(Xây dựng) – Sáng 30/3, tại Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn (Sơn Tây, Hà Nội) diễn ra Lễ khởi công Nhà máy điện rác Seraphin với công suất xử lý rác lên đến 2.000 tấn/ngày đêm. Chủ đầu tư dự án là Công ty Cổ phần Công nghệ môi trường xanh Seraphin thuộc Tập đoàn AMACCAO.
Các đại biểu bấm nút, chính thức khởi công dự án. |
Phát biểu tại Lễ khởi công, ông Tô Văn Nhật - Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT Tập đoàn AMACCAO cho biết, nhà máy sử dụng công nghệ hiện đại xuất xứ từ G7 để đốt rác tận thu nhiệt phát điện. Khí thải, khói thải sau đốt rác đạt tiêu chuẩn khí thải EU2010/75/EC (như khí trời tự nhiên). Khi vận hành, nhà máy không phát tán bụi, tiếng ồn và mùi ra bên ngoài. Mục tiêu dự án là tiếp nhận và xử lý rác cho Thành phố Hà Nội 1.500 – 2.000 tấn/ngày đêm (đốt để giảm thể tích phải chôn lấp từ 100% xuống còn 3%). Dự án sử dụng 100% vốn đầu tư xã hội hóa, không sử dụng vốn ngân sách với mục tiêu cốt lõi là làm sạch môi trường Thủ đô bằng công nghệ hiện đại châu Âu.
Ông Tô Văn Nhật - Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT Tập đoàn AMACCAO. |
Ông Nguyễn Trọng Đông - Ủy viên Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội khẳng định, Nhà máy điện rác Seraphin vô cùng cần thiết đối với việc xử lý rác thải tại Thủ đô. Với công suất lên đến 2.000 tấn rác/ngày đêm, nhà máy này sẽ san sẻ gánh nặng xử lý rác thải với các nhà máy hiện có trên địa bàn. Vì vậy, các sở ngành, địa phương tích cực phối hợp, hướng dẫn chủ đầu tư triển khai dự án, đảm bảo an toàn chất lượng công trình, đúng tiến độ đề ra, đáp ứng cho nhu cầu xử lý rác thải ngày một lớn của thành phố.
Nói thêm về công nghệ tại dự án, công nghệ được sử dụng là công nghệ lò ghi cơ học xuất xứ châu Âu nhưng đã được đội ngũ nhà khoa học cải tiến châu Á hóa để phù hợp với loại rác thải của Việt Nam là rác thải không phân loại có nhiệt trị thấp, độ ẩm cao (có cả thủy tinh, trạc xỉ, đinh, kim loại). Đây là công nghệ có nguồn gốc từ những năm 1960 ở châu Âu và liên tục được cải tiến, phát triển cho phù hợp.
Lý giải về việc Công ty Cổ phần Công nghệ môi trường xanh Seraphin lựa chọn công nghệ này. Hiện tại trên thế giới, ngay cả tại Việt Nam, có rất nhiều công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Mỗi ngày, mỗi tháng, mỗi năm lại xuất hiện nhiều ý tưởng mới về giải pháp công nghệ mới, xử lý rác thải sinh hoạt và công nghiệp. Tuy nhiên, nhiều nhà máy đã thất bại do “loạn” công nghệ xử lý rác thải. AMACCAO đã thể hiện rõ sự khác biệt của mình, với lợi thế kinh doanh sản xuất hàng chục nhà máy, hàng trăm chuyên gia nước ngoài làm việc tại Tập đoàn, nhiều đối tác đã dành nhiều thời gian nghiên cứu tại châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Đông Nam Á – nơi có thói quen sinh hoạt và loại rác gần giống với Việt Nam.
Dự án được kỳ vọng sẽ hoàn thành sau 20 tháng thi công. |
Khác với nhiều doanh nghiệp, AMACCAO dành thời gian, tỉ mỉ thăm 24 nhà máy và Trung tâm xử lý rác thải sinh hoạt thất bại trên thế giới và Việt Nam. Đồng thời, nghiên cứu lý do thất bại, cũng như dành nhiều năm thăm – làm việc tại 59 nhà máy rác với nhiều loại hình công nghệ khác nhau). Từ đó, phát hiện loại hình nhà máy và công nghệ phù hợp nhất, lựa chọn loại hình công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt, công nghiệp bằng phương pháp đốt phát điện – công nghệ lò ghi cơ xuất xứ châu Âu nhưng đã cải tiến để phù hợp với đặc thù tại châu Á.
Chính vì những lý do trên, Tập đoàn AMACCAO và Công ty Cổ phần Công nghệ môi trường xanh Seraphin lựa chọn công nghệ này. Tập đoàn tin tưởng chắc chắn công nghệ mà Seraphin đã lựa chọn rất phù hợp để áp dụng xử lý rác thải sinh hoạt tại Hà Nội, đồng thời áp dụng đại trà trên tất cả các địa phương của cả nước.
AMACCAO là tập đoàn đa ngành trong đó sản xuất, đầu tư, giáo dục, xây dựng. Là tập đoàn mạnh, tiềm lực tài chính vững chắc và có hệ sinh thái sản xuất – xây dựng – Khoa học kỹ thuật lớn. Hiện tại, AMACCAO có 5 cụm công nghiệp, 16 nhà máy được đặt tại Hà Nội, Thái Nguyên, Hà Nam, Lai Châu và 22 Công ty thành viên. Hệ thống các nhà máy đều sở hữu dây chuyền sản xuất tự động với các máy móc thiết bị được nhập khẩu 100% và được tư vấn, hỗ trợ, đào tạo, chuyển giao công nghệ bởi những chuyên gia nước ngoài giàu kinh nghiệm đến từ các nước châu Âu như Đức, Mỹ, Anh, Bulgary, Nhật Bản, Hàn Quốc, Bỉ… |
Diệu Anh – Tuấn Nghĩa
Theo