(Xây dựng) - Không chỉ sử dụng tài sản công sai mục đích cùng những lùm xùm lợi ích nhóm, cánh hẩu, vi phạm trong công tác tổ chức cán bộ đã được Báo điện tử Xây dựng phản ánh, những dấu hiệu cố ý làm trái, tham nhũng, tiêu cực trong việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước của ông Nguyễn Ngọc Bảo - Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam tiếp tục cần được làm rõ. Điển hình là việc sử dụng trái pháp luật 400 tỷ đồng tiền lợi nhuận được chia từ vốn góp Nhà nước tại công ty liên doanh khách sạn Hà Nội Fortuna.
Công ty TNHH Nhà nước Một thành viên Đầu tư Thương mại và Du lịch Thắng Lợi (Công ty Thắng Lợi) là doanh nghiệp Nhà nước thuộc Liên minh HTX Việt Nam được Bộ Tài Chính giao vốn Nhà nước bằng giá trị quyền sử dụng 4.250m2 đất tại số 6B Láng Hạ, quận Ba Đình (Hà Nội) để góp vốn liên doanh thành lập Công ty Liên doanh khách sạn Hà Nội Fortuna theo Quyết định số 134/QĐ-TCDN ngày 15/12/2008 của Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính.
Khuất tất tiền tỷ gửi loạt ngân hàng
Sau một thời gian đầu không có lãi, việc kinh doanh khách sạn Hà Nội Fortuna cũng dần có hiệu quả và Công ty bắt đầu được chia lợi nhuận. Tổng số lợi nhuận theo Thông báo số 1505/LDVP ngày 16/5/2018 của Công ty liên doanh khách sạn Hà Nội Fortuna được chia cho Công ty Thắng Lợi là hơn 99 tỷ đồng (99.316.972.542 VNĐ).
Tuy nhiên thay vì số tiền nêu trên được nộp vào ngân sách Nhà nước, ông Nguyễn Ngọc Bảo - Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam lại ký Nghị quyết số 725/NQ-LMHTXVN ngày 09/7/2018 yêu cầu Công ty Thắng Lợi chuyển số tiền trên về tài khoản của Liên minh HTX Việt Nam để quản lý, sử dụng.
Cứ tưởng rằng ông Nguyễn Ngọc Bảo - Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam sẽ chỉ đạo việc quản lý, sử dụng số tiền có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước ở trên đúng mục đích, theo quy định của pháp luật. Thế nhưng sau đó, ông Nguyễn Ngọc Bảo lại chỉ đạo bộ phận chức năng chia nhỏ số tiền để đem gửi tại một loạt ngân hàng với kỳ hạn từ 3-6 tháng.
Điều đáng nói, toàn bộ số tiền này được gửi tại các Chi nhánh ngân hàng có mối liên quan đặc biệt với ông Nguyễn Ngọc Bảo, như Agribank Đăk Nông (nơi công tác trước đây của ông Bảo), Agribank Thái Bình (nơi em trai ông Bảo làm việc), hay Agribank Cầu Giấy (nơi làm việc của vợ ông Nguyễn Hùng Tiến - Trưởng ban Kinh tế đầu tư, cánh hẩu của ông Bảo). Càng khó hiểu hơn tại sao ông Chủ tịch và “cánh hẩu” phải quá “công phu” đến vậy khi vác tiền của Nhà nước tại trụ sở Hà Nội để gửi tít ở những nơi cách xa hàng trăm đến hàng nghìn km, không tiện giao dịch như Agribank Bình Triệu (Thành phố Hồ Chí Minh), Đăk Nông, Thái Bình… Điều đó khiến dư luận thắc mắc liệu có khuất tất, lợi ích nhóm gì hay không từ người đứng đầu Liên minh HTX Việt Nam?
Cần lưu ý đã có không ít trường hợp cán bộ lãnh đạo ở một số cơ quan, doanh nghiệp của Nhà nước đã từng bị cơ quan bảo vệ pháp luật xử lý hình sự khi mang tiền Nhà nước gửi ngân hàng thông qua các hợp đồng có kỳ hạn để nhận “lót tay”, nhận lãi ngoài hợp đồng.
Nhất là việc nhận và sử dụng khoản chênh lệch lãi suất bằng hình thức: Nhận bằng tiền mặt; Yêu cầu chuyển chênh lệch lãi suất vào tài khoản cá nhân; Chuyển tiền vào một tài khoản nhưng không đưa vào hệ thống sổ sách để theo dõi, phản ánh theo quy định.
