Chủ nhật 27/10/2024 00:33 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Sẽ ra sao khi bạn đam mê dọn nhà

08:09 | 29/08/2022

Nhiều người thích việc dọn dẹp, coi đây là liệu pháp giải tỏa áp lực. Tuy nhiên, nếu quá ám ảnh với ngôi nhà sạch sẽ, bạn có thể gây ảnh hưởng đến các mối quan hệ xung quanh.

se ra sao khi ban dam me don nha

Việc dọn dẹp nhà cửa có thể là gánh nặng với nhiều người, song lại là niềm vui, sở thích với một số khác. Thậm chí, khi càng áp lực hoặc căng thẳng, họ lại càng muốn thu dọn không gian sống để cảm thấy thoải mái hơn.

Xu hướng tâm lý này khá phổ biến. Vài người nhầm tưởng đây là hội chứng ám ảnh cưỡng chế (OCD), nhưng thực chất không phải ai thích dọn nhà cũng mắc bệnh lý này.

House Beautiful phân tích những khía cạnh tâm lý tích cực và tiêu cực khi một người yêu thích việc thu dọn nhà cửa.

Tích cực là khi...

Theo tiến sĩ, nhà tâm lý học lâm sàng Bethany Cook (Chicago, Mỹ), con người có xu hướng cảm thấy an toàn và thoải mái hơn khi biết trước được điều sắp xảy ra.

Việc dọn dẹp nhà cửa mang ý nghĩa tương đương như vậy. Đó là khi bạn biết mọi thứ đang ở đâu, đồ dùng luôn ở trạng thái sẵn sàng để sử dụng và bạn không cần phải tìm kiếm, lo lắng về điều gì.

"Sắp xếp đồ đạc có thể mang đến những trải nghiệm dễ chịu. Chẳng hạn như bạn sẽ rất hào hứng khi vô tình tìm thấy món đồ lưu niệm cũ. Việc vứt bỏ hoặc đem tặng những đồ vật bạn không dùng đến cũng là một liệu pháp giải phóng không gian và tinh thần hiệu quả", bà nói.

Đồng quan điểm, Rebecca Phillips, cố vấn tâm lý tại Mend Modern Therapy, cho biết: "Khi suy nghĩ bị xáo xộn, việc sắp xếp mọi thứ xung quanh có thể giúp bạn cảm thấy yên lòng, kiểm soát được mọi thứ".

se ra sao khi ban dam me don nha
se ra sao khi ban dam me don nha
Nhiều người thích dọn dẹp không gian sống nhằm giải tỏa áp lực. Ảnh minh họa: Cottonbro/Pexels.

Phân tích sâu hơn, tiến sĩ Cook nhận định một người sẽ khó tập trung hơn nếu vỏ não của họ bị kích thích quá mức. Đó có thể là khi họ có quá nhiều việc phải làm, đồ đạc trước mắt ngổn ngang hoặc hàng tá nhiệm vụ gấp gáp.

"Và khi không gian trở nên ngăn nắp, họ có thể giải tỏa phần nào căng thẳng, không cần dùng nhiều năng lượng chỉ để tập trung", ông cho hay.

Trong giai đoạn đại dịch, mọi người có xu hướng trở nên gọn gàng, dọn dẹp nhà cửa nhiều hơn bởi tất cả đều mắc kẹt trong chính ngôi nhà của mình.

"Giãn cách xã hội kéo dài khiến nhiều người căng thẳng, hỗn độn và không thể kiểm soát cuộc sống. Họ cho biết việc dọn nhà khi ấy giúp làm giảm áp lực. Nhiều người cố giữ nhà cửa của mình sạch sẽ để tránh âu lo", Rebecca nói thêm.

Tiêu cực là khi...

Tuy nhiên, theo nhà trị liệu tâm lý Natalie Capano (New York, Mỹ), việc thu dọn nhà cửa chỉ có thể giúp con người giải tỏa phần nào lo âu trước mắt, trong khi những mối bận tâm của họ vẫn tồn tại, không thay đổi.

"Một số người tin rằng chỉ cần giữ nhà cửa gọn gàng, các mối quan hệ xung quanh cũng sẽ trật tự. Nhưng thật sự không phải vậy", cô nói.

Khi việc dọn nhà trở thành nỗi ám ảnh, thậm chí là cơn nghiện, điều đó có thể thay đổi cuộc sống của bạn và khiến những người khác khó chịu.

"Khi bạn bắt đầu dành quá nhiều thời gian cho việc dọn dẹp, hoặc cảm thấy căng thẳng khi không được dọn nhà, điều đó chứng tỏ sở thích của bạn đã trở nên tiêu cực. Biểu hiện dễ thấy nhất là bạn sẽ luôn la mắng người khác khi họ đặt đồ sai vị trí, lơ đãng công việc, mối quan hệ khác chỉ để tập trung vào việc giữ mọi thứ ngăn nắp", tiến sĩ Cook lý giải.

Từ những triệu chứng đó, rất có thể bạn mắc chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) hoặc rối loạn nhân cách ám ảnh cưỡng chế (OCPD). Đây là bệnh lý tâm lý phức tạp, cần được theo dõi, điều trị.

se ra sao khi ban dam me don nha
Sở thích dọn dẹp sẽ trở nên tiêu cực khi bạn luôn ám ảnh bởi nó. Ảnh minh họa: Cottonbro/Pexels.

Dưới đây là những suy nghĩ ám ảnh thường gặp ở bệnh nhân OCD.

Sợ vi khuẩn, sự ô nhiễm hoặc sự bừa bộn, thiếu ngăn nắp.

Sợ vi phạm pháp luật.

Sợ làm hại bản thân hoặc người khác.

Sợ một số chữ số, màu sắc, từ ngữ...đặc biệt.

Suy nghĩ ám ảnh về tình dục.

Những người mắc OCD thực hiện một số hành vi để giảm bớt sự lo lắng, căng thẳng liên quan đến nỗi ám ảnh của họ. Các việc làm này được gọi là hành vi cưỡng chế. Mỗi cá nhân có những biểu hiện khác nhau, có thể hiện rõ bên ngoài hoặc không, thậm chí chúng có thể thay đổi ở các giai đoạn khác nhau trong cuộc đời họ.

Theo Hoàng Vân/Zingnews.vn

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load