(Xây dựng) - Nhân đọc bài báo: Biệt thự, nhà xưởng “nhảy dù” xuống ruộng đăng trên Báo Tiền Phong ngày 20/11/2018, đây là cuộc điều tra về tình hình vi phạm trong việc sử dụng đất đai để xây dựng trái phép các công trình xây dựng nhà ở, nhà xưởng và các loại công trình khác tại 5 xã: Kim Lũ, Xuân Thu, Đông Xuân, Phù Lỗ, Phú Minh, huyện Sóc Sơn. Những công trình này đã “nhảy dù” trên đất nông nghiệp từ trước năm 2012 trở lại đây.
Ảnh minh họa. (AD)
Bài báo cho thấy, người dân đã tự động xây công trình, nhà xưởng trên đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân được quyền sử dụng hoặc một số chủ hộ từ nơi khác đến mua gom đất để xây nhà công sở và xây nhà xưởng sản xuất.
Qua phỏng vấn một số Chủ tịch xã thì các vị ấy cơ bản đều cho rằng: UBND các xã cũng đã làm hết trách nhiệm, đã tổ chức phạt vi phạm hành chính, tổ chức cưỡng chế phá dỡ công trình nhưng tình hình diễn biến quá phức tạp, nhiều công trình đã xây dựng nhiều năm ở các thời kỳ lãnh đạo khác nhau và người dân yêu cầu nếu đã xử lý thì phải xử lý đồng bộ… Tất cả những điều đó đang thể hiện sự bất lực của chính quyền cấp xã trong quản lý đất đai trên địa bàn.
Cần nói thêm rằng nếu phóng viên có điều kiện điều tra trên tất cả các địa bàn huyện không những ở huyện Sóc Sơn mà còn ở huyện Đông Anh, Mê Linh, Đan Phượng, Phú Xuyên và các huyện khác trên toàn TP Hà Nội, nơi có đất trồng lúa và hoa màu thì chắc chắn đều có tình trạng vi phạm quản lý, sử dụng đất đai, xây dựng các công trình trái phép trên đất nông nghiệp.
Sau khi Hà Nội mới được hình thành do việc sáp nhập TP Hà Nội và tỉnh Hà Tây cũ và một số vùng đất của các tỉnh lân cận, thì Hà Nội có một lượng dân cư nông thôn làm lao động nông nghiệp rất lớn trên các địa bàn huyện.
Đời sống của người dân phụ thuộc vào việc trồng lúa và hoa màu. Trong quá trình phát triển của làng xóm, các thế hệ kế tiếp nhau lớn lên, xây dựng gia đình và nhu cầu tách hộ là rất lớn.
Vì vậy đa số các hộ được tách, cha mẹ chia đất tại thổ cư cũ hoặc trên diện tích đất 5% được hợp tác xã chia hoặc trên chính đất nông nghiệp nhận khoán. Vấn đề này không phải chỉ có ở Hà Nội mà xảy ra hầu hết ở các vùng nông thôn Việt Nam.
Tuy nhiên, ở những nơi nào chính quyền quản lý đất đai tốt hơn thì việc vi phạm sẽ ít xảy ra hơn, nhưng với Hà Nội thì tình trạng này diễn ra phổ biến và càng ngày càng phức tạp, đặc biệt những năm gần đây.
Nói như trong bài báo: “Giới chuyên gia cho rằng, nguyên nhân của tình trạng này nói đến cùng là sự yếu kém về đạo đức và tham nhũng…”. Liệu nhận xét này có hoàn toàn đúng không?
Việc đó các cấp chính quyền nên suy ngẫm để trả lời những câu hỏi này trước nhân dân và công luận. Nhưng có điều chắc chắn là tình trạng trên xảy ra do sự yếu kém, buông lỏng và thiếu trách nhiệm trong quản lý.
Một thực tế khách quan: Sau khi Hà Nội mở rộng, quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đã được Chính phủ phê duyệt; hiển nhiên trong quy hoạch này không có những vùng trồng lúa mà nó chỉ có những loại đất phục vụ xây dựng đô thị.
Cũng trong thời gian từ đó đến nay trên các địa bàn xã, huyện đã có hàng trăm dự án đầu tư xây dựng khu đô thị ra đời được cấp có thẩm quyền phê duyệt; mỗi dự án thông thường vài chục ha đến hàng trăm ha thậm chí là vài trăm ha.
Đa phần các dự án được xây dựng trên đất lúa “bờ xôi ruộng mật”. Người dân bỗng nhiên bị mất đất canh tác và được bồi thường với giá rẻ mạt, thậm chí có nhiều dự án nhiều năm không triển khai xây dựng, để cỏ hoang hóa rất lãng phí đất đai, tiền của của nhân dân.
Trong khi người dân muốn xây dựng một căn nhà cho chính những đứa con của mình khi tách hộ thì không biết hỏi ai và làm thế nào để xây dựng được.
Trước những nhu cầu bức bách của cuộc sống, họ tự phát xây dựng trên chính mảnh đất chính họ được giao khoán và đồng nghĩa với việc vi phạm quản lý đất đai mà thậm chí nhiều người cũng không hiểu là họ vi phạm.
Không chỉ việc xây dựng trái phép một công trình, mà trên địa bàn thành phố đã xuất hiện nhiều điểm dân cư xây dựng hàng trăm công trình trái phép. Liệu chính quyền các cấp có thể cưỡng chế được không? Đành rằng những hành vi đó là vi phạm pháp luật.
