Thứ sáu 29/03/2024 22:40 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Sẽ có một Phú Quốc như thế

17:53 | 11/04/2017

(Xây dựng) - Phú Quốc, hòn đảo có diện tích 567km2 (tương đương đảo quốc Singapore vào năm 1960 khi chưa san lấp lấn biển), lớn nhất trong hệ thống đảo của Việt Nam, nằm trong nhóm đảo gồm 22 hòn đảo của nước ta trên vịnh Thái Lan có tổng diện tích 590km2, hình thành nên huyện đảo Phú Quốc, có vị trí đặc biệt quan trọng và giàu tiềm năng kinh tế nhất của tỉnh Kiên Giang.

se co mot phu quoc nhu the

1. Phú Quốc đã và đang từng ngày đổi thay bởi tầm nhìn chiến lược của Đảng và Nhà nước thông qua những quyết sách phát triển quan trọng của Thủ tướng Chính phủ. Đó là Đề án Tổng thể phát triển đảo Phú Quốc đến năm 2020 (năm 2004); Quyết định Điều chỉnh Quy hoạch chung đến năm 2030 với mục tiêu xây dựng Phú Quốc trở thành đặc khu kinh tế - hành chính (năm 2010); Quyết định về việc ban hành một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển đảo Phú Quốc - Kiên Giang (năm 2013) cùng nhiều Quyết định về quy hoạch chuyên ngành như phát triển du lịch, phát triển hệ thống giao thông bền vững cho Phú Quốc; các quy hoạch mang tầm chiến lược quốc gia như Chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam đến 2020; Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến 2020, định hướng đến 2030. Năm 2014, Phú Quốc được công nhận là đô thị loại II, hướng tới trở thành đặc khu kinh tế trực thuộc Trung ương. Đặc biệt, năm 2006, vùng ven biển Kiên Giang và vùng biển đảo Kiên Giang (bao gồm cả đảo Phú Quốc) được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới đã có ảnh hưởng quan trọng đến phát triển du lịch của Phú Quốc.

Những ngày này, khách đến Phú Quốc không khỏi ngạc nhiên trước một Phú Quốc vốn bình lặng, hoang sơ giờ như một đại công trường đầy sôi động. Bằng những chủ trương, chính sách phát triển cởi mở, hấp dẫn của Chính phủ và chính quyền tỉnh Kiên Giang, thời gian qua, nhiều nhà đầu tư trong nước có tiềm năng đã đến với Phú Quốc. Những bước đi đầu tiên đặt nền móng cho một đặc khu kinh tế đầy kỳ vọng của Chính phủ đã bắt đầu. Sân bay quốc tế hiện đại nằm ở phía Nam đảo, cách trung tâm thị trấn Dương Đông 10km với đường băng 45 x 3.000m có khả năng cất, hạ cánh cho các loại tàu bay B777, B740-400, A321, A320 và tương đương đã khánh thành giai đoạn I và đưa vào khai thác từ tháng 12/2016, thay thế hoàn toàn cho sân bay Dương Tơ cũ kỹ vốn chỉ sử dụng cho loại máy bay nhỏ như Rokker 70 hay ATR 77. Một hệ thống đường giao thông quan trọng như Cảng biển quốc tế An Thới nối Phú Quốc với đất liền và giao thương với các nước bằng đường thủy đã được đầu tư xây dựng; trục đường Nam-Bắc dài gần 50km rộng 6 làn xe với hệ thống các đường ngang như xương cá kết nối các khu trung tâm dân cư hiện hữu trên đảo như Dương Đông, An Thới… đang hoàn thiện. Tuyến đường vòng quanh đảo đang được xây dựng. Các dự án BĐS nghỉ dưỡng 5 sao hiện đại, khu Công viên Sarafi của Tập đoàn Vingroup ở Bãi Dài, An Thới, Dương Đông. Khu Shells resort tại Gành Gió của Tập đoàn Trần Thái. Khu nghỉ dưỡng 100ha của Tập đoàn Sungroup hay dự án Grand World của DN Long Điền tại Bãi Khem… đã, đang và sẽ đem đến cho Phú Quốc một sức sống mới, một diện mạo mới, một sức hấp dẫn mới du khách trong nước và đặc biệt là khách quốc tế. Nhiều nhà đầu tư khác cũng không bỏ lỡ thời cơ đổ nguồn lực vào đây với những dự án khủng sẽ thực hiện, như dự án khu du lịch nghỉ dưỡng tại Bãi Dài của Tập đoàn Sao Mai An Giang (ASM).

