(Xây dựng) - Mấy ngày qua, dư luận đang nóng lên xung quanh câu chuyện của Bộ trưởng Bộ Tài chính kể việc trao đổi với Bộ trưởng Bộ Công thương về lãng phí điện gió, điện mặt trời. Trong đó, tâm điểm là việc nguồn điện mặt trời, điện gió lên tới 4.600 MW đến nay vẫn chưa được hòa lưới được, trong khi Việt Nam phải đi mua điện của Trung Quốc, Lào. Lãng phí như thế thì ai chịu trách nhiệm? Đây là vấn đề được các đại biểu Quốc hội đặt ra tại phiên thảo luận tổ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước sáng ngày 25/5.
Năng lượng gió và năng lượng mặt trời của Việt Nam là tiềm năng mà các nhà đầu tư trong và ngoài nước hướng tới. |
Lý giải về vấn đề lãng phí điện mặt trời, điện gió, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, ông đã trao đổi với Bộ trưởng Bộ Công thương về vướng mắc trong huy động nguồn điện này.
Nếu vướng về giá điện thì Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Bộ Công thương để cùng xây dựng giá, đảm bảo giải tỏa được nguồn vốn ứ đọng mà các doanh nghiệp đã vay vốn ngân hàng và bỏ vốn ra làm. Tuy nhiên, theo ông Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Công thương bảo rằng “không phải vướng về giá, mà vướng về công suất, tức hiện nay chúng ta đủ tải rồi”.
“Tôi có hỏi lại, nếu chúng ta đủ tải rồi thì tại sao cho làm. Còn nếu đã làm rồi thì tại sao không giảm bớt điện đã mua của nước ngoài?”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói.
“Bộ trưởng Công thương trả lời là đã ký Hiệp định với nước ngoài rồi, bây giờ không thể đàm phán để cắt được. Đấy là nguyên nhân và chúng ta phải đi tận gốc rễ của vấn đề để thấy được nguyên nhân từ đâu và phải giải quyết như thế nào”, ông Hồ Đức Phớc cho hay.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, cần phải sửa một số quy định, đặc biệt ách tắc nhất là Luật Quy hoạch và Luật Đầu tư công. “Ngay cả mấy năm nay chúng ta ban hành Luật Quy hoạch nhưng vẫn loay hoay không triển khai được, rồi cả vấn đề điện cũng thế”, ông Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.
Quanh những vấn đề này, nhiều đại biểu Quốc hội có ý kiến đồng tình cao với Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc và đặt ra nhiều câu hỏi như: Từ năm 2010 đến nay, giá điện tăng 8 lần và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vẫn báo lỗ. Đặc biệt, cùng trong EVN nhưng công ty mẹ lỗ, còn công ty con báo lãi. Vậy nguyên nhân chính của khoản lỗ này do đâu?; Việc chưa tận dụng hết điện sản xuất được trong nước mà phải đi nhập khẩu điện nước ngoài là vô cùng lãng phí. Sản xuất điện trong nước như điện gió, điện mặt trời còn chưa khai thác, tận dụng. Năng lượng mặt trời, gió mãi mới đưa vào Quy hoạch điện VIII mà sao không đưa vào Quy hoạch điện VII. Điện gió, điện mặt trời bây giờ sản xuất thừa nhưng doanh nghiệp không thể đấu nối hòa mạng. Lãng phí thế ai chịu trách nhiệm? Việt Nam là cường quốc điện gió, mặt trời vì thiên nhiên ưu đãi. Tại sao có những nghịch lý này. Nhiều câu chuyện Quốc hội phải mổ xẻ”.
Có lẽ lần này, trong nghị trường Quốc hội mới có một Bộ trưởng phát biểu đầy đủ về vấn đề lãng phí, thất thoát trong quản lý, điều hành hệ thống điện Việt Nam mà lâu nay dư luận chưa được rõ và liên tục đặt những câu hỏi về những thắc mắc trên.
Trong quản lý doanh nghiệp, không phải Việt Nam mà cả thế giới nhiều doanh nghiệp tư nhân khi gặp những điều kiện bất thuận lợi thì họ làm ăn thua lỗ và thậm chí có doanh nghiệp phá sản. Những mất mát và nỗi đau đè nặng lên vai ông chủ cùng gia đình và dòng họ của ông chủ. Vì vậy trách nhiệm của ông chủ là rất cao và đặc biệt là ông chủ doanh nghiệp phải tự biết lượng sức mình để có những lựa chọn về con người, ngành nghề trong việc điều hành doanh nghiệp. Nhằm hạn chế tối đa những tổn thất không đáng có.
