(Xây dựng) - Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế phối hợp Bộ Công Thương và các Bộ, ngành, địa phương tăng cường tổ chức tham vấn với cộng đồng doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng trong quá trình triển khai cam kết hội nhập kinh tế quốc tế và thực thi các FTA.
Ảnh minh họa. |
Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo 290/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế ngày 10/7/2023.
Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương, các Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về chính trị, an ninh, quốc phòng và Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về văn hóa, xã hội, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, cùng các cơ quan liên quan tiến hành tổng kết, đánh giá 10 năm thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế, chú trọng đưa ra các giải pháp nâng cao sự phối hợp triển khai giữa các lĩnh vực hội nhập trong một chiến lược hội nhập tổng thể, làm cơ sở xây dựng những định hướng mới cho công tác hội nhập trong giai đoạn tới.
Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế chủ trì, phối hợp Đoàn đàm phán Chính phủ về kinh tế và thương mại quốc tế, các bộ, ngành, cơ quan tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Chiến lược tham gia các thỏa thuận thương mại tự do của Việt Nam đến năm 2020 và đề xuất định hướng tham gia các FTA trong thời gian tới.
Các Bộ, ngành, địa phương ưu tiên và cân đối nguồn lực để tiếp tục triển khai các kế hoạch thực hiện của Chính phủ về thực thi FTA trên cơ sở có tính đến lồng ghép các kế hoạch thực hiện cho phù hợp với đặc thù của từng ngành, từng địa phương nhằm khai thác tối ưu hiệu quả các FTA, chú trọng các biện pháp cải cách thủ tục hành chính, tăng cường các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về chính sách để tạo điều kiện cho việc phát triển nguồn nguyên liệu trong nước giúp doanh nghiệp đáp ứng quy tắc xuất xứ của các FTA.
Nâng cao hơn nữa công tác nghiên cứu, dự báo, cảnh báo sớm về các vấn đề mới của hội nhập kinh tế quốc tế
Ban Chỉ đạo và các Bộ, ngành, cơ quan chú trọng công tác đánh giá, tổng kết, rút kinh nghiệm và nâng cao hơn nữa công tác nghiên cứu, dự báo, cảnh báo sớm về các vấn đề mới của hội nhập kinh tế quốc tế; tập trung và tăng cường nắm bắt kịp thời chính sách của các nước đối tác; theo sát tình hình thị trường, tham mưu, đề xuất các khuôn khổ hợp tác, các giải pháp phát triển thị trường truyền thống, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng mới; ban hành sửa đổi, bổ sung các cơ chế chính sách phù hợp, khả thi vừa chú trọng thị trường truyền thống, vừa quan tâm khai mở thị trường mới, có tiềm năng.
Ban Chỉ đạo phối hợp Đoàn đàm phán Chính phủ về kinh tế và thương mại quốc tế, Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan đưa ra phương án đảm bảo sự phát triển bền vững trong đàm phán, ký kết, thực thi các FTA; thúc đẩy hoàn tất đàm phán FTA với Khối Thương mại tự do châu Âu (EFTA), ký kết FTA với I-xra-en; tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện với các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) và Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì sự thịnh vượng (IPEF) theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Nghiên cứu khả năng đàm phán với Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR) và các thị trường mới; cùng các nước ASEAN đàm phán nâng cấp các FTA khu vực; tranh thủ các quan hệ đối tác trong FTA để phát triển các ngành có tính chất nền tảng, một số ngành mang tính đột phá, phù hợp với xu thế quốc tế như công nghiệp xanh, công nghiệp điện tử với hàm lượng công nghệ cao, gắn kết chặt chẽ với chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.
Ban Chỉ đạo phối hợp Bộ Công Thương và các bộ, ngành, địa phương tăng cường tổ chức tham vấn với cộng đồng doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng trong quá trình triển khai cam kết hội nhập kinh tế quốc tế và thực thi các FTA, hỗ trợ doanh nghiệp khai thác hiệu quả dung lượng các thị trường có FTA với Việt Nam và chuyển đổi cơ cấu sản xuất, nâng cao hàm lượng giá trị Việt Nam trong sản phẩm hàng hóa.
Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp các Bộ, ngành và cơ quan đại diện thương mại Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục tổ chức theo dõi sát biến động của kinh tế thế giới và trong nước, chủ động đánh giá tác động đối với sản xuất, xuất nhập khẩu của Việt Nam để kịp thời có sự điều chỉnh, ứng phó phù hợp; tăng cường công tác thông tin dự báo tình hình thị trường trong nước và thế giới, chính sách, quy định mới của các thị trường để giúp doanh nghiệp có phản ứng kịp thời; duy trì môi trường cạnh tranh bình đẳng trong thương mại quốc tế thông qua các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp.
Các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục báo cáo định kỳ kết quả triển khai các Nghị quyết, Chỉ thị, kế hoạch thực hiện của Chính phủ về hội nhập kinh tế quốc tế và thực thi FTA, để Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo. Các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 05/7/2023 của Chính phủ về nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững giai đoạn 2023 - 2030, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và đặc thù của từng ngành, địa phương, sớm phát huy tính hiệu lực và hiệu quả của công tác hội nhập kinh tế quốc tế trong giai đoạn tới.
Ban Chỉ đạo và các Bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác phổ biến, tuyên truyền, đào tạo và tập huấn về các cam kết trong các FTA mà Việt Nam mới tham gia, tập trung đi sâu vào những ngành hàng, lĩnh vực cụ thể, phù hợp với đặc thù và thế mạnh của từng địa phương; đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động truyền thông, xúc tiến thương mại và phát triển thương hiệu quốc gia và các sản phẩm mũi nhọn ở các thị trường nước ngoài.
Bộ Công Thương chủ trì, triển khai hiệu quả Bộ chỉ số về thực hiện FTA ở cấp địa phương, thúc đẩy hội nhập ở cấp địa phương và doanh nghiệp, từng bước cải thiện cơ bản về năng lực cạnh tranh, tạo sản phẩm chất lượng cao để đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường thế giới.
Ngọc Linh
Theo