(Xây dựng) – Như Báo điện tử Xây đựng đã phản ánh, hàng chục hộ dân ở thị trấn Tam Đảo đã phải gửi đơn kêu cứu vì không có chợ để họp, trong khi chợ tạm đã xây dựng xong lại đang bị bỏ không. Điều lạ lùng là, trước khi xây dựng, các cấp chính quyền đều đồng ý, thống nhất rất cao phương án xây dựng chợ tạm tại đây, nhưng khi xây dựng xong với hàng chục tỷ đồng, chợ tạm lại bị dừng vô thời hạn khiến doanh nghiệp lao đao, người dân bức xúc. Tuy nhiên, sau khi bài báo được đăng tải, đã xuất hiện một số ý kiến khác nhau về chợ tạm, về đất quốc phòng, về trách nhiệm của các cơ quan liên quan…
Hàng chục hộ dân ở thị trấn Tam Đảo gửi đơn kêu cứu vì không có chợ để họp, trong khi chợ tạm đã xây dựng xong lại đang bị bỏ không. |
Qua nghiên cứu một số bài viết và tư liệu hiện có, đối chiếu với tình hình sử dụng đất đai thực tế và pháp luật hiện hành, chúng tôi thấy rằng: Về vấn đề đất quốc phòng, đây là mảnh đất được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho đơn vị là Liên hiệp Khoa học sản xuất – Công nghệ mới (thuộc Viện Khoa học và Công nghệ quân sự - Bộ Quốc phòng), chiếu theo Điều 61 Luật Đất đai năm 2013 thì đất này được gọi là đất quốc phòng. Tuy nhiên, cũng trên một phần mảnh đất này, ngày 30/12/1997 Sở Xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc cấp Giấy phép xây dựng số 902/GPXD, đơn vị được cấp lại là Trung tâm tư vấn khoa học – Hội Xây dựng Việt Nam, nội dung xây dựng là cải tạo nâng cấp nhà chính một tầng lên hai tầng. Vậy, nội dung hoạt động của công trình này có phục công tác cho Bộ Quốc phòng? Trong khi cơ quan được cấp phép xây dựng lại không phải cơ quan có quyền sử dụng đất.
Tại Điều 148 quy định về đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh tại khoản 2 quy định: “Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có trách nhiệm phối hợp với UBND cấp tỉnh trong quá trình lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất vào mục đích quốc phòng, an ninh đảm bảo phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh; rà soát, xác định ranh giới đất sử dụng cho mục đích quốc phòng, an ninh; xác định vị trí, diện tích đất quốc phòng, an ninh không còn nhu cầu sử dụng, sử dụng không đúng mục đích để đảm bảo bàn giao cho địa phương quản lý, sử dụng”.
Với quy định trên, thử hỏi UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã thực hiện theo điều luật quy định chưa? Mà đây là việc làm hàng năm, trong khi mảnh đất này UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Cơ sở Nghiên cứu thuộc Liên hiệp khoa học sản xuất I – Bộ Quốc phòng (đơn vị sử dụng mảnh đất làm chợ tạm) hàng chục năm nay, nhưng UBND tỉnh cũng không rõ tình hình, nội dung sử dụng mảnh đất này. Cho tới ngày 7/1/2020, UBND tỉnh Vĩnh Phúc lại có văn bản số 100/UBND-CN3 cho rằng “Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường khu đất dự kiến xây dựng chợ tạm cho nhân dân thị trấn Tam Đảo, huyện Tam Đảo là đất quốc phòng. Vì vậy, sau khi Bộ Quốc phòng có ý kiến về khu đất trên, UBND tỉnh sẽ xem xét cho ý kiến cụ thể về việc xây dựng chợ tạm theo đề xuất của đơn vị”.
Qua đó có thể thấy, việc không tuân thủ pháp luật trong việc quản lý sử dụng đất đai của UBND tỉnh Vĩnh Phúc trên địa bàn do mình quản lý, đồng thời thể hiện việc thiếu trách nhiệm trước nhu cầu của nhân dân về việc sử dụng chợ tạm để buôn bán.