Nói về việc xây dựng nhà xưởng sản xuất: Trong khi người dân bị thu hồi đất, không có công ăn việc làm thì việc hình thành các cơ sở sản xuất với quy mô nhỏ để sử dụng lao động nông nghiệp thất nghiệp, nâng cao đời sống người dân là hết sức cần thiết.
Tại sao chính quyền không chủ động quy hoạch xây dựng các khu sản xuất với quy mô nhỏ đảm bảo các yêu cầu về mặt quy hoạch đô thị để phục vụ nhân dân.
Do chính quyền không làm những việc này, do nhu cầu của cuộc sống vì vậy việc hình thành các khu vực sản xuất cũng là một yêu cầu của cuộc sống.
Cưỡng chế phá dỡ công trình xây dựng vi phạm là một biện pháp khắc phục hậu quả do pháp luật quy định, nhưng những người lãnh đạo phải hiểu rằng những vi phạm trên phải được phát hiện ngay từ khi viên gạch đầu tiên xây dựng công trình và phải buộc cưỡng chế ngay từ lúc đó.
Chứ không phải để công trình xây dựng xong, thậm chí nhiều công trình, có khi cả một khu dân cư được xây dựng, người dân đang sinh sống ổn định rồi dư luận phát hiện, chính quyền mới ra quyết định cưỡng chế.
Với một số nơi, chính quyền đã buông lỏng việc quản lý đất đai, vô trách nhiệm thậm chí còn thao túng cho những công trình mọc lên, nhưng khi công luận rộ lên thì họ lại tổ chức cưỡng chế nhà dân và xem đó như một thành tích?
Câu chuyện tại TP Hồ Chí Minh cách đây mấy năm: Có một ông chủ tịch UBND huyện, nghe đâu ông ta làm Chủ tịch hơn một khóa, bỗng dưng ông ta được điều về làm Giám đốc một Sở chuyên ngành.
Nhận chức được ít ngày ông ta ra quyết định yêu cầu Thanh tra chuyên ngành phá dỡ mấy trăm căn nhà của dân trên đất nông nghiệp thời ông ta làm Chủ tịch. Cả một vùng dân cư trong thời gian ngắn được san phẳng, người dân nheo nhóc đi kêu cứu khắp nơi. Thế mà ông ta lại được cấp trên khen ngợi là chỉ đạo “quyết liệt” và được đưa vào diện quy hoạch.
Về lẽ thông thường thì hiểu đây là trách nhiệm thuộc về những người dân tự ý vi phạm, nhưng xét về bản chất thì trách nhiệm này phải thuộc về những người lãnh đạo, các cấp chính quyền từ xã đến huyện và thành phố.
Theo quy định của pháp luật trong việc lập và phê duyệt sử dụng đất đai hàng năm cũng như nhiều năm, riêng đối với kế hoạch sử dụng đất đô thị thì phải căn cứ vào tình hình phát triển dân cư tự nhiên và cơ học trong từng giai đoạn ngắn hạn và dài hạn để chính quyền các cấp lập nên quy hoạch các khu dân cư mới, các khu dân cư hiện có, kể cả những khu dân cư tự phát (nếu không trái với quy hoạch).
Kế hoạch sử dụng đất và quy hoạch đó phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt về bản chất là để phục vụ cho việc tách hộ, dãn dân và đáp ứng nhu cầu của người dân mới đến cần có đất ở.
Đương nhiên việc phê duyệt quy hoạch xây dựng cũng song song với việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất để làm cơ sở cho người dân đóng tiền đất khi được giao đất.
Nếu chính quyền làm được như vậy thì chắc chắn sẽ hạn chế tối đa việc người dân tự phát xây dựng tạo ra các khu dân cư thiếu đồng bộ như hiện nay. Đồng thời sẽ không thất thu một khoản tiền rất lớn trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Hà Nội đã dầy công lập quy hoạch chung thành phố được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, lập các quy hoạch phân khu đô thị đồng thời còn lập cả một hệ thống quy hoạch nông thôn mới từ cấp thôn, xã.
Loại trừ những tiêu cực trong việc chồng chéo các loại quy hoạch, lãng phí tiền của, nhưng không lẽ các quy hoạch được lập, duyệt rồi lại đem cất tủ để báo cáo thành tích. Còn những vấn đề như đã nêu ở trên thì hầu như không được quan tâm và đó là nguyên nhân để dẫn tới việc xây dựng lộn xộn như đã nêu.
Đã đến lúc UBND TP Hà Nội cùng UBND các huyện, các xã cần xem xét lại trách nhiệm của mình trong việc lập, phê duyệt các quy hoạch phân khu, đặc biệt là quy hoạch nông thôn mới để chủ động tạo ra các khu dân cư mới trên các địa bàn thôn, xã tại các huyện phục vụ cho việc dãn dân và cư dân mới; đồng thời xem xét các điểm dân cư tự phát nếu xét thấy những điểm dân cư này không ảnh hưởng đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội, an ninh trên địa bàn thì chủ động lập quy hoạch, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, hướng dẫn nhân dân xây dựng theo quy hoạch.
Làm được như vậy, thành phố sẽ có những điểm dân cư kiểu nông thôn nằm trong lòng đô thị văn minh, phát triển; giúp cho việc quản lý, sử dụng đất đai minh bạch và hạn chế được các vấn đề tiêu cực, tham nhũng. Đồng thời cũng thu được một nguồn kinh phí đáng kể cho thành phố trong vấn đề chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Duy Nguyên
Theo