(Xây dựng) - Tòa lâu đài được đánh giá là lớn nhất Phú Thọ hiện đang được Công ty TNHH Hải Linh hoàn thiện tọa lạc trên khu đất vàng rộng hàng nghìn mét vuông tại đường Nguyễn Tất Thành, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.
Lâu đài Hải Linh tọa lạc trên khu đất vàng rộng hàng nghìn mét vuông tại đường Nguyễn Tất Thành (ảnh: Người quan sát). |
Tòa lâu đài sở hữu diện tích và vốn đầu tư khủng
Tòa lâu đài có tên Hải Linh thuộc sở hữu của ông Lê Văn Tám (sinh năm 1966), Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hải Linh - một đại gia xăng dầu có tiếng tại Phú Thọ.
Lâu đài Hải Linh được chính thức khởi công xây dựng vào năm 2019 tại đường Nguyễn Tất Thành, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ với diện tích xây dựng hơn 13.000m2 sàn xây trên khu đất 3.500m2. Sau khi được hoàn thành, lâu đài này sẽ là trụ sở, văn phòng kinh doanh của Công ty TNHH Hải Linh.
Với mức đầu tư lên đến hàng nghìn tỷ đồng, công trình có 5 tầng và 1 tum mái. Diện tích xây dựng của từng tầng và tum mái được cụ thể hóa như sau: Tầng 1 là 1.898m2; tầng 2 là 2.254m2; tầng 3 là 1.245m2; tầng 4 là 1.326m2; tầng 5 là 1.334m2; tum mái 750m2. Tổng diện tích sàn lên đến 8.807m2. Bên cạnh đó, đơn vị phụ trách xây dựng này cũng tiết lộ tổng mức đầu tư của lâu đài lên đến cả nghìn tỷ đồng.
Tòa lâu đài gây chú ý khi được xây dựng theo lối kiến trúc tân cổ điển. Trong đó, hàng loạt những chi tiết đường nét hoa văn uốn lượn, chi tiết mái vòm, cột tròn đối xứng, các đường chỉ phào, phù điêu, điêu khắc đã tô điểm và làm nổi bật tòa lâu đài. Hiện tại, công trình này đang đi vào hoàn thiện nội thất.
Ông Lê Văn Tám - Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hải Linh và là chủ của tòa lâu đài khủng. |
Chủ đầu tư lâu đài Hải Linh có gì?
Ông Lê Văn Tám, chủ lâu đài Hải Linh được biết tới là một đại gia có tiếng tại Phú Thọ và sở hữu Công ty TNHH Hải Linh. Công ty này hoạt động chính trong lĩnh vực bán buôn nhiên liệu rắn, lỏng, khí và các sản phẩm liên quan.
Từ năm 2017 đến nay, Công ty TNHH Hải Linh luôn nằm trong tốp đầu doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam trong nhóm xăng dầu, chỉ xếp sau những ông lớn như Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) hay như Công ty TNHH MTV Nhiên liệu hàng không Việt Nam (Skypec).
Một trong những cột mốc được chú ý là lần đầu tiên Công ty TNHH Hải Linh được Công ty Cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report JSC) bình chọn là một trong 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam năm 2009 do Công ty Cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report JSC) bình chọn. Cũng theo thông tin của Vietnam Report JSC, thời điểm đó công ty có khoảng hơn 200 đại lý trên địa bàn các tỉnh trên, nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu của khách hàng. Thị phần xăng dầu của công ty chiếm 20-30% và thị phần gas chiếm trên 50% thị phần khu vực.
Tính đến cuối năm 2021, vốn điều lệ Xăng dầu Hải Linh đạt 2.050 tỷ đồng, trong đó ông Lê Văn Tám sở hữu 68,67%, số cổ phần còn lại do bà Nguyễn Thị Hải nắm giữ (31,33%). Ông Tám đồng thời đảm nhiệm vai trò Chủ tịch HĐTV kiêm người đại diện pháp luật Xăng dầu Hải Linh.
Tiếp đó, vào tháng 4/2023, Công ty TNHH Hải Linh đã thực hiện tách doanh nghiệp, qua đó vốn điều lệ giảm từ 4.550 tỷ đồng xuống còn 1.350 tỷ đồng. Sau khi thay đổi đăng ký kinh doanh, hai thành viên góp vốn của công ty bao gồm: Ông Lê Văn Tám chiếm 85,9% và bà Nguyễn Thị Hải chiếm 14,1% vốn góp.
Chi tiết hoa văn trên tòa lâu đài được thiết kế đầu tư và tỉ mỉ (ảnh: Người quan sát). |
Hệ sinh thái Hải Linh của đại gia Lê Văn Tám bao gồm 7 đơn vị thành viên đang hoạt động trong nước và một Công ty thương mại hoạt động tại Singapore, bao gồm: Công ty TNHH Hải Linh; Công ty TNHH MTV Dầu khí Hải Linh Tây Bắc; Công ty TNHH Điện lực Hiệp Phước; Công ty TNHH MTV Hải Linh Bắc Ninh; Công ty TNHH MTV Dầu khí Hải Linh Hà Nam.
Mặc dù kín tiếng về hoạt động tài chính, tuy nhiên những dự án nổi bật của Hải Linh đã một phần thể hiện tình hình làm ăn khá nổi trội. Trong đó, có thể kể tới ở Cái Mép - Vũng Tàu có dự án kho xăng dầu ngoại quan có sức chứa 120.000m3 và đang được nâng công suất lên 320.000m3. Cũng tại Cái Mép - Vũng Tàu, dự án xây dựng bể chứa khí hóa lỏng thiên nhiên sức chứa 220.000m3, tính tới năm 2022, Hải Linh là doanh nghiệp đầu tiên ở Việt Nam thực hiện dự án này.
Nhà máy điện khí Hiệp Phước 1 mua lại của đối tác Đài Loan được đầu tư nâng cấp, cải tạo đạt công suất 1.000MKW. Công ty đầu tư Nhà máy điện khí Hiệp Phước 2 công suất 1.500MKW. Về phương tiện vận tải, Hải Linh - Phú Thọ đang sở hữu hai tàu biển quốc tế có trọng tải lần lượt là 10.000 tấn và 45.000 tấn. Cùng với đó, tính tới năm 2022, công ty có 11 phương tiện vận tải đường thủy (tàu container và tàu dầu) có trọng tải lần lượt là 7.000 - 20.000 tấn.
Lê Trang
Theo