Theo BQL Đầu tư và phát triển đảo Phú Quốc, đến cuối quý III/2016 đã có 187 dự án được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư (trong số đó nhiều dự án đã được thực hiện và đưa vào khai thác) với tổng diện tích khoảng 7.118ha, vốn đầu tư hơn 35 ngàn tỷ đồng.

2. Là hòn đảo còn hoang sơ, chưa chịu tác động tiêu cực của quá trình đô thị hóa. Đây là một lợi thế rất quan trọng để phát triển ngành du lịch sinh thái. Vườn quốc gia Phú Quốc có diện tích gần 29.500ha, chiếm 49,9% tổng diện tích đất tự nhiên của đảo. Tại đây có một hệ sinh thái rất phong phú, như rừng nguyên sinh (7.000ha); rừng ngập mặn (17, 9ha); rừng tràm (1.625ha)… Đặc biệt, nhiệm vụ của Vườn quốc gia Phú Quốc không phải là khai thác gỗ, lâm sản mà là bảo vệ, bảo tồn các giá trị về môi trường, hệ sinh thái, cảnh quan thiên nhiên và đa dạng sinh học. Đây là vấn đề cực kỳ quan trọng, nó có tác động sâu sắc đến chiến lược phát triển bền vững của đặc khu kinh tế Phú Quốc trong tương lai.

Chính vì thế, tại một cuộc Hội thảo gần đây được tổ chức tại Phú Quốc do Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam và UBND tỉnh Kiên Giang phối hợp tổ chức, nhằm tìm ra giải pháp cho công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch xây dựng đô thị Phú Quốc thành đảo du lịch - nghỉ dưỡng sinh thái biển đặc sắc (theo Quy hoạch chung đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt), nhiều chuyên gia đã khẩn thiết cần coi trọng hệ sinh thái rừng đặc biệt này để tránh những bài học đáng tiếc đã từng xảy ra ở Đà Nẵng, Quảng Ninh… trong quá trình phát triển và đô thị hóa. Việc đầu tư xây dựng các dự án BĐS nghỉ dưỡng là rất cần thiết để nâng cao chất lượng phục vụ khách du lịch trong xu thế toàn cầu hóa, nhưng phải dựa vào địa hình tự nhiên để tạo sự hài hòa giữa nhân tạo và thiên tạo.

GS Đặng Hùng Võ đã cho rằng, chiến lược phát triển Phú Quốc đề ra nhiều mục tiêu đầy tham vọng, tuy nhiên cần phải tạo cho Phú Quốc sự khác biệt đối với từng chức năng trong quá trình phát triển. Theo ông, nói đến du lịch giải trí, thì người ta nghĩ đến Las Vegas, Ma Cao. Hay du lịch văn hóa lịch sử, du khách sẽ đến Ai Cập với những Kim Tự Tháp cổ đại... Tiềm năng nổi bật về du lịch của Phú Quốc là sự nguyên vẹn của hệ sinh thái rừng, hệ sinh thái biển và hệ sinh thái nông nghiệp. Vì vậy sự khác biệt ở đây chính là du lịch “xanh”, với các tiêu chí đầy đủ của nông nghiệp xanh, đô thị xanh, kiến trúc xanh, năng lượng xanh, giao thông xanh…

Đề cập đến phát triển kiến trúc Phú Quốc, một quan chức đầu ngành Xây dựng Kiên Giang trăn trở, hiện nay nhiều dự án đã xuất hiện tại đây. Đó là những khu nghỉ dưỡng rất hiện đại, tiện nghi cao cấp với tiêu chuẩn quốc tế 5 - 6 sao… nhưng kiến trúc ở đây không có bản sắc, na ná nơi này, nơi khác.

