Thứ tư 11/12/2024 16:02 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Thời sự /

Tập trung tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, triển khai hiệu quả nguồn vốn 120.000 tỷ đồng

13:43 | 16/03/2024

(Xây dựng) – Đó là đề xuất của Bộ Xây dựng tại Hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội về các nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện trong thời gian tới.

Tập trung tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, triển khai hiệu quả nguồn vốn 120.000 tỷ đồng
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị.

Tập trung xây dựng Nghị định hướng dẫn, xem xét hạ mức lãi suất cho vay

Tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 05/01/2024 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024, Thủ tướng Chính phủ đã giao cả nước nỗ lực phấn đấu hoàn thành khoảng 130.000 căn hộ nhà ở xã hội trong năm 2024. Để hoàn thành mục tiêu nêu trên, Bộ Xây dựng đã giao chỉ tiêu hoàn thành năm 2024 đối với từng địa phương tại văn bản số 788/BXD-QLN ngày 27/02/2024.

Đối với các Bộ, ngành, nhiệm vụ quan trọng nhất là tập trung xây dựng các Nghị định hướng dẫn Luật Nhà ở số 27/2023/QH15 để tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật, triển khai hiệu quả, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội.

Đồng thời, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để góp ý xây dựng các Nghị định hướng dẫn Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng, sửa đổi pháp luật về Thuế... để đồng bộ với Luật Nhà ở (sửa đổi) về các cơ chế chính sách nhà ở xã hội.

Hiện nay, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính đang khẩn trương, tập trung nghiên cứu dự thảo các Nghị định hướng dẫn các Luật Nhà ở số 27/2023/QH15 và Luật Kinh doanh Bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Đất đai (sửa đổi), Luật các Tổ chức tín dụng (sửa đổi) để trình Chính phủ xem xét, ban hành ngay trong tháng 5/2024. Từ đó, Chính phủ sẽ xem xét, trình Quốc hội cho phép các Luật nêu trên có hiệu lực sớm, dự kiến trong 01/07/2024.

Bộ Xây dựng đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục nghiên cứu, xem xét hạ mức lãi suất cho vay nguồn vốn hỗ trợ 120.000 tỷ đồng phù hợp với điều kiện thực tiễn trong từng giai đoạn; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc triển khai hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ 120.000 tỷ đồng theo Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/03/2023 của Chính phủ.

Tập trung tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, triển khai hiệu quả nguồn vốn 120.000 tỷ đồng
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị.

Bên cạnh việc thúc đẩy triển khai nguồn vốn 120.000 tỷ đồng thông qua các Ngân hàng thương mại, Bộ Xây dựng đề nghị Bộ kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội và Bộ Xây dựng bố trí đủ nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, từ nguồn đầu tư công cho Ngân hàng Chính sách Việt Nam để cho khách hàng cá nhân vay mua, thuê mua nhà ở xã hội theo quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 17 của Nghị định 100/2015/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội trong giai đoạn 2024 – 2025 và giai đoạn tiếp theo.

Cụ thể, theo đề xuất của Ngân hàng Chính sách xã hội, nhu cầu vay vốn trong giai đoạn 2024 – 2025 là 12.000 tỷ đồng, trong đó ngân sách Nhà nước cấp 50% là 6.000 tỷ đồng, mỗi năm cấp 3.000 tỷ đồng.

Về phía Bộ Công an và Bộ Quốc phòng, Bộ Xây dựng đề nghị mỗi Bộ phấn đấu xây dựng được 5.000 căn hộ nhà ở xã hội trong năm 2024. Hai Bộ cũng cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương, chuẩn bị quỹ đất đảm bảo đáp ứng nhu cầu, chuẩn bị các nguồn lực khác về tài chính, con người... để triển khai hiệu quả các dự án nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân sau khi Luật Nhà ở 2023 có hiệu lực thi hành.

Trong khi đó, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cần phấn đấu hoàn thành 2.000 căn hộ trong năm 2024. Bộ Xây dựng đề nghị cơ quan này tăng cường phối hợp với các địa phương trong việc đẩy mạnh xây dựng các dự án thiết chế công đoàn và chuẩn bị quỹ đất, nguồn lực tài chính công đoàn để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động thuộc đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội thuê.

Bộ Xây dựng sẽ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành đôn đốc các địa phương tập trung thực hiện mục tiêu hoàn thành 130.000 căn hộ nhà ở xã hội trong năm 2024 theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 05/01/2024.

