Thứ ba 30/04/2024 01:05 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Tây Ninh: Phát triển ngành nghề có lợi thế để xây dựng nông thôn mới

22:19 | 01/04/2024

(Xây dựng) - Năm 2024, tỉnh Tây Ninh tiếp tục ưu tiên phát triển những ngành nghề nông thôn có lợi thế. Chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, cơ cấu lao động nông thôn cũng là một trong những cách để xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao tại Tây Ninh.

Tây Ninh: Phát triển ngành nghề có lợi thế để xây dựng nông thôn mới
Lao động làm việc tại cơ sở sản xuất bánh tráng của Công ty TNHH Tân Nhiên (thị xã Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh).

Theo Kế hoạch phát triển ngành nghề nông thôn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2022-2025, sẽ phát triển một số ngành nghề mới theo hướng sử dụng lợi thế của mỗi địa phương, tạo những sản phẩm hàng hóa có giá trị gia tăng, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người lao động ở nông thôn… là những mục tiêu quan trọng phải thực hiện.

Bên cạnh đó, việc phát triển ngành nghề nông thôn còn để phát huy các giá trị truyền thống và thế mạnh của từng địa phương để thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường bền vững ở nông thôn; giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc và khai thác có hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Việc bảo tồn và phát triển các nghề truyền thống, làng nghề truyền thống phải gắn với thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế, đẩy mạnh xuất khẩu, phù hợp phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương. Bên cạnh đó, ngành nghề nông thôn còn góp phần giảm nghèo, nâng cao đời sống cho một số bộ phận gia đình ở nông thôn, đặc biệt góp phần quan trọng vào thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Theo đó, tại Tây Ninh sẽ ưu tiên chú trọng phát triển các nhóm nghề như: Chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; xử lý, chế biến nguyên vật liệu phục vụ sản xuất; sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, dệt may…; sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh; sản xuất muối các loại; dịch vụ phục vụ sản xuất…

Tỉnh Tây Ninh hiện có 73 doanh nghiệp, 21 hợp tác xã (HTX), 3 tổ hợp tác, trên 17.000 hộ gia đình hoạt động trong lĩnh vực nghề nông thôn. Năm 2023, tổng giá trị sản phẩm ngành nghề nông thôn mang lại khoảng 9.400 tỷ đồng. Riêng nhóm ngành nghề truyền thống, làng nghề truyền thống có khoảng 400 hộ và 1 HTX.

Hiện nay, một số nghề truyền thống và làng nghề truyền thống đã được công nhận trên địa bàn tỉnh đã và đang hoạt động hiểu quả như: Nghề truyền thống chằm nón lá, gò nhôm và mộc gia dụng (thành phố Tây Ninh); làm nhang, đúc gang, mộc gia dụng, mây tre đan (thị xã Hoà Thành); tráng bánh tráng, mây tre đan và rèn (thị xã Trảng Bàng).

Theo lãnh đạo tỉnh Tây Ninh, địa phương sẽ ban hành một số chính sách hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn, bảo tồn và phát huy các nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn; phối hợp với các địa phương tổ chức lại sản xuất theo hướng tăng cường hợp tác giữa doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình để tạo liên kết vùng; phát triển vùng nguyên liệu theo định hướng sản xuất gắn với sơ chế, chế biến, bảo quản và tiêu thụ.

Những hoạt động này sẽ thể hiện đặc trưng của địa phương, góp phần phát triển du lịch nông nghiệp bền vững gắn kết bảo vệ môi trường; từng bước hình thành vùng nông nghiệp công nghệ cao, vùng chuyên canh cây trồng, cây ăn quả và tổ chức nhiều lễ hội truyền thống thông qua hoạt động du lịch nhằm giới thiệu, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm đặc sản.

Tây Ninh: Phát triển ngành nghề có lợi thế để xây dựng nông thôn mới
Dưa lưới trồng trong nhà kính của Công ty TNHH MTV Nông sản Hoàng Xuân (thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh).

Đến nay, toàn tỉnh Tây Ninh có 61/71 xã đạt chuẩn nông thôi mới (chiếm 85,9%), trong đó có 20/20 xã biên giới; 17 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; thị xã Hòa Thành được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ nông thôn mới năm 2020… và Tây Ninh phấn đấu đến cuối năm 2025 có 71/71 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Để hoàn thành mục tiêu, tỉnh Tây Ninh xác định tập trung vào nhiều nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó, Tây Ninh xác định đẩy mạnh phát triển sản xuất theo hướng cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn và quá trình đô thị hóa; chuyển mạnh từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, từ nền nông nghiệp sản lượng cao sang nông nghiệp công nghệ cao...

Tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao.

Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng NTM thông minh. Nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Quan tâm phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã. Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh và thực hành sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp an toàn.

Huỳnh Kha

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load