Trong Biên bản làm việc về Kiểm tra phạm vi đất dự kiến đầu tư xây dựng chợ tạm tại thị trấn Tam Đảo, huyện Tam Đảm, tỉnh Vĩnh Phúc ngày 9/7/2019, Sở Tài nguyên và Môi trường cho rằng, việc chuyển đổi đất quốc phòng sang đất kinh doanh cần thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất. Tuy nhiên, việc đầu tư xây dựng theo đề xuất địa phương là chợ tạm, nên hình thức ở đây là Liên hiệp Khoa học sản xuất – Công nghệ mới cho địa phương tạm sử dụng xây dựng chợ tạm (trong thời gian Liên hiệp Khoa học sản xuất – Công nghệ mới chưa có nhu cầu đầu tư xây dựng công trình)... Trong khi mảnh đất này đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hơn 10 năm, thậm chí đã “đổi chủ” nhưng đến tận ngày 19/9/2019, tại Văn bản số 2437/STMT-QLĐĐ, Sở này lại đề xuất: “Thực hiện Nghị định số 167/2017/NĐ-CP của Chính phủ, Bộ Quốc phòng đã có Văn bản số 7018/BQP-DT ngày 03/7/2019 chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng phối hợp với địa phương về lập phương án sắp xếp, xử lý nhà đất theo Nghị định số 167/2017/NĐ-CP của Chính phủ. Do vậy đề nghị Liên hiệp Khoa học sản xuất – Công nghệ mới phối hợp với các đơn vị có liên quan để lập phương án đề xuất xử lý nhà, đất trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo đúng quy định”. Chúng tôi không rõ, trong thời gian dài như nêu trên, Sở Tài nguyên và Môi trường ngoài việc không nắm được tình hình sử dụng của mảnh đất này, nhưng đã có kiến nghị nào tương tự đối với UBND tỉnh chưa? Việc này cần xem lại trách nhiệm của Sở Tài nguyên và Môi trường đối với việc tham mưu với UBND tỉnh.
Trách nhiệm về quản lý đất đai trên địa bàn theo pháp luật quy định, ngoài trách nhiệm của UBND tỉnh Vĩnh Phúc, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Phúc thì trách nhiệm còn thuộc về UBND huyện Tam Đảo trong việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất… theo quy định của Luật Đất đai. Với công trình chợ tạm đã xây dựng hơn 1 năm, cơ bản đã hoàn thành, nhưng UBND huyện Tam Đảo không hề có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn việc xây dựng chợ tạm sao cho đúng pháp luật, kể cả khi UBND tỉnh ra văn bản “tạm dừng”, vậy trách nhiệm của UBND huyện Tam Đảo trong vấn đề này như thế nào?
Theo quy định tại Điều 164 của Luật Xây dựng 2014 về trách nhiệm của UBND các cấp, tại khoản 2 quy định “UBND huyện thực hiện quản lý Nhà nước về hoạt động đầu tư xây dựng trên địa bàn theo phân cấp...”, trong khi tổ chức bộ máy của huyện Tam Đảo có các phòng nghiệp vụ về quản lý xây dựng, có lực lượng thanh tra xây dựng… tại sao để xảy ra tình trạng chợ tạm xây dựng xong nhưng “không biết”? Và đồng thời “im lặng” để đẩy trách nhiệm cho cấp dưới, dẫn đến việc doanh nghiệp đầu tư hàng chục tỷ đồng mà không được đưa vào sử dụng, hàng chục người dân kêu cứu vì không có nơi kinh doanh.
Cũng có ý kiến cho rằng, chợ tạm nhưng lại sử dụng hàng trăm khối bê tông? Về vấn đề này, dưới góc độ của người xây dựng, chúng tôi thấy rằng diện tích khu đất này khoảng 2.000m2 nằm trên địa hình phức tạp, dễ bị sụt, lún. Vì vậy, việc xây dựng hệ thống tường bê tông để bao quanh toàn bộ khu đất là nhằm đảm bảo an toàn cho công trình xây dựng dù ở quy mô nào, kể cả việc xây dựng chợ tạm, hoặc những công trình kiên cố trong tương lai. Việc xây dựng này là tốn kém nhưng thể được trách nhiệm của Liên hiệp Khoa học sản xuất – Công nghệ mới và đơn vị liên danh, nhằm đảo bảo an toàn cho người dân buôn bán kinh doanh trong chợ và quanh khu vực.
Để giải quyết những vướng mắc đang xảy ra giữa chính quyền, doanh nghiệp và người dân… thiết nghĩ UBND tỉnh cần sớm có ý kiến để chợ tạm được hoạt động, đáp ứng được nguyện vọng của người dân, tránh gây thiệt hại cho doanh nghiệp, và cũng đảm bảo được đúng pháp luật. Bởi việc, xây dựng chợ tạm đã có sự đồng thuận của nhiều cơ quan, đặc biệt là cơ quan có quyền sử dụng đất và liên danh xây dựng chợ tạm. Điều này không khác gì việc Sở Xây dựng đã từng cấp phép sửa chữa xây dựng như đã nêu trên.
Nam Nhi
Theo