Thứ hai 09/12/2024 17:00 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Thừa Thiên - Huế: Lên phương án di dời hơn 16.000 hộ dân tránh bão số 6

09:42 | 26/10/2024

(Xây dựng) - Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, dự báo từ đêm 26/10 đến ngày 29/10, tại tỉnh có mưa, mưa vừa, rải rác mưa to, có nơi mưa rất to và dông, tổng lượng mưa cả đợt phổ biến 200-400mm, có nơi trên 500mm. Tỉnh đã lên phương án sơ tán, di dời 16.349 hộ dân với 52.186 khẩu để ứng phó bão số 6.

Thừa Thiên - Huế: Lên phương án di dời hơn 16.000 hộ dân tránh bão số 6
Các lực lượng chức năng cùng người dân địa phương chung tay gia cố khẩn cấp kè biển bị sạt lở đoạn qua xã Phú Thuận (huyện Phú Vang).

Dự báo mưa với cường độ lớn nhất tập trung trong ngày 27-28/10. Mưa lớn có khả năng gây ra lũ quét, sạt lở, trượt lở đất đá ở vùng đồi núi và ven các sông suối nhỏ ở các huyện A Lưới, Nam Đông, Phong Điền, Phú Lộc, thị xã Hương Trà...

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết: Với tinh thần chủ động, hiện địa phương đã xây dựng các phương án chuẩn bị ứng phó với bão số 6. Triển khai các phương đảm bảo an toàn tại các công trình trọng điểm đang thi công trong mùa mưa lũ. Cảnh báo các vị trí có nguy cơ lũ quét, trượt lở đất vùng đồi núi, các tuyến giao thông; sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn tỉnh. Tính đến chiều 25/10, tỉnh đã kêu gọi tất cả 1.884 phương tiện tàu thuyền với 10.685 lao động của địa phương vào bờ neo đậu, tránh trú bão an toàn; 90% diện tích nuôi trồng thủy sản đã thu hoạch. Có 20 phương tiện tàu hàng hải với 166 lao động, 1.999 tấn hàng đang neo đậu tại cảng Thuận An và cảng Chân Mây.

Nhằm chủ động ứng phó với bão, lũ, nước dâng, lũ quét, sạt lở đất, hiện tỉnh Thừa Thiên - Huế đã lên phương án sơ tán, di dời 16.349 hộ dân với 52.186 khẩu để ứng phó bão số 6. Các lực lượng chủ công, cơ động như công an, bộ đội biên phòng phân công lực lượng, phương tiện để ứng phó với bão số 6. Ngoài ra, tỉnh dự trữ 100 tấn gạo, 100 tấn mì ăn liền, vận động người dân chủ động dự trữ hàng hóa thiết yếu từ 7 đến 10 ngày liên tục để phòng khi thiên tai, lụt bão xảy ra.

Toàn tỉnh có 56 hồ thủy lợi và 13 nhà máy thủy điện. Trước mùa mưa, lũ năm 2024, các cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên – Huế đã tổ chức các đoàn kiểm tra tình hình thực hiện các quy định về quản lý an toàn đập, kết quả cơ bản các hồ đã thực hiện các quy định; kiểm tra công tác quản lý vận hành, an toàn điện, quản lý an toàn đập, hồ chứa nước và công tác ứng phó thiên tai. Hiện nay, mực nước các hồ thủy lợi, thủy điện lớn như Tả Trạch, Hương Điền, Bình Điền ở mức thấp, các hồ đang vận hành đảm bảo an toàn. Với dung tích phòng lũ hiện tại, các hồ có khả năng cắt lũ hoàn toàn với trận mưa từ 400-600mm/24h.

Ngày 25/10, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên – Huế cũng đã có Điện hỏa tốc về chủ động ứng phó với bão số 6 (bão TRAMI). Qua đó, yêu cầu các đơn vị theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lũ, chủ động triển khai công tác ứng phó theo kế hoạch đã được phê duyệt theo phương châm “bốn tại chỗ” với tinh thần khẩn trương, quyết liệt, phù hợp với tình hình cụ thể tại địa phương. Hủy, hoãn các cuộc họp không thực sự cấp bách để tập trung chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó với bão, lũ. Khẩn trương rà soát và kiên quyết di dời người dân ra khỏi các vùng xung yếu, nguy hiểm, nhất là khu vực ven biển, cửa sông, vùng có nguy cơ sạt lở, ngập sâu, lũ quét; không để người dân ở lại trên tàu thuyền tại nơi neo đậu, trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản... Chỉ đạo triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn hồ đập, tổ chức vận hành an toàn, hiệu quả các hồ thủy lợi, thủy điện.

Chỉ đạo huy động các lực lượng hướng dẫn, hỗ trợ chằng chống nhà cửa cho nhân dân, trụ sở, kho tàng, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; triển khai cắt, tỉa cây xanh có khả năng gãy, đổ; hướng dẫn tàu thuyền neo, đậu đúng cách, đảm bảo an toàn tài sản cho ngư dân; tăng cường kiểm soát, hướng dẫn bảo đảm an toàn giao thông, an toàn lưới điện, chủ động phương án cấm người, phương tiện lưu thông, nhất là trước và trong khi bão đổ bộ và mưa lũ.

Căn cứ diễn biến và dự báo bão, yêu cầu các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh chủ động điều chỉnh các hoạt động sản xuất, kinh doanh đảm bảo an toàn cho công nhân; chỉ đạo xem xét thời gian cho học sinh, sinh viên nghỉ học.

Sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị theo phương châm “bốn tại chỗ” để xử lý khi có tình huống xảy ra, tuyệt đối không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Chủ động chuẩn bị dự trữ, cung ứng hàng hóa thiết yếu ứng phó với mưa bão, lũ lụt.

Chỉ đạo lực lượng công an, quân đội giữ gìn an ninh và bảo vệ tài sản của nhân dân; triển khai lực lượng, phương tiện, trang thiết bị hỗ trợ các địa phương ứng phó với mưa bão, lũ lụt; sẵn sàng sơ tán dân, cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

Trí Đức

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load