Ngành điện Việt Nam được coi là một ngành độc quyền trong việc phân phối điện và độc quyền trong việc mua bán điện. Không hiểu việc lựa chọn ông chủ của doanh nghiệp này như thế nào mà để doanh nghiệp triền miên thua lỗ, những gánh nặng trong việc thua lỗ này lại đổ lên vai Nhà nước và nhân dân. Còn ông chủ ngành điện thì vẫn “nhở nhơ” không chịu trách nhiệm gì. Và cứ tiếp nối, ông chủ này nghỉ ông khác lại lên thay và vẫn bài ca thua lỗ.
Trong Bộ luật hình sự Việt Nam hiện nay, mới chỉ quy định tội phạm về tham nhũng; nhưng những hành vi gây thất thoát lãng phí của Nhà nước và nhân dân thì chưa có quy định cụ thể để xử lý những cá nhân đứng đầu những doanh nghiệp có vốn của Nhà nước, cơ quan Nhà nước gây thất thoát lãng phí. Gần đây, đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thấy vấn đề này cần phải được quan tâm, bởi sự lãng phí thất thoát đang gây ra tổn thất rất lớn cho nền kinh tế đất nước, gây xói mòn lòng tin của nhân dân.
Trên cơ sở ý kiến của Tổng bí thư, dư luận cho rằng, cần phải quy định rõ những điều luật về tội gây thất thoát lãng phí; có như vậy mới hạn chế tối đa được những người đứng đầu doanh nghiệp Nhà nước, trong việc sử dụng tài sản Nhà nước một cách lãng phí gây thua lỗ.
Cũng trong phát biểu của mình, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cũng nhấn mạnh sự cản trở, gây ách tắc trong việc thực hiện Luật quy hoạch, Luật đầu tư công do Bộ Kế hoạch và đầu tư chủ trì soạn thảo.
Trên thực tế, vấn đề đặt ra những quy định của pháp luật nó ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển về kinh tế, văn hóa – xã hội của đất nước. Một Bộ luật, thậm chí một Điều luật sau khi ban hành nó có thể thúc đẩy hoặc kìm hãm cả một lĩnh vực kinh tế. Lấy một ví dụ Việt Nam trước đây là một đất nước nông nghiệp, nhưng tình trạng hợp tác xã kéo dài đã dẫn đến tình trạng thiếu ăn, thiếu lương thực đối với người nông dân và đất nước. Trước tình hình đó, Nghị quyết số 10-NQ/TW (hay còn gọi là Khoán 10) của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp là “cú hích” mạnh mẽ cho sản xuất nông nghiệp. Nhờ đó, từ một nước thiếu lương thực triền miên, đến năm 1989 (chỉ sau 1 năm thực hiện Khoán 10) sản lượng lúa gạo của cả nước đã đạt 21,5 triệu tấn và lần đầu tiên Việt Nam xuất khẩu được 1,2 triệu tấn lúa gạo.
Trong khi Luật quy hoạch do Bộ Kế hoạch và đầu tư chủ trì soạn thảo để trình Quốc hội với hy vọng “ôm” tất cả các loại quy hoạch của Việt Nam vào một bản đồ thu nhỏ và dưới sự quản lý của Chính phủ, nhưng thực chất của Bộ Kế hoạch và đầu tư. Với một quy định “ngược” là phải hoàn thiện, phê duyệt quy hoạch tổng thể quốc gia làm cơ sở để xây dựng quy hoạch tỉnh và quy hoạch ngành. Nhưng từ năm 2017 đến nay đã 6 năm trôi qua, chưa có quy hoạch tổng thể quốc gia được duyệt, vì vậy các quy hoạch ngành lúng túng không thực hiện được.
Cũng cần nói thêm, trước khi dự kiến ban hành Luật quy hoạch đã có nhiều ý kiến của nhiều ngành, đặc biệt là các ý kiến của các nhà khoa học chuyên ngành đã không đồng tình sự ra đời của Luật này. Có những ý kiến của một vài nhà khoa học cho rằng: “Luật quy hoạch ra đời sẽ là một sự tàn phá”, điều này đến nay có thể kiểm chứng phần nào. Trong sự ách tắc của các quy hoạch ngành, trong đó có quy hoạch ngành điện nhiều năm qua chưa được điều chỉnh, hoàn thiện, do chưa có quy hoạch tổng thể. Những tổn thất này, ai sẽ chịu trách nhiệm? Cá nhân đứng đầu cơ quan soạn thảo chịu trách nhiệm đến đâu? Chúng tôi cho rằng, để có những bộ luật thiết thực đi vào cuộc sống, tạo đà phát triển cho đất nước, pháp luật cần có những quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan soạn thảo Luật, nếu để xẩy ra tình trạng “cản trở” sự phát triển của đất nước. Bởi đây cũng là những hành vi gây thất thoát lãng phí rất lớn.
Vũ Chiến – Duy Nguyên
Theo