Phù phép để chi tiêu sai mục đích?
Không chỉ có vậy, ông Nguyễn Ngọc Bảo - Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam đã ký Nghị quyết số 743/NQ-LMHTXVN, ngày 13/7/2018 cho phép sử dụng nguồn chia lợi nhuận tại Liên doanh khách sạn Hà Nội Fortuna để sử dụng đầu tư công trình thuộc dự án “Trung tâm giới thiệu sản phẩm ngành nghề truyền thống và dịch vụ kinh tế hợp tác, hợp tác xã”, gọi tắt là dự án Phạm Hùng.
Ngay sau đó, Liên minh HTX Việt Nam đã dùng số tiền từ lợi nhuận được chia tại Fortuna hơn 25 tỷ đồng (25.413.156.000 VNĐ) để nộp tiền sử dụng đất cho dự án Phạm Hùng. Việc làm này đã đi ngược lại hoàn toàn chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 05/CP-CN ngày 02/01/2001, trong đó đã ghi rõ “Không dùng vốn ngân sách Nhà nước để đầu tư cho dự án này” (dự án xây dựng Trung tâm giới thiệu sản phẩm, dịch vụ kinh tế hợp tác, Hợp tác xã).
Trên thực tế, Liên minh HTX Việt Nam vẫn có nguồn thu gần 25 tỷ đồng (tính đến hết tháng 6/2020) từ chính dự án Phạm Hùng này, liên quan đến hợp đồng hợp tác giữa Liên minh HTX Việt Nam và Công ty Cổ phần Hợp tác và đầu tư Thăng Long nhưng Liên minh HTX Việt Nam lại không dùng để nộp tiền sử dụng đất. Điều đó tiếp tục tạo ra nghi ngờ từ phía dư luận về số tiền này phải chăng cũng đang được phù phép để chi tiêu sai mục đích vào việc khác?
Thậm chí, Bộ Tài chính đã ban hành Văn bản số 13304/BTC-TCDN ngày 30/10/2018 khẳng định Công ty Thắng Lợi là doanh nghiệp Nhà nước, phần vốn góp của Công ty Thắng Lợi vào Công ty khách sạn Hà Nội Fortuna được hình thành từ tài sản Nhà nước. Do vậy, Bộ Tài chính đã yêu cầu Liên minh HTX Việt Nam chỉ đạo Công ty Thắng Lợi “thực hiện việc nộp ngân sách Nhà nước khoản lợi nhuận được chia theo quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 của Chính phủ và Thông tư số 61/2016/TT-BTC ngày 11/4/2016”.
Tuy nhiên, không những ông Nguyễn Ngọc Bảo phớt lờ việc phải thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Tài chính mà còn ký tiếp Nghị quyết số 194/NQ-LMHTXVN ngày 20/5/2019 yêu cầu Hội đồng thành viên Công ty Thắng Lợi uỷ quyền cho Liên minh HTX Việt Nam nhận tiền lãi từ liên doanh công ty khách sạn Hà Nội Fortuna.
Sau đó, ông Bảo tiếp tục ký ban hành Nghị quyết số 386/NQ-LMHTXVN ngày 10/10/2019. Bằng việc ký Nghị quyết này, ông Bảo đã tự ý để Liên minh HTX Việt Nam được quyền phân phối lợi nhuận được chia từ liên doanh khách sạn Hà Nội Fortuna số tiền là hơn 43 tỷ đồng (43.635.182.249 VNĐ) khi chưa được bất cứ cơ quan chức năng nào đồng ý.
Vì vậy, khi hơn 43 tỷ đồng tiền lợi nhuận tiếp tục được chia của liên doanh khách sạn Hà Nội Fortuna về Công ty Thắng Lợi ngày 3/12/2019, ngay lập tức được chuyển tiếp về Liên minh HTX Việt Nam. Và cách thức chi tiêu sai quy định tiếp tục lặp lại, khi Liên minh HTX Việt Nam vẫn không thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước liên quan đến khoản tiền này; trong khi ngân sách Nhà nước hàng năm vẫn đều đặn hỗ trợ và đảm bảo hoạt động cho Liên minh.
Không dừng lại ở đó, ông Nguyễn Ngọc Bảo đã quyết định ứng vay của liên doanh khách sạn Hà Nội Fortuna số tiền 7 tỷ đồng thông qua sự bảo lãnh của Công ty Thắng Lợi từ lợi nhuận chưa chia của liên doanh năm 2018, 2019 để thực hiện việc chi phí cho Đại hội nhiệm kỳ 2020-2025.
Cần nói rõ thêm ở đây, kế hoạch ngân sách Nhà nước đã đảm bảo kinh phí gần 3 tỷ đồng cho kỳ Đại hội này. Trong khi Kết luận số 78-KL/TW ngày 10/6/2020 của Ban Bí thư đã yêu cầu rõ: “Tổ chức thành công Đại hội nhiệm kỳ đảm bảo trang trọng, tiết kiệm”. Thế nhưng, ông Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam đã ký Nghị quyết số 291/NQ-LMHTXVN ngày 27/5/2020 phê duyệt dự toán kinh phí tổ chức Đại hội nhiệm kỳ hơn 12 tỷ đồng (12.087.600.000 VNĐ), gấp 4 lần kinh phí đã chi cho kỳ Đại hội trước đó.
Có tham nhũng, lợi ích nhóm trong quản lý, sử dụng 400 tỷ đồng?
Nghiêm trọng hơn, ngày 26/11/2021, Công ty liên doanh khách sạn Hà Nội Fortuna tiếp tục chuyển lợi nhuận được chia với số tiền hơn 200 tỷ đồng (209.531.000.000 VNĐ) về Công ty Thắng Lợi. Thế nhưng, một lần nữa ông Nguyễn Ngọc Bảo không chỉ đạo việc Công ty phải báo cáo và nộp về ngân sách Nhà nước theo Văn bản số 13304/BTC-TCDN ngày 30/10/2018 của Bộ Tài chính, mà mặc nhiên để cho “cánh hẩu” là ông Nguyễn Hùng Tiến (Trưởng ban Kinh tế Đầu tư, kiêm Chủ tịch HĐTV, đại diện pháp luật của Công ty Thắng Lợi) và ông Nguyễn Bảo Sơn (Phó Chánh Văn phòng, Thư ký Chủ tịch, kiêm uỷ viên HĐTV công ty Thắng Lợi) chỉ đạo đưa số tiền trên gửi ở ngân hàng tư nhân để hưởng chênh lệch lãi suất và chi tiêu sai quy định.
Như vậy, từ năm 2018 đến nay, Liên minh HTX Việt Nam đã nhận từ liên doanh khách sạn Hà Nội Fortuna tiền lợi nhuận được chia từ vốn góp ngân sách Nhà nước tổng số tiền gần 400 tỷ đồng.
Câu hỏi đặt ra là vì sao ông Nguyễn Ngọc Bảo - Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam cố tình không thực hiện theo Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, đến nay vẫn phớt lờ ý kiến chỉ đạo của Bộ Tài chính? Theo tìm hiểu của phóng viên, do thấy được tính chất nghiêm trọng của sự việc, một số đồng chí trong Thường trực Liên minh HTX Việt Nam đã thẳng thắn có ý kiến phải thực hiện đúng quy định của pháp luật và Tổng Giám đốc Công ty Thắng Lợi cũng đã đề nghị nộp ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên đến thời điểm này, ông Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo vẫn không chỉ đạo để giải quyết.
Dư luận đặt câu hỏi phải chăng ông Nguyễn Ngọc Bảo và “cánh hẩu” có chuyện tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong việc quản lý, sử dụng số tiền lớn như vậy? Hay do Liên minh HTX Việt Nam đã sử dụng lãng phí, làm thất thoát nhiều tiền nên không có khả năng nộp lại Ngân sách Nhà nước?
Trong chuyện tiêu cực này có thể thấy vai trò của người đứng đầu Liên minh HTX Việt Nam là rất lớn, đến mức ngạo nghễ, bất chấp các quy định pháp luật và ý kiến của Bộ Tài chính, vi phạm kéo dài, có hệ thống suốt từ năm 2018 đến nay khi không thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách Nhà nước một đồng nào từ số tiền trên.
Vi phạm kéo dài này đã tạo ra nhóm lợi ích tiêu cực, lợi dụng tài sản của Nhà nước để trục lợi cá nhân, tiếp tay cho tham nhũng, đòi hỏi sự vào cuộc kịp thời của các cơ quan bảo vệ pháp luật, Thanh tra và Kiểm tra Đảng để làm sáng tỏ, xử lý nghiêm minh, ngăn chặn và thu hồi lại tài sản, tiền cho ngân sách Nhà nước; lấy lại niềm tin cho cán bộ viên chức và người lao động trong hệ thống Liên minh HTX Việt Nam.
Trần Anh
Theo