Khẩn trương lập, bổ sung kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương

Về phía các địa phương, Bộ Xây dựng đề nghị các tỉnh, thành phố khẩn trương lập, sửa đổi, bổ sung Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của các địa phương. Chương trình, kế hoạch phải làm rõ các mục tiêu về nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp, lực lượng vũ trang nhân dân.

Các địa phương cần lập kế hoạch triển khai Đề án theo nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 338/QĐ-TTg ngày 03/04/2023 của Thủ tướng Chính phủ.

Về quy hoạch, bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương tăng cường rà soát, bổ sung quy hoạch đô thị, quy hoạch khu công nghiệp, bảo đảm dành đủ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội, bao gồm nhà ở lực lượng vũ trang nhân dân.

Một nhiệm vụ quan trọng khác là quy hoạch, bố trí các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân độc lập tại các vị trí phù hợp, thuận tiện, có quy mô phù hợp, đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.

Tập trung tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, triển khai hiệu quả nguồn vốn 120.000 tỷ đồng
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh phát biểu tại Hội nghị.

Ngoài ra, các địa phương cũng phải rà soát, thực hiện nghiêm quy định về việc dành 20% quỹ đất ở đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị để đầu tư phát triển nhà ở xã hội theo pháp luật về nhà ở. Căn cứ mục tiêu của Đề án và chỉ tiêu theo phụ lục nhà ở xã hội hoàn thành trong năm 2024, các địa phương khẩn trương lập kế hoạch triển khai cụ thể việc đầu tư các dự án nhà ở xã hội đảm bảo mục tiêu đề ra.

Đối với các dự án đã khởi công, Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương thường xuyên đôn đốc để hoàn thành dự án ngay trong năm 2024; hướng dẫn, tạo điều kiện các dự án được nghiệm thu, đưa vào sử dụng theo đúng quy định pháp luật. Đối với các dự án đã chấp thuận chủ trương đầu tư, các địa phương cần khẩn trương triển khai các thủ tục lựa chọn chủ đầu tư; giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; lập, thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật; cấp phép xây dựng... để khởi công, xây dựng ngay trong năm 2024.

Đối với các quỹ đất nhà ở xã hội chưa được chấp thuận chủ trương đầu tư, các địa phương cần khẩn trương lập quy hoạch; thẩm định báo cáo tiền khả thi; cập nhật dự án vào chương trình kế hoạch của địa phương... để hoàn thành thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư.

Các địa phương cần sớm lập, phê duyệt và công bố công khai Danh mục dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội độc lập phải lựa chọn chủ đầu tư theo hình thức đấu thầu để các doanh nghiệp quan tâm nghiên cứu, đề xuất tham gia.

Sau đó, các địa phương cũng phải có các cơ chế, giải pháp cụ thể, rút ngắn thủ tục hành chính về lập, phê duyệt dự án, giao đất, cho thuê đất, giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư xây dựng... để hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp triển khai đầu tư xây dựng dự án.

Về nguồn vốn ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng đề nghị UBND cấp tỉnh tiếp tục xem xét, kiểm tra các thủ tục pháp lý, lập danh mục dự án đủ điều kiện được vay nguồn vốn 120.000 tỷ đồng để công bố công khai, từ đó các ngân hàng sẽ có cơ sở áp dụng cho vay theo chương trình và gửi văn bản đến Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cùng Bộ Xây dựng theo dõi, tổng hợp.

Đảm bảo tiến độ hoàn thành các công trình trên quỹ đất 20% nhà ở xã hội

Về phía các doanh nghiệp, Bộ Xây dựng đề nghị các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội lập tiến độ, chuẩn bị nguồn lực, tài chính, áp dụng công nghệ mới nhằm rút ngắn thời gian thi công. Đối với các dự án nhà ở xã hội đã lựa chọn chủ đầu tư, Bộ Xây dựng đề nghị các chủ đầu tư khẩn trương hoàn thiện các thủ tục pháp lý để khởi công xây dựng theo các đồ án quy hoạch và chấp thuận chủ trương đầu tư đã được phê duyệt.

Các chủ đầu tư cần khẩn trương triển khai khởi công, đảm bảo tiến độ hoàn thành các công trình trên quỹ đất 20% nhà ở xã hội, đồng thời chủ động rà soát đối tượng, điều kiện, đăng ký với UBND cấp tỉnh để được công bố trong danh mục vay vốn ưu đãi từ gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng.

Sau khi khởi công dự án, chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội có trách nhiệm cung cấp, công bố công khai các thông tin liên quan đến dự án để người dân biết đăng ký mua, thuê mua, thuê.

Dịch Phong - Đỗ Quang (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load