Vậy làm sao để kiến trúc Phú Quốc có bản sắc và bản sắc đó là gì? Câu hỏi này đặt ra cho giới KTS, nhưng vẫn chưa có lời giải đáp.

Rồi các vấn đề về môi trường như xử lý rác thải, nước thải hiện nay và trong quá trình phát triển cũng được sự quan tâm sâu sắc. Ô nhiễm môi trường biển đang hiện hữu khi mà hầu hết nước thải của các khu dân cư đều xả thẳng xuống biển. Cả đảo không có một nhà máy xử lý rác, dọc đường từ sân bay quốc tế đi đến các khu resort nghỉ dưỡng cao cấp hiện đại không khó để nhận thấy những bãi rác lộ thiên bốc mùi… Những bài học về phát triển bền vững cho Phú Quốc không phải là xa vời mà rất cụ thể, từ những bước đi đầu tiên của công tác lập quy hoạch, triển khai quy hoạch và quản lý quy hoạch. Hiện Phú Quốc đã là đô thị loại II, nhưng đó chưa phải là tất cả để đảo ngọc trở thành một TP, một đặc khu kinh tế có tầm cỡ khu vực và quốc tế. Phú Quốc giàu tiềm năng về kinh tế biển và lịch sử văn hóa. Hồ tiêu, nước mắm, nghề nuôi trai lấy ngọc và chế tác ngọc trai, chó Phú Quốc là những đặc sản nức tiếng trong nước và ở nhiều nước trên thế giới. Những di tích văn hóa lịch sử như đền thờ Nguyễn Trung Trực ở Gành Dầu; nhà lao Cây Dừa ở An Thới; Dinh Cậu ở Dương Đông, hay giếng Gia Long, mộ Hoàng Tử Cảnh… là những điểm đến hấp dẫn du khách thập phương. Thế nhưng, về cơ bản, các khu dân cư tập trung như thị trấn Dương Đông, An Thới phát triển vẫn rất khiêm tốn.

Kiến trúc đô thị nghèo nàn, không được chỉnh trang, chăm sóc. Cơ sở hạ tầng như điện, nước sạch còn thiếu thốn. Khả năng phục vụ khách du lịch còn hạn chế. Vì thế, ngay từ bây giờ, việc xây dựng một chính quyền đô thị với tư duy mới, đủ năng lực quản lý một đặc khu kinh tế là vô cùng cấp thiết. Chính quyền tỉnh Kiên Giang đang quyết tâm xây dựng Phú Quốc trở thành đô thị thông minh - SC. Đây là xu thế mà nhiều quốc gia trên thế giới đang thực hiện. Nhưng để là đô thị thông minh, thì trước hết phải có chính quyền đô thị thông minh với những con người thông minh có năng lực, có tâm huyết và trong sạch. Công nghệ thông tin chỉ là công cụ trong cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho quản trị đô thị và giúp người dân tiếp cận dễ dàng với các thủ tục hành chính, nhưng nó không thể thay thế cho tư duy của con người.

3. Câu chuyện về phát triển Phú Quốc không còn là câu chuyện của tỉnh Kiên Giang, mà là của đất nước. Con đường đi lên của Phú Quốc không phải là bản sao của Singapore hay một nước nào khác mà ai đó lầm tưởng, bởi Phú Quốc có điều kiện tự nhiên, bản sắc văn hóa riêng, xuất phát điểm phù hợp với quá trình phát triển của Việt Nam trong thời kỳ mới.

Và đó chính là sự khác biệt để tạo nên thành công của một đặc khu kinh tế Phú Quốc phồn vinh trong tương lai, cho dù chặng đường phía trước còn rất nhiều thử thách.

KTS Phạm Thanh Tùng

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load