Thứ sáu 27/12/2024 03:37 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Bất động sản /

Các trường hợp có quyền lấy lại đất đã bán bằng giấy viết tay

14:41 | 23/11/2024

(Xây dựng) - Mua bán đất (chuyển nhượng) bằng giấy viết tay là giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất nhưng hợp đồng không được công chứng hoặc chứng thực theo quy định pháp luật. Có 5 trường hợp bên chuyển nhượng có thể lấy lại quyền sử dụng đất và trả lại tiền cho bên nhận chuyển nhượng mà không vi phạm pháp luật.

Các trường hợp có quyền lấy lại đất đã bán bằng giấy viết tay
Sau ngày 1/8/2024, các trường hợp giao dịch đất đai bằng giấy viết tay sẽ không có hiệu lực pháp lý.

Trước đây, hình thức giao dịch này còn tương đối phổ biến. Vì một số lý do khác nhau mà bên chuyển nhượng muốn lấy lại quyền sử dụng đất và trả lại tiền cho bên nhận chuyển nhượng. Để thực hiện được, giao dịch dân sự này cần đạt được thỏa thuận với bên nhận chuyển nhượng hoặc yêu cầu Tòa án tuyên bố vô hiệu.

Căn cứ Bộ luật Dân sự 2015 và Luật Đất đai 2024, có những trường hợp sau đây có thể đòi lại đất mua bán bằng giấy viết tay.

Giao dịch từ sau ngày 1/8

Khoản 3 Điều 27 Luật Đất đai 2024 quy định hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản này.

Theo đó, chỉ trừ trường hợp một hoặc các bên chuyển nhượng là tổ chức hoạt động kinh doanh bất động sản mới không bắt buộc phải công chứng hoặc chứng thực.

Vì vậy, chuyển nhượng quyền sử dụng đất bằng giấy viết tay chỉ có hiệu lực nếu thời điểm chuyển nhượng diễn ra trước ngày 1/8/2024. Trong trường hợp nếu giao dịch bằng giấy viết tay từ sau ngày 1/8 thì không có hiệu lực pháp lý.

Không đủ điều kiện chuyển nhượng

Đối với bên chuyển nhượng quyền sử dụng đất, Khoản 1 Điều 45 Luật Đất đai 2024 quy định thì tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất khi có đủ các điều kiện sau:

Có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trừ trường hợp: Thừa kế quyền sử dụng đất, chuyển đổi đất nông nghiệp khi dồn điền, đổi thửa, tặng cho quyền sử dụng đất cho Nhà nước, cộng đồng dân cư; Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài nhận chuyển nhượng dự án bất động sản theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản.

Hộ gia đình cá nhân chưa được cấp nhưng đủ điều kiện cấp sổ đỏ thì được thực hiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất, cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án.

Đất không có tranh chấp hoặc tranh chấp đã được giải quyết bởi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, bản án, quyết định của Tòa án, quyết định hoặc phán quyết của Trọng tài đã có hiệu lực pháp luật.

Quyền sử dụng đất không bị kê biên, áp dụng biện pháp khác để bảo đảm thi hành án theo quy định của pháp luật thi hành án dân sự; Trong thời hạn sử dụng đất; Quyền sử dụng đất không bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của pháp luật.

Như vậy, chỉ cần có một trong các điều kiện trên thì có quyền yêu cầu Tòa án tuyên việc chuyển nhượng vô hiệu (phổ biến nhất là đất không có giấy chứng nhận).

Đối với bên nhận chuyển nhượng phải không thuộc trường hợp không được nhận chuyển nhượng. Ví dụ, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp thì không được nhận chuyển nhượng đất trồng lúa.

Không có sự đồng ý của các thành viên

Sau khi Luật Đất đai 2024 được ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/8/2024, các vấn đề liên quan đến giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) được nhiều người quan tâm. Một trong những thay đổi trong luật này là không còn công nhận sổ đỏ đã cấp cho hộ gia đình.

Khoản 4 Điều 256 Luật Đất đai 2024 nêu rõ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đã cấp cho đại diện hộ gia đình trước ngày 1/8, nếu các thành viên có chung quyền sử dụng đất của hộ gia đình có nhu cầu thì được cấp đổi và ghi đầy đủ tên các thành viên có chung quyền sử dụng đất.

Việc xác định các thành viên có chung quyền sử dụng đất của hộ gia đình để ghi tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do các thành viên này tự thỏa thuận và chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Trên thực tế, việc một người trong hộ gia đình (trước đây là chủ hộ) tự ý chuyển nhượng cho người khác khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của các thành viên hộ gia đình sử dụng đất khác diễn ra khá phổ biến.

Khoản 5 Điều 14 Thông tư 02/2015 của Bộ Tài Nguyên và Môi trường quy định người có tên trên giấy chứng nhận hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật về dân sự chỉ được thực hiện việc ký hợp đồng, văn bản giao dịch về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất khi đã được các thành viên trong hộ gia đình sử dụng đất đồng ý bằng văn bản và văn bản đó đã được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật.

Theo đó, nếu chưa có sự đồng ý của các thành viên có chung quyền sử dụng đất bằng văn bản được công chứng hoặc chứng thực mà chuyển nhượng đất hộ gia đình cho người khác thì thành viên khác có quyền lấy lại quyền sử dụng đất của mình.

Tự ý chuyển nhượng tài sản chung của vợ chồng

Theo khoản 2 Điều 35 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, việc chuyển nhượng nhà đất là tài sản chung của vợ chồng phải có sự đồng ý bằng văn bản. Trường hợp vợ, chồng tự ý chuyển nhượng thì bên kia có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch vô hiệu.

Không được công chứng hoặc chứng thực hợp đồng

Luật Đất đai 2024 quy định hợp đồng chuyển nhượng nhà đất phải được công chứng hoặc chứng thực. Nghĩa là, nếu hợp đồng không có công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật thì việc chuyển nhượng đó không có hiệu lực, trừ khoản 2 Điều 129 Bộ luật Dân sự 2015.

Nghĩa là, chỉ có quyền đòi lại nếu một bên hoặc các bên chưa thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch. Trường hợp đất đủ điều kiện chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng đã trả ít nhất 2/3 số tiền theo thỏa thuận thì không yêu cầu Tòa tuyên vô hiệu do vi phạm hình thức để lấy lại đất.

Tiến Hào

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load