương, làng nghề truyền thống; từng bước đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế quan trọng, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và du lịch cả nước. Trong đó tập trung phát triển: Về du lịch sông biển; Du lịch văn hoá tâm linh; Du lịch cộng đồng.

Trân trọng cảm ơn ông!

Kim Oanh (thực hiện)

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load