(Xây dựng) - Mới đây, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng tín dụng theo đúng chỉ tiêu được Ngân hàng Nhà nước giao thực hiện trong năm 2022, phù hợp với các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, hoạt động ngân hàng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.
Đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro hoặc chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng dư nợ tín dụng và chất lượng tín dụng.
Cụ thể, tăng cường kiểm soát các khoản cấp tín dụng đối với khách hàng vay vốn để tham gia đấu giá đất đảm bảo đúng quy định của pháp luật, kịp thời báo cáo Ngân hàng Nhà nước khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật để có biện pháp xử lý.
Công văn cũng nêu rõ, để chuẩn bị việc xây dựng phương án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 của tổ chức tín dụng, các tổ chức tín dụng thực hiện đánh giá toàn diện thực trạng hoạt động đến ngày 31/12/2021.
Thời điểm gần nhất và rà soát tình hình, kết quả thực hiện phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng giai đoạn 2016-2020 đã được phê duyệt theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước.
Trong Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng thương mại phải hướng tín dụng vào sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ.
Đồng thời, tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông, trái phiếu doanh nghiệp…
Trước đó, số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính từ đầu năm đến hết 31/3, tăng trưởng tín dụng tăng 5,04% (số liệu tính đến ngày 20/3 là 4,03%) và tương đương với mức tăng 15,9% so với cùng kỳ. Như vậy, quy mô tín dụng đã tăng gần 526 nghìn tỷ đồng chỉ trong quý I/2022 và hơn 100 nghìn tỷ đồng chỉ trong 10 ngày cuối tháng.
Việc các ngân hàng dừng giải ngân cho vay bất động sản sẽ loại bỏ nhà đầu tư phụ thuộc đòn bẩy tài chính và các nhóm đầu cơ.
Gần đây, một số ngân hàng cùng thông báo dừng cho vay bất động sản. Như với Techcombank, đơn vị này đã dừng giải ngân khoản vay mua bất động sản (gồm chưa hoặc đã có giấy chứng nhận) từ ngày 25/3. Nhà băng này đang cho các đơn vị kinh doanh trao đổi và đàm phán với khách hàng để dời lịch giải ngân các khoản vay sang đầu tháng 4.
Còn Sacombank mới đây đã yêu cầu giám đốc khu vực, giám đốc chi nhánh và trưởng phòng giao dịch không cấp tín dụng với lĩnh vực bất động sản, ngoại trừ cho vay cán bộ, công nhân viên và người mua, xây, sửa bất động sản để ở. Nhà băng này yêu cầu các đơn vị tập trung cấp tín dụng với các lĩnh vực sản xuất, không thực hiện huy động - cho vay cầm cố sổ (nhà đất) cùng lúc.
Theo số liệu của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam cho thấy trong năm 2021, tổng khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong nước đạt trên 658.000 tỷ đồng, tăng 42% so với năm 2020. Trong đó, nhóm ngành Bất động sản dẫn đầu với lượng phát hành trị giá 232.337 tỷ đồng, chiếm 35,3%. Còn theo Báo cáo “Thị trường trái phiếu doanh nghiệp” do Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI công bố, năm 2021, các doanh nghiệp bất động sản phát hành lên đến 318.200 tỷ đồng, chiếm 44% tổng lượng trái phiếu do doanh nghiệp phát hành và tăng 66,3% so với năm 2020.
Đây chỉ mới là bước đầu của lộ trình kiểm soát tín dụng bất động sản khi chỉ một vài nhà băng tiến hành kiểm soát hạn mức giải ngân đối với các khoản vay mua bất động sản đã có giấy chứng nhận. Lộ trình siết van tín dụng đã được cân nhắc đến nhiều năm qua nhưng liên tục bị đề xuất trì hoãn. Theo các chuyên gia, nhiều khả năng van tín dụng cho đầu tư địa ốc có thể bị thắt chặt hơn từ giữa năm 2022 để ổn định thị trường nhà đất.
Kiến Tài
Theo