Thứ bảy 07/12/2024 09:55 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Sử dụng Công nghệ vật liệu Polyurea sửa chữa tàu cho ngư dân

10:13 | 07/07/2014

(Xây dựng)- Sau khi xem chương trình thời sự VTV1 phát sóng về trường hợp tàu đánh bắt của ngư dân bị tàu Trung Quốc đâm phải bơi trong nước để sửa chữa.


Ông Trương Văn Hay với con tàu hư hỏng do tàu Trung Quốc đâm ( ảnh: Báo Tiền Phong)

Xót lòng với cái khổ của người ngư dân bám biển luôn bị rình rập hiểm nguy về tính mạng và tài sản trước sự hung hăng của tàu Trung Quốc. Anh Phạm Quyết Thắng, Giám đốc Công ty Quốc Thắng đã quyết tâm tìm đến con tàu đã bị 2 lần đâm này để hỗ trợ một công nghệ mới sửa chữa nhằm an toàn trước sự va đập mạnh của tàu Trung Quốc. Đó là tàu của anh Trương Văn Hay (trú phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng), chủ tàu kiêm thuyền trưởng tàu ĐNa 90235.

Theo đó, Công nghệ mới mà Công ty Quốc Thắng tài trợ cho tàu này đó là phun một lớp phủ bề mặt bên ngoài thân tàu bằng lớp phủ vật liệu Polyurea dày 1.5mm, tổng giá trị gần 300 triệu đồng. Sản phẩm được nhập khẩu từ Mỹ. 

Ông Phạm Quyết Thắng, Giám đốc Công ty Quốc Thắng cho biết: Công nghệ vật liệu Polyurea sơn phủ chống sự va đập mạnh được Mỹ lựa chọn sử dụng để sơn phủ tại các tòa nhà Đại sứ Quán của Mỹ trên toàn thế giới sau vụ khủng bố này 11/9. Lớp sơn phủ này có thể chị một sự va đập rất lớn nhưng không bị phá vỡ mà vẫn giữ được kết cấu bên ngoài tránh được sự thương vong do va chạm và để chống bom tránh sát thương. Công nghệ này được Công ty sử dụng tại Việt Nam trong 10 năm qua. Hiện nay đã được nhiều khách hàng bắt đầu lựa chọn công nghệ sơn phủ này.

Đặc điểm của lớp phủ Polyurea rất siêu bền nên khi phủ trên bề của bê tông, gỗ, kim loại tránh được sự phân huỷ hoặc mài mòn do môi trường tác động trực tiếp. Lớp phủ này có thể chịu nhiệt cao. Chống nứt linh hoạt, cường độ kéo từ 2.500-4500Psi, dính cao trên nhiều bề mặt, khả năng kháng hóa cao, tuổi tho vật liệu siêu bền trên 75 năm.


Ông Hay chia sẽ tâm tư của mình khi được tài trợ sửa chữa tàu.

Ngoài ra còn có tác dụng ngăn ngừa những hiện tượng ăn mòn bê tông của các loại tạp chất như axít, dung môi, kiềm hay tia UV trong những công trình như sân thượng toà nhà cao tầng, nền nhà xưởng, bề mặt đâp thuỷ điện, hồ xử lý nước thải, cầu đường, hồ bơi…

Sản phẩm này an toàn với môi trường nên được sử dụng tại các kho chứa thực phẩm, thủy sản, bể chứa nước…

Đối với các tàu đánh bắt của ngư dân hiện nay chủ yếu sử dụng lớp phủ composit có độ dày từ 4-5mm. Lớp phủ này khi phủ lên phải dùng đinh đóng. Cứ vài phân lại đóng 1 đinh mới đảm bảo được. Khi phủ bằng vật liệu này thì cứ 2 năm phải làm lại.

Anh Trương Văn Hay, Chủ tàu cho biết: Trước đây ngư dân chúng tôi thường sử dụng lớp phủ composit để phủ bên ngoài tàu. Sau mỗi đợt ra khơi về nếu có hư hỏng gì về lớp phủ thì chúng tôi gọi các đơn vị tư nhân đến sửa chữa lại. Đối với tàu của tôi đã được phủ lớp composit cách đây hơn 6 tháng với giá 420 ngàn đồng/m2, sau 2 cú đâm của tàu Trung Quốc thì đã hư hỏng và bong tróc.

Tại buổi làm việc với chính quyền Quận Thanh Khê, Kiểm Ngư về việc được Công ty Quốc Thắng tài trợ cho việc sử dụng phun lớp Polyurea bảo vệ thân tàu,  Anh Hay rất vui mừng. Anh Hay cho rằng: Bản thân tôi rất mừng, mừng vì mình là người được thụ hưởng hỗ trợ này để mà có điều kiện tiếp tục ra khơi bám biển. Mừng rồi đây những con tàu của bà con ngư dân của mình ngày càng chắc chắn hơn, an toàn hơn khi vươn khơi đánh bắt. 

Tôi rất cảm ơn tấm lòng của Công ty Quốc Thắng, tôi cũng hi vọng sau 1 năm sử dụng đây sẽ là một vật liệu mới để bà con ngư dân chúng tôi chọn để sửa chữa tàu đảm bảo an toàn khi ra khơi. Ông Hay chia sẽ thêm.


Ông Phạm Quyết Thắng, Giám đốc Công ty Quốc Thắng giới thiệu công nghệ vật liệu sử dụng phun trên vỏ tàu đảm bảo an toàn cho thân tàu khi có sự va đập mạnh.

Tàu ĐNa 90235 của anh Trương Văn Hay có công suất C750CV, thân tàu dài 20m, tàu làm bằng gỗ mới được đại tu. Con tàu có tổng giá trị hơn 4 tỷ đồng, chưa tính ngư cụ đánh bắt. Tàu của anh Hay bị nhiều tàu Trung Quốc uy hiếp và bị tàu cá Trung Quốc số 71075 đâm ngoài biển vùng biển Hoàng Sa, cách đảo Tri Tôn 25 hải lý về phía Tây Nam và cách giàn khoan Hải Dương 981 khoảng 9 hải lý. Sau cú đâm lần thứ nhất tàu của anh Hay bị sụp giàn phía sau, mạn trái vỡ toác. Cú tông thứ 2, tàu ĐNa 90235 bị trúng phần đuôi mạn trái, toàn bộ hệ thống dàn lưới, mạn trái bị hư hỏng nặng.

Tàu  của anh Hay hiện nay đang được sửa chữa. Trong 10 ngày qua, đội ngũ cán bộ của Công ty Quốc Thắng ngày đêm vệ sinh thân tàu để chuẩn bị cho công tác sơn phủ lớp Polyurea. Anh Hay cũng cho biết: Công tác sửa chữa đang được triển khai tích cực để kịp ra khơi. Mùa này là mùa đánh bắt của ngư dân. Nếu thời gian sửa chữa quá lâu sẽ làm thiệt hại rất lớn về kinh tế cho gia đình. Mặc khác các thuyền viên đợi quá lâu sẽ xin qua các tàu khác để làm thì thời gian kiếm thuyền viên kéo dài nữa sẽ thiệt hại càng nặng hơn. Cho nên chúng tôi đang cố gắng nổ lực mọi công việc để ngày 16 âm lịch này tiếp tục ra khơi đánh bắt.

Ông Thắng còn cho biết thêm: Sau khi đến xem con tàu ĐNa 90235 của anh Trương Văn Hay, chúng tôi thấy một sự tụt hậu quá lớn về công nghệ trong thời đại hiện nay đối với phương tiện đánh bắt của ngư dân. Phương tiện đánh bắt thô sơ với cách làm được làm theo kiểu truyền thống cách đây mấy chục năm. Cá đánh bắt được bảo quản không đảm bảo chủ yếu bằng các hầm đựng bằng xốp hay còn gọi là dạng vật liệu foam bơm. Loại vật liệu này dễ bị ngấm nước không giữ được nhiệt. Khi ngâm nước sẽ làm tăng tải trọng tự thân của tàu, làm tàu cõng thêm tải trọng làm tăng chi phí xăng dầu chạy máy.

Trong một thời đại công nghệ phát triển, chúng ta nên có cái nhìn tổng thể hơn về sự trợ giúp ngư dân dưới bất cứ góc nhìn nào. Chúng tôi cảm thấy xót lòng trước cuộc sống mưu sinh của người dân giữa đại dương mênh mông mà quá thô sơ như thế này. Chưa nói gì đến việc thường xuyên gặp tàu Trung Quốc đâm húc hay bị hải tặc đâm. Ngoài vật liệu sơn phủ bảo vệ thân tàu, chúng tôi cũng sẽ đem đến một loại vật liệu mới để làm nơi bảo quản cá trên tàu của ngư dân an toàn và đảm bảo chất lượng của cá sau khi đánh bắt. Đó là vật liệu phun Foam. Loại phun này đạt tiêu chuẩn chống cháy, cách nhiệt gấp 10 lần loại Foam bơm. Vật liệu này an toàn với môi trường, an toàn với thực phẩm. Sử dụng làm hầm đựng cá bằng loại Foam này thì chất lượng cá sẽ được đảm bảo suốt trong thời gian dài khi đánh bắt. Ông Thắng cho hay.

Chính Phủ hiện nay đang hướng đến phát triển phương tiện đánh bắt của ngư dân bằng thuyền vỏ sắt thì phương tiện tàu gỗ vẫn là phương tiện đánh bắt chính của ngư dân hiện nay. Chính vì thế cũng cần có những áp dụng công nghệ mới trong sửa chữa các tàu cá nhằm đảm bảo an toàn và bền vững hơn cho ngư dân khi ra khơi.

 

Ngọc Long

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load