Thứ năm 26/12/2024 22:48 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Bất động sản / Nhà đẹp

Bài tham dự cuộc thi “Phát triển công trình xanh”

Tabamboo - Công trình nhà tre lớn nhất thế giới

10:59 | 19/09/2023

(Xây dựng) - Nhà tre Tabamboo được xây dựng từ 60.000 cây tre tầm vông mang lại cảm giác gần gũi với thiên nhiên và thân thiện với môi trường. Tabamboo tọa lạc tại vùng đất thủ phủ xưa của huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La là công trình điển hình cho việc sử dụng vật liệu xanh trong ngành Xây dựng.

Tabamboo - Công trình nhà tre lớn nhất thế giới
Nhà tre Tabamboo được cấu tạo từ 60.000 cây tre tầm vông.

Công trình xanh là sự kết hợp giữa kiến trúc và áp dụng quá trình mang tính chất thân thiện với môi trường, tận dụng tối ưu tài nguyên trong suốt toàn bộ chu kỳ hoàn thành của một toà nhà: Từ lúc lên kế hoạch thiết kế, xây dựng, hoạt động, bảo trì, cải tạo và phá huỷ. Điều này đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ của nhà thầu, kiến trúc sư, kỹ sư và khách hàng ở tất cả các giai đoạn của dự án. Việc thực hiện công trình xanh mở rộng và bổ sung các mối liên quan về kinh tế tiện ích, sự bền vững và thoải mái trong các thiết kế kiến trúc cổ điển.

Việc nhân rộng và khuyến khích sử dụng công trình xanh mang lại nhiều lợi ích như bảo vệ nguồn nước, giảm chất thải và ô nhiễm môi trường, đảm bảo sức khỏe và sự thoải mái của người sử dụng, giúp gìn giữ cảnh quan xanh, kết nối cộng đồng và tối ưu hóa chi phí trong suốt vòng đời dự án. Có thể nói, công trình xanh là phương tiện để làm ra những sản phẩm tốt, đúng đắn, phù hợp với xu hướng của thế giới, lan tỏa tinh thần sống xanh cho mọi người và đóng góp vào chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, hướng đến sự phát triển bền vững chung của đất nước.

Hiện nay, đã có những công trình xanh tiên phong, chi phí và lợi ích của công trình xanh đã được kiểm chứng, đã xuất hiện những chuỗi công trình xanh, sự cạnh tranh giữa chủ đầu tư bắt đầu xuất hiện. Trong tương lai, công trình xanh sẽ trở thành một trong những nội dung trọng tâm của định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam, cũng như chiến lược “xanh hóa” ngành Xây dựng và chuyển đổi thị trường xây dựng theo hướng tiết kiệm, hiệu quả và bảo vệ môi trường.

Chủ đề tham khảo ở đây là một công trình sử dụng vật liệu từ cây tre, đảm bảo yếu tố sinh thái và thân thiện với môi trường. Nhà tre Tabamboo toạ lạc tại Mường Sang, vùng đất thủ phủ xưa của huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La ngày nay. Với kiến trúc độc đáo và tinh tế, Tabamboo là nhà tre lớn nhất thế giới, với diện tích 2.950m2, được dựng lên từ 60.000 cây tre tầm vông. Vừa mang vẻ cứng cáp của loài cây mạnh mẽ, là biểu tượng mang tinh thần bất khuất của con người Việt Nam, vừa sở hữu đường nét mềm mại bởi tre dẻo dai, nhũn nhặn. Bước vào không gian của TabamBoo là bước trở về với những vẻ đẹp mộc mạc, chân thành nhất.

Tabamboo - Công trình nhà tre lớn nhất thế giới
Tre đảm bảo yếu tố sinh thái, thân thiện với môi trường.

Nhà tre Tabamboo là một kiến trúc nổi bật giữa đại ngàn Tây Bắc được thiết kế vừa truyền thống, vừa mang nét hiện đại. Điều này tạo cảm giác hài hoà, gần gũi với thiên nhiên cho mỗi du khách đặt chân tới. Bắt nguồn từ cảm hứng về truyền thuyết hang Chim thần (linh vật của người dân bản địa nơi đây từ xa xưa), kiến trúc sư Việt Nam đã tạo hình ngôi nhà tre thành con "Chim thần khổng lồ" đang sà cánh xuống thung lũng xinh đẹp với ý nghĩa bảo vệ cho dân bản, đem lại sự may mắn phồn vinh cho bản làng. Tabamboo có không gian thoáng đãng, cởi mở, giao hoà với thiên nhiên, đặc biệt chất liệu tre và mái rơm rạ rất phù hợp với thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều ở một đất nước khí hậu nhiệt đới như nước ta.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, ông Mai Trí Tuệ - Phó Giám đốc điều hành Khu du lịch Mộc Châu Island cho biết: “Nhà tre Tabamboo được dựng lên rất công phu, tỷ mỷ từ hơn 60.000 cây tre tầm vông vận chuyển từ Tây Nam Bộ. Để đảm bảo chống mối mọt và độ bền vững của công trình, phải mất hơn 2 tháng để đun, nung tre và mỗi lần chỉ đun được 500 cây trong suốt 12 tiếng. Các cột tre được khéo léo, tỷ mỷ tạo hình “khau cút” - một biểu tượng văn hoá không thể thiếu trong kiến trúc nhà sàn người Thái Tây Bắc. Mái che được làm từ vỏ của cây guột, ở giữa sẽ có lớp chống dột”.

“Việc sử dụng vật liệu tre, thân thiện với môi trường đã mang lại nhiều hiệu quả: Từ việc giúp cho môi trường không khí luôn mát mẻ, còn tạo được một không gian bảo vệ môi trường và tiết kiệm năng lượng. Không gian mở của nhà hàng luôn tạo cảm giác dễ chịu và hoà mình với thiên nhiên, tận hưởng gió trời trong lành”, ông Tuệ cho biết thêm.

Bài dự thi viết về Công trình xanh Việt Nam năm 2023 do Báo Xây dựng phát động. Ban tổ chức cuộc thi không trả nhuận bút các bài dự thi. Tác giả chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực và bản quyền bài viết.

Huy